Chủ tịch Sun Group Đặng Minh Trường: ‘Cần chiến dịch marketing du lịch ra quốc tế ngay bây giờ’

Lê Nguyễn - 14/10/2021 14:27 (GMT+7)

(VNF) – Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Sun Group, mong rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch cũng như chính quyền các địa phương có phương án tổ chức chiến dịch marketing quảng bá xúc tiến thị trường quốc tế ngay từ bây giờ, tăng cường tiếp thị ra quốc tế rằng Việt Nam là một điểm đến an toàn với những chính sách hộ chiếu vắc xin linh hoạt để thu hút khách đến với Việt Nam.

VNF
Chủ tịch Sun Group Đặng Minh Trường

- Dịch bệnh và thời gian giãn cách kéo dài đã ảnh hưởng như thế nào đến tình hình kinh doanh của Sun Group?

Ông Đặng Minh Trường: Một doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực du lịch như Sun Group thì chắc chắn không tránh được những ảnh hưởng bởi Covid-19. Các khu du lịch, khách sạn, resort của chúng tôi thời gian qua đều không thể đón khách.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng tôi không muốn đong đếm thiệt hại bằng những con số nữa. Có lẽ cách tốt nhất để hướng tới bình thường mới là luôn chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng, với những kịch bản ứng phó linh hoạt.

- Vậy Sun Group đã có kịch bản ứng phó linh hoạt như thế nào?

Kể từ đợt bùng phát đầu tiên của dịch Covid-19, chúng tôi đã có sự nghiên cứu, đánh giá và chuẩn bị sẵn sàng về chiến lược. Do vậy chúng tôi không bị động khi dịch bệnh liên tục có những diễn biến phức tạp hơn. Gần đây, Chính phủ đã đồng ý thí điểm đón khách du lịch quốc tế tới Phú Quốc. Đây là cơ hội tốt để chúng tôi khôi phục hoạt động kinh doanh.

- Ông nhìn nhận như thế nào về việc thí điểm đón khách quốc tế du lịch tới Phú Quốc và Sun Group đã chuẩn bị gì cho việc thí điểm này?

Chúng tôi tin rằng Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan đã có sự cân nhắc, tính toán hết sức kỹ lưỡng.

Hoạt động chính trong lĩnh vực du lịch, chúng tôi hiểu hơn ai hết những khó khăn mà các doanh nghiệp trong ngành đã phải chịu suốt hai năm qua do dịch bệnh. Do đó, việc mở cửa trở lại, khi được thực hiện một cách thận trọng, với những lộ trình và phương pháp được cân nhắc kỹ lưỡng, để đảm bảo an toàn cho du khách và cho điểm đến, chắc chắn sẽ phát huy hiệu lực, giúp du lịch có thể “hồi sinh”.

Về phía Sun Group, chúng tôi đã có sự chuẩn bị đầy đủ cho việc mở cửa trở lại. Về cơ sở vật chất, quãng thời gian giãn cách xã hội vừa qua đã được tận dụng để bảo trì, bảo dưỡng, chỉnh trang, xây dựng, phủ xanh, làm mới toàn bộ công trình khách sạn, khu vui chơi giải trí trên cả nước.

Với riêng Phú Quốc, các khu nghỉ dưỡng và tổ hợp vui chơi giải trí của tập đoàn tại đây đã được đầu tư để có sự thay đổi lớn về diện mạo, chất lượng dịch vụ cũng như bổ sung thêm các trải nghiệm mới. Có thể kể đến như: các hạ tầng trò chơi tại công viên nước Aquatopia đã được chỉnh trang lại toàn bộ; tổ hợp vui chơi giải trí biển Sun World Hon Thơm Nature Park đã được bổ sung những hàng cây xanh; cáp treo Hòn Thơm được bảo dưỡng đường cáp, các cabin được vệ sinh sạch sẽ; hệ thống cơ sở lưu trú tại Phú Quốc đã tiến hành sơn sửa lại các công trình...

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời chú trọng đầu tư vào những sản phẩm, dịch vụ mới mẻ, hấp dẫn tại các dự án, khu vui chơi giải trí.

Cụ thể, tại khu Central Village thuộc dự án “thị trấn Địa Trung Hải” nam Phú Quốc, chúng tôi đang tạo dựng những bức tranh tường tương tác mang chủ đề tình yêu được vẽ trên các toà nhà, lấy cảm hứng từ nghệ thuật kinh điển châu Âu và nghệ thuật dân gian Việt Nam. Khi hoàn thành, dự kiến đây sẽ là điểm check-in hấp dẫn khi Phú Quốc đón khách du lịch trở lại. 

Việc nâng cao chất lượng dịch vụ, liên kết với các đối tác ở các lĩnh vực khác như hàng không, vận tải, nền tảng số và xây dựng hệ sinh thái sản phẩm điểm đến để đón đầu thị trường quốc tế cũng được Sun Group chú trọng.

Hiện chúng tôi đang xây dựng các gói trải nghiệm wellness tại các khách sạn - đây là một loại hình sản phẩm đang dẫn dắt xu thế du lịch sau dịch. Chúng tôi cũng cùng phối hợp với các hãng hàng không và các đối tác lữ hành chiến lược trong các chương trình marketing, đẩy mạnh quảng bá cho hệ sinh thái du lịch của Sun Group nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung trước thềm mở cửa đón khách quốc tế.

