Chủ đầu tư xin tạm ứng ngân sách để giải phóng mặt bằng cao tốc Bến Lức - Long Thành

Đức Hoàng - 15/01/2021 10:22 (GMT+7)

(VNF) - Ban quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam (chủ đầu tư) kiến nghị tỉnh Đồng Nai tiếp tục chấp thuận tạm ứng trước 9 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành tại huyện Nhơn Trạch, trong đó có 1,5 tỷ đồng cho bồi thường và 7,5 tỷ đồng cho chương trình phục hồi thu nhập.

VNF
Chủ đầu tư xin tạm ứng ngân sách để giải phóng mặt bằng cao tốc Bến Lức - Long Thành

Chủ đầu tư đồng thời kiến nghị tỉnh chấp thuận giao UBND, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Nhơn Trạch tiếp tục thực hiện chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành cho các hạng mục bổ sung gồm: tuyến kênh N14, nắn dòng 3 rạch Bến Giữa, Mương Dừa và Mù U tại km45, các cống chui cầu vượt và đường gom dân sinh.

Huyện Nhơn Trạch tiếp tục hỗ trợ thực hiện bàn giao đất của 3 trường hợp còn lại và 9 trường hợp tái lấn chiếm trong quý I/2021. Huyện Long Thành bàn giao 6 trường hợp còn lại trong quý I/2021 và trường tiểu học Phước Thái trong tháng 5/2021; chấp thuận kế hoạch điều chỉnh thời gian và tiến độ hạng mục trồng rừng thay thế và có ý kiến về dịch chuyển phạm vi luồng hàng hải tại sông Thị Vải.

Theo báo cáo của chủ đầu tư, tổng số hộ đã bàn giao mặt bằng là 1.214/1.223 hộ với hơn 195ha đất, đạt 98,9%, hiện còn 9 trường hợp (hơn 2ha) chưa bàn giao: huyện Nhơn Trạch còn 3 trường hợp (hơn 1,8ha), huyện Long Thành còn 6 trường hợp (0,26ha).

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu 2 địa phương tiếp tục vận động các hộ dân còn lại bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để đảm bảo tiến độ; trường hợp các hộ dân vẫn không thực hiện bàn giao mặt bằng sẽ thực hiện cưỡng chế.

Lãnh đạo UBND tỉnh cũng lưu ý khi địa phương bàn giao mặt bằng phải có biên bản cụ thể và chủ đầu tư cần có biện pháp quản lý đất tránh việc tái lấn chiếm. Đối với việc ứng vốn, lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu chủ đầu tư phải có văn bản gửi cho UBND tỉnh xử lý.

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57km đi qua Long An, TP. HCM, Đồng Nai, tổng đầu tư 31.000 tỷ đồng sau 6 năm khởi công vẫn dang dở do thiếu vốn.

Đây là công trình trọng điểm quốc gia, nối miền Tây với Đông Nam Bộ không qua nội đô TP. HCM; giúp kết nối mạng lưới cao tốc, quốc lộ, hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải và sân bay Long Thành. Công trình sẽ giảm ùn tắc trên quốc lộ 1, 51 và rút ngắn thời gian từ tỉnh Long An đến TP. HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo đà phát triển cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Công trình này đi qua các vùng địa chất phức tạp, có nhiều sông ngòi, sình lầy nên được xây dựng 17 cầu tổng chiều dài hơn 20km. Đây là dự án đường bộ cao tốc dài và lớn nhất miền Nam, kế hoạch thông xe ban đầu vào cuối năm 2018, sau đó được lùi đến 2020 và gần đây nhất lùi tới cuối năm 2023.

>>> Xem thêm: ‘Đại bàng’ LG muốn đầu tư thành phố thông minh khoảng 20.000 tỷ ở Đồng Nai

Cùng chuyên mục
Tin khác