Chủ tịch Hà Nội yêu cầu các sở ngành 'gỡ khó' cho dự án Nhà máy Điện rác Sóc Sơn 7.000 tỷ

Anh Hùng - 07/05/2020 19:00 (GMT+7)

(VNF) - Sáng 7/5, ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, đã đi kiểm tra tiến độ đầu tư xây dựng nhà máy điện rác tại Khu xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn.

VNF
Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đi kiểm tra tại Nhà máy Điện rác Sóc Sơn.

Theo báo cáo của chủ đầu tư, đến nay dự án đã hoàn thành khoảng 45% khối lượng công việc. Hiện đơn vị đang thi công tường bao khu vực, sàn đổ rác nhà máy chính, bể rác số 1, bể rác số 2, sàn sau lò nhà máy chính, phòng tua bin hơi, nhà hành chính, tường bao phía Nam, trạm tăng áp, trạm xử lý nước thải, lắp đặt cẩu tháp số 1 và số 2, lắp đặt hệ thống lò đốt số 2 và số 3…

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ sau thời điểm Tết nguyên đán đến nay, nhiều cán bộ và công nhân kỹ thuật nước ngoài (ước tính khoảng 110 người) chưa thể sang Việt Nam để tiếp tục triển khai công việc. Sở Xây dựng đã đôn đốc, phối hợp với Công ty Thiên Ý thực hiện các giải pháp khắc phục như thuê cán bộ và công nhân kỹ thuật người Việt Nam thay thế (số lượng ước tính khoảng 500 người).

Ngày 10/4/2020, Công ty Thiên Ý có Văn bản số 48/HNTY báo cáo phương án cách ly, phòng chống dịch và xin phép cho 119 chuyên gia, cán bộ người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam để tiếp tục thực hiện dự án. Hiện nay số chuyên gia, cán bộ đang thực hiện cách ly theo đúng quy định, dự kiến trước 15/5/2020 sẽ hết thời hạn cách ly, có thể làm việc trở lại bình thường.

Bên cạnh đó, do hai cổ đông của Công ty Thiên ý đặt trụ sở tại châu Âu, khu vực đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ảnh hưởng đến tiến độ điều chỉnh chủ trương đầu tư để bổ sung hai hạng mục công trình (đường ống cấp nước thô, trạm bơm và đường điện 110 KV). Trước tình hình này, chủ đầu tư báo cáo khả năng tiến độ hoàn thành sẽ chậm từ 2-3 tháng so với kế hoạch đề ra.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng cho biết đây là công trình trọng điểm, rất quan trọng của thành phố, thành phố đã tạo mọi điều kiện để dự án thi công đúng kế hoạch đề ra, song do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự án đã chậm 3 tháng.

Do đó, ông Hùng đề nghị chủ đầu tư cố gắng hơn, làm tăng ca để dự án cùng lắm chỉ chậm 1 tháng. Đặc biệt, ông Hùng yêu cầu chủ đầu tư cần có phương án thi công cụ thể vì thời tiết trong thời gian tới sẽ diễn biến hết sức phức tạp, cần lường trước được những khó khăn trong việc nhập khẩu các thiết bị máy móc ở châu Âu…

Sau khi trao đổi với chủ đầu tư về những vướng mắc của dự án, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết đối với việc thay đổi thông số thiết bị máy phát điện và trạm biến áp, thành phố thống nhất và đề nghị chủ đầu tư sớm hoàn thiện toàn bộ hồ sơ gửi Sở KHĐT chủ trì cùng Sở Khoa học công nghệ và các sở ngành liên quan báo cáo trình UBND thành phố trước ngày 15/5/2020.

Đối với vướng mắc liên quan đến công tác thi công 2 công trình phụ trợ ngoài nhà máy gồm trạm bơm nước và tuyến ống dẫn nước từ trạm bơm về nhà máy, hệ thống truyền tải điện, ông Chung giao UBND huyện Sóc Sơn chủ trì, phối hợp các sở: Giao thông, Quy hoạch Kiến trúc, Tài Nguyên Môi trường tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh công tác xác định hướng tuyến đường ống nước thô từ trạm cấp nước về nhà máy, xác định ranh giới cắm mốc cột điện cao thế, thực hiện cắm mốc, thu hồi đất,..

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, cùng với quá trình trình thành phố điều chỉnh chủ trương đầu tư, Chủ tịch TP Hà Nội cũng cho phép chủ đầu tư, các sở ngành đồng thời làm song song các thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện.

Liên quan đến kiến nghị hỗ trợ tạo điều kiện cho chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, ông Chung cho biết thành phố sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư và giao Sở Y tế tiếp tục hỗ trợ, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, do vẫn phải thực hiện cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh theo quy định, nên chủ đầu tư cần tính toán thời gian đến của các chuyên gia cho phù hợp, bảo đảm tiến độ dự án.

Tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Đức Chung cũng lưu ý hàng tuần,chủ đầu tư phải có báo cáo (tiến độ, khó khăn vướng mắc) để thành phố sớm tháo gỡ, tạo mọi điều kiện đưa dự án sớm đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, song song với việc đẩy nhanh thi công, chủ đầu tư cũng xây dựng dần kế hoạch nghiệm thu, cố gắng rút ngắn thời gian để tiến hành chạy thử vào tháng 11/2020, đưa vào vận hành vào tháng 12/2020.

Dự án Nhà máy Điện rác Sóc Sơn có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương cuối năm 2017, do Công ty cổ phần Môi trường năng lượng Thiên Ý là chủ đầu tư, Tổng thầu MCC (Trung Quốc) thực hiện.

Nhà máy có công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày, sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi cơ học của Bỉ. Dự kiến, lượng điện thu được từ nhà máy khoảng 75 MW điện/giờ.

Cùng chuyên mục
Tin khác