Ứng dụng chuyển đổi số, chúng tôi đang gấp rút triển khai ứng dụng công nghệ vào quá trình nâng cấp trải nghiệm của khách hàng tại các khách sạn và khu du lịch như JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay, New World Phu Quoc Resort, Capella Hanoi... hạn chế tối đa các tiếp xúc nhờ các dịch vụ không chạm hay một chạm.

Chúng tôi hy vọng đây sẽ là nền tảng vững chắc để Sun Group có thể góp phần vào thành công chung của chương trình thí điểm đón khách quốc tế tới Phú Quốc.

- Sun Group đã chuẩn bị bài bản cho Phú Quốc, nhưng các địa phương khác vẫn còn trong trạng thái “treo”. Ông cho rằng phải mất bao lâu hoạt động du lịch mới phục hồi?

Rất khó để nói chính xác mất bao lâu doanh nghiệp có thể hồi phục, bởi cho đến bây giờ, chưa ai có thể dự đoán được khi nào dịch bệnh kết thúc. Tuy nhiên, với những diễn biến tích cực gần đây, chúng tôi tin rằng ngành du lịch sẽ có nhiều bước tiến mạnh mẽ hơn trong thời gian tới và du lịch nội địa sẽ vẫn là thị trường chủ đạo.

Thực tế cho thấy, năm 2020, trong bối cảnh gần như không có khách quốc tế, lượng khách nội địa vẫn đạt 56 triệu lượt, bằng khoảng 66% năm 2019. Nhiều nghiên cứu về du lịch trên thế giới cũng đã chỉ ra rằng, các loại hình như du lịch tại chỗ, du lịch gần nhà và du lịch nội địa sẽ mang lại cảm giác an toàn cho du khách ở thời điểm này và sau đó nữa.

Khách du lịch thường sẽ ngại khi phải di chuyển bằng máy bay đến những vùng đất xa xôi để rồi cả kỳ nghỉ phải lo lắng về khả năng nhiễm bệnh. Do vậy, những điểm đến nội địa được công nhận là an toàn với dịch bệnh và sở hữu “hành lang xanh” đón khách an toàn chắc chắn sẽ được ưu tiên lựa chọn.

- Việc tái mở cửa du lịch chắc chắn cần tới sự hỗ trợ của nhà nước. Theo ông, nhà nước cần có những động thái gì?

Để có thể nhanh chóng triển khai xây dựng những “hành lang xanh” đón khách quốc tế, tạo nên những trải nghiệm tốt nhất cho du khách, đồng thời đảm bảo an toàn phòng dịch tại điểm đến, các doanh nghiệp như Sun Group rất cần những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và cụ thể hơn nữa từ các bộ, ngành và đặc biệt là chính quyền các địa phương.

Cụ thể, chúng tôi rất mong các địa phương, những điểm đến du lịch trọng điểm của quốc gia như Đà Nẵng, Phú Quốc, Huế- Hội An, Hạ Long, Nha Trang, Sa Pa, Đà Lạt... chủ động đề xuất các chính sách thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vắc xin để tạo sự miễn dịch trong cộng đồng, ưu tiên vắc xin cho lao động phục vụ trong ngành du lịch.

Đây là cơ sở then chốt để có thể mở cửa trở lại du lịch trong nước và hiện thực hóa kế hoạch thí điểm “hộ chiếu vắc xin” đối với thị trường quốc tế tại Phú Quốc, từ đó tiến tới những kế hoạch xa hơn trong tương lai, để có thể giúp ngành du lịch từng bước phục hồi mạnh mẽ sau dịch.

Chúng tôi cũng mong Chính phủ sớm có một quy trình đón khách quốc tế thống nhất, cụ thể rõ ràng và tinh gọn nhất có thể, với các thủ tục được giản tiện tối đa nhưng vẫn đảm bảo an toàn, từ đó tạo nên những trải nghiệm thoải mái, dễ chịu nhất cho du khách.

Đối với một số thị trường tiềm năng đã kiểm soát tốt dịch bệnh, chúng tôi đề xuất có phương án miễn visa hoặc cắt bớt các quy trình nhập cảnh, quy trình kiểm soát dịch bệnh để kích cầu du lịch tại các thị trường này.

Sun Group cũng rất mong Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch cũng như chính quyền các địa phương có phương án tổ chức chiến dịch marketing quảng bá xúc tiến thị trường quốc tế ngay từ bây giờ, tăng cường tiếp thị ra quốc tế rằng Việt Nam là một điểm đến an toàn với những chính sách hộ chiếu vắc xin linh hoạt để thu hút khách đến với Việt Nam.

Ngoài việc kết nối với các kênh truyền thông quốc tế nổi tiếng như CNN, BBC… để triển khai các chương trình quảng bá, chúng tôi cũng rất mong chính quyền địa phương đứng ra tổ chức các chương trình kích cầu quy mô, kết nối được nhiều doanh nghiệp du lịch cùng tham gia để chung tay thu hút du khách tại những thị trường quốc tế mà chúng ta định nhắm tới…

Cùng chuyên mục
Tin khác