Cầu Bạch Đằng lún võng, chủ đầu tư đổ cho thời tiết

Lê Hữu Việt - 06/11/2018 09:24 (GMT+7)

Sau 2 tháng đưa vào sử dụng, cầu Bạch Đằng (nối Hải Phòng - Quảng Ninh) xuất hiện lún võng. Nhà đầu tư thừa nhận thực trạng này nhưng lại đổ cho thời tiết, còn Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị địa phương và đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục. Theo các chuyên gia, phát sinh vấn đề là do thi công chưa tốt.

VNF
Cầu Bạch Đằng lún võng, chủ đầu tư đổ cho thời tiết. Ảnh: VNE

Lại đổ cho thời tiết

Sau khi báo chí đưa tin cầu Bạch Đằng lún võng, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể có công văn đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh - đại diện nhà nước ký hợp đồng BOT chỉ đạo khắc phục.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị địa phương khẩn trương yêu cầu nhà đầu tư (Công ty Cổ phần BOT cầu Bạch Đằng) và các đơn vị (Tư vấn thiết kế, tư vấn chuyển giao công nghệ, tư vấn giám sát) thực hiện: kiểm tra hiện trường; nghiên cứu, đánh giá các yếu tố kỹ thuật của cầu, trắc dọc cầu, ổn định trụ tháp, ứng suất dây văng...; có giải pháp xử lý, khắc phục để đảm bảo chất lượng công trình, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho phương tiện tham gia lưu thông và an toàn công trình.

Sáng 5/11, trao đổi với PV, ông Nguyễn Tiến Oánh, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT cầu Bạch Đằng, cho biết từ khi cầu hợp long (tháng 4/2018), chủ đầu tư đã phát hiện tình trạng chênh lệch cao độ giữa các đốt dầm. Toàn bộ cầu có 4 điểm vênh tại 2 vị trí giữa cầu, điểm vênh lớn nhất chênh 7cm. Theo đó, khi đúc dầm cầu, tại vị trí nối (hợp long) giữa dầm của trụ dây văng giữa với 2 trụ dây văng bên xảy ra tình trạng chênh lệch độ cao dầm đúc (Chỉ xảy ra ở vị trí nối giũa 2 đốt dầm, tại vị trí hợp long).

Theo ông Oánh, với cầu dây văng 3 trụ tháp như cầu Bạch Đằng, việc kiểm soát chênh lệch giữa các đốt đúc khó khăn, dẫn tới sự chênh lệch về cao độ giữa đốt đúc khi hợp long. Yếu tố thời tiết như nhiệt độ, độ ẩm cũng ảnh hưởng tới độ co ngót bê tông các đoạn đúc khác nhau, dẫn tới vênh.

Đại diện nhà đầu tư cho biết khi phát hiện chênh lệch sau hợp long, đơn vị thi công đã đề xuất bù vênh. Tuy nhiên, để kịp đưa cầu vào khai thác và các chuyên gia, tư vấn cũng góp ý cần thời gian theo dõi, quan trắc… rồi bù vênh sau nên cầu vẫn được đưa vào sử dụng. Dự kiến, trong tuần này, nhà đầu tư sẽ họp với các cơ quan liên quan để thống nhất phương án, thời điểm bù vênh. Một chuyên gia giao thông cho biết hễ công trình có vấn đề, đơn vị thi công lại đổ cho thời tiết. Trong khi, thời tiết không phải là ẩn số. Ai cũng biết một năm có 4 mùa rõ rệt.

Vụng về thi công hay bị thúc tiến độ?

Ông Chu Ngọc Sủng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải (TEDI), cho rằng tình trạng võng của cầu Bạch Đằng có thể do nhà thầu thi công vụng về. Do quá trình đúc dầm cầu trên cao căn chỉnh chưa tốt, dẫn tới độ cao của dầm cầu bị đúc lệch nhau. Thậm chí bị thúc ép tiến độ nên việc tính toán, căn chỉnh chưa kịp thời.

Theo ông Sủng, khi xây cầu, nếu nắng quá, bê tông sẽ chúc xuống, nếu lạnh quá lại vểnh lên, nên nếu không tính toán và căn chỉnh phù hợp các dầm khi nối nhau sẽ bị lệch. “Trong thiết kế, các yếu tố về thời tiết, kỹ thuật đều được tính toán hết. Tuy nhiên, khi làm thực tế cần sử dụng máy móc để đo, căn chỉnh, nếu không sẽ dễ xảy ra hiện tượng vênh giữa các dầm như cầu Bạch Đằng. Hiện tượng trên cũng xảy ra tại một số cầu dây văng ở Việt Nam nhưng mức độ khác nhau”, ông Sủng nói. Theo chuyên gia này, hiện trượng vênh nói trên không ảnh hưởng tới chất lượng công trình.

Phó chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam Tống Trần Tùng cũng cho rằng, hiện tượng đúc dầm cầu dây văng có lệch nhau xảy ra ở khá nhiều cầu, trên thế giới cũng nhiều cầu bị như vậy.

Theo Tiền phong
Cùng chuyên mục
Tin khác