'Chuyển dịch FDI từ Trung Quốc và một số nước sang Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng'
GS. TSKH Nguyễn Mại -
29/04/2021 16:00 (GMT+7)
(VNF) - Theo số liệu thống kê, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quý I/2021 thu được kết quả đáng khích lệ, đóng góp tích cực vào phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế 4,48% cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, mở ra triển vọng cho cả năm 2021.
Nhận xét
Trong Quý I, dịch Covid 19 đã bùng phát tại một vài địa phương như Hải Dương, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sồng của người dân, nhưng xét trên phạm vi cả nước thì về cơ bản nước ta đã khống chế được dịch, nền kinh tế trở lại bình thương, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, do đó tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn quý I năm trước. Nhiều doanh nghiệp FDI đã vượt qua khó khắc, duy trì, mở rộng sản xuất thể hiện vốn thực hiện tăng, xuất nhập khẩu mở rộng và tiếp tục tạo ra xuất siêu lớn, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng dự trữ ngoại hối, giữ vững giá trị đồng tiền.
Trong tháng 3/2021 nhờ có hai dự án điện LNG tại Long An nên đã khắc phục được tình trạng giảm vốn đăng ký mới của hai tháng đầu năm, quy mô dự án cũng tăng so với cùng kỳ năm trước. Thu hút FDI quý I chưa thể hiện được sự thay đổi về chất lượng theo định hướng Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị. Số dự án lớn đầu tư vào công nghệ thông tin, công nghệ tương lai chưa nhiều, đáng kể nhất là Dự án Nhà máy Fukang Technology (Singapore), Bắc Giang sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay vốn đăng ký 293 triệu USD và Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư 750 triệu USD. Long An, Cần Thơ với ba dự án điện chiếm 45,2% vốn đăng ký mới, vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần; trong khi hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM chưa có dự án lớn về công nghệ cao và dịch vụ hiện đại.
Mặc dù đã có tín hiệu lạc quan về đàm phán giữa Việt Nam với Mỹ và EU một số dự án lớn như điện LNG, năng lượng tái tạo, công nghệ tương lai kể từ khi EVFTA có hiệu lực, quan hệ Việt –Mỹ tiếp tục phát triển thuận lợi, nhưng các đối tác chính vẩn là nhà đầu tư Châu Á.
Trong các dự án lớn thì chúng tôi phân vân về dự án nhiệt điện tại Cần Thơ đã được cấp GCNĐKĐT, trong khi tại một số địa phương có khá nhiều dự án điện mặt trời, điện gió, điện tái tạo đã được phê chuẩn đang tiến hành xây dựng; nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đang tìm cách “lách quy hoạch” để được chấp thuận đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch. Liệu có nên tiếp tục thu hút FDI vào dự án nhiệt điện than nữa không, trong điều kiện nước ta chủ trương xây dựng nền kinh tế xanh, it phát thải khí gây hiêu ứng nhà kính.
Dự báo FDI thế giới
Ngày 24/01/2021 “Báo cáo Theo dõi xu hướng đầu tư năm 2021”, Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc (UNCTAD) cho biết: FDI toàn cầu trong năm vừa qua giảm 42%, từ mức 1.500 tỷ USD năm 2019 xuống mức dự kiến 859 tỷ USD năm 2020, giảm hơn 30% so với năm 2009, quay lại mức thấp nhất trong thập niên 90 của thế kỷ trước.
FDI vào các nước phát triển giảm 69%, xuống khoảng 229 tỷ USD. Một số điểm sáng trong chu chuyển FDI ở các nước phát triển như Thụy Điển tăng từ 12 lên 29 tỷ USD, Israel tăng từ 18 lên 26 tỷ USD và Nhật Bản tăng từ 15 lên 17 tỷ USD. FDI vào các nền kinh tế đang chuyển đổi giảm 77%, xuống mức 13 tỷ USD.
FDI vào các nền kinh tế đang phát triển giảm 12%, xuống khoảng 616 tỷ USD; khu vực Mỹ Latinh và Caribe giảm 37%, Châu Phi giảm 18% và Châu Á giảm 4%; tuy vậy, tỷ trọng của các nền kinh tế đang phát triển trong FDI toàn cầu đã đạt 72% - mức cao nhất từ trước đến nay. FDI đổ vào các nước ASEAN giảm 31%, xuống mức 107 tỷ USD.
Mặc dù IMF, WB và một số tổ chức quốc tế dự báo nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2021, nhưng UNCTAD nhận định chu chuyển FDI vẫn chưa thể phục hồi do không chắc chắn về tình hình kiểm soát dịch Covid-19, cũng như cải thiện môi trường chính sách đầu tư toàn cầu. Tại Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2020, UNCTAD dự đoán mức giảm FDI toàn cầu khoảng 5%-10% trong năm 2021. Đối với các nước đang phát triển Báo cáo của UNCTAD cảnh báo: “khả năng hạn chế của các nước đang phát triển trong việc cung cấp các gói hỗ trợ kinh tế nhằm khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng sẽ dẫn đến sự hồi phục bất cân xứng của FDI dựa trên tài chính dự án”.
UNCTAD dự đoán rằng, bất kỳ sự gia tăng nào chu chuyển FDI toàn cầu năm 2021 sẽ không phải đến từ đầu tư mới vào tài sản sản xuất mà từ M&A xuyên quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và y tế, hai ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng khác biệt từ đại dịch. Khoảng 80% các công ty có trụ sở ở các nền kinh tế phát triển, chủ yếu là ở Châu Âu, một số tập đoàn đa quốc gia ở các nước đang phát triển là những người mua tích cực. Ví dụ, các nhà đầu tư Nam Phi đang dự định mua cổ phần của các tập đoàn cung cấp sản phẩm y tế ở khắp châu Phi và Châu Á; các công ty công nghệ thông tin Ấn Độ đã tuyên bố mức tăng 30% M&A, hướng đến Châu Âu và các thị trường khác trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin.
Triển vọng
Các con số thống kê thu hút FDI quý I, tình hình khôi phục hoạt động kinh tế và thành quả chống dịch, lòng tin của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài là tiền đề vững chắc để dự báo triển vọng tích cực của 9 tháng còn lại của năm 2021 đối với tăng trưởng kinh tế và thu hút FDI.
Vấn đề cần được lưu ý với các bộ, ngành, chính quyền địa phương là chất lượng FDI theo định hướng của Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị, bởi vì mục tiêu số lượng không khó thực hiện như vốn đăng ký bình quân/năm giai đoạn 2021- 2025 là 35 tỷ USD, vốn thực hiện là 25 tỷ USD thì năm 2021 đã có thể thực hiện được. Sự chuyển dịch doanh nghiệp FDI từ Trung Quốc và một số nước sang Việt Nam có xu hướng gia tăng nên việc nước ta có thể tiếp nhận ngày càng nhiều vốn nước ngoài, kể cả đầu tư mới và nhất là M&A.
Các chỉ tiêu chất lượng bao gồm (1) Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025; (2) Tỷ lệ nội địa hoá tăng từ 20 - 25% hiện nay, lên mức 30% vào năm 2025 và (3) Tỷ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% lên 70% vào năm 2025.
Tại Nghị quyết 58/NQ-CP của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện 8 nhiệm vụ; bám sát tình hình thực tế, chủ động theo dõi, đánh giá để có biện pháp xử lý linh hoạt, kịp thời hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền những giải pháp chỉ đạo, điều hành bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Định kỳ hàng năm (trước ngày 31/3) báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả thực hiện để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6.
Nghị quyết 58/NQ-CP quy định: “Khắc phục căn bản những hạn chế, bất cập đang tồn tại trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác đầu tư nước ngoài. Tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 4 trước năm 2021, thuộc nhóm ASEAN 3 trước năm 2030”.
Năm 2020 và quý I/2021 hình như không có văn bản nào kiểm điểm những quy định trên đây (!). Do đó, để đạt được mục tiêu chất lượng đối với thu hút FDI của năm 2021 và những năm tiếp theo thiết tưởng không cần đề ra các giải pháp mới, mà phải đổi mới tư duy hành động trong việc thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 58 của Chính phủ.
Ba nhân tố cần được lưu ý đối với các cơ quan nhà nước có liên quan đến khu vực FDI: một là nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ tham mưu, tư vấn, phản biện chính sách để cập nhật thông tin cho lãnh đạo các cấp với các giải pháp xử lý nhằm đưa ra quyết định kịp thời.
Hai là đổi mới phương thức hành động đối với việc hoàn thiện và thực thi thể chế đầu tư, kinh doanh, khắc phục tình tạng chậm chạp của quá trình xây dựng luật pháp, chính sách gây ra nợ đọng nhiều văn bản pháp quy, bằng cách huy động đội ngũ chuyên gia đang làm việc tại viện nghiên cứu, trường đại học, đã về hưu có nhiều kinh nghiệm, còn đủ sức khỏe để hỗ trợ Chính phủ và Quốc hội thực hiện đồng bộ và nhanh chóng nhiệm vụ này.
Ba là hoàn thiện xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống thông tin quốc gia về FDI, được nối mạng từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư với các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố, Ban Quản lý KKT, KCN và các doanh nghiệp FDI cập nhật thông tin chính xác, kịp thời phát hiện vấn đề, sự cố để xử lý nhằm nâng cao hiệu năng quản lý nhà nước.
Thu hút và hoạt động của Khu vực FDI tiếp tục là điểm sáng của bức tranh kinh tế Quý I, báo hiệu triển vọng tích cực cả năm 2021. Trong bối cảnh mới, nước ta cần đặt trọng tâm vào nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế- xã hội dự án FDI và doanh nghiệp FDI để góp phần tích cực hơn nữa chuyển đổi sang nền kinh tế số, doanh nghiệp số và xã hội số.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.