Cơ hội phát triển cho kinh tế tư nhân
(VNF) - Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn song cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế. Tuy nhiên, để làm được việc này, điểm mấu chốt là sự hợp tác chặt chẽ và toàn diện giữa cộng đồng doanh nghiệp và nhà nước.
Kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI, kinh tế Việt Nam được xác định là “nền kinh tế nhiều thành phần”, với sự công nhận vai trò của các doanh nghiệp tư nhân và quyền tự do kinh doanh của người dân.
Đến cuối năm 90, sau khi Luật Doanh nghiệp tư nhân ra đời, từ kinh tế tập trung, kinh tế tư nhân đã bắt đầu hình thành và lớn dần lên. Nếu trước đó, Việt Nam chỉ có các doanh nghiệp nhà nước thì sau mở cửa cho kinh tế thị trường, khái niệm doanh nghiệp tư nhân xuất hiện và cho đến nay, số lượng doanh nghiệp nhà nước không còn đáng kể trong số hàng trăm nghìn doanh nghiệp trên thị trường.
Tuy nhiên, hiện khu vực tư nhân cũng phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, từ sự hạn chế trong chính sách pháp luật đến sự khó khăn trong việc huy động vốn trung và dài hạn, cũng như sự phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư nước ngoài.
Một trong những vấn đề nổi cộm nhất mà khu vực tư nhân đang phải đối mặt là hệ thống văn bản pháp luật chưa thực sự hoàn thiện. Văn bản pháp luật của nhà nước còn nhiều thiếu sót mà phía tư nhân khó giải quyết. Những thiếu sót này tạo ra rào cản lớn trong việc phát triển khu vực tư nhân, khiến doanh nghiệp khó có thể tận dụng được các cơ hội kinh doanh và mở rộng sản xuất.
Bên cạnh các vấn đề pháp lý, một khó khăn lớn khác là chi phí không chính thức đã trở thành một gánh nặng lớn cho doanh nghiệp. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chi phí không chính thức có thể chiếm tới 5% tổng chi phí của một doanh nghiệp. Điều này không chỉ làm tăng chi phí sản xuất mà còn làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Một vấn đề cũng không hề nhỏ khác của khu vực tư nhân là sự phụ thuộc quá nhiều của nền kinh tế Việt Nam vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Dù xuất khẩu của Việt Nam có thể đạt tới 100 tỷ USD tại một số thị trường, nhưng trong 100 tỷ USD đó, đến 80% là tạm nhập, tái xuất từ khu vực FDI. Điều này có nghĩa là phần lớn giá trị xuất khẩu của Việt Nam không phải do các doanh nghiệp nội địa tạo ra.
Việt Nam cần phải tập trung vào việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất, phát triển năng lực của các doanh nghiệp trong nước để không còn phụ thuộc quá nhiều vào FDI. Bản thân các xí nghiệp của Việt Nam cũng chưa làm hết khả năng, chưa tự mình đi phát triển thị trường. Đơn cử ngành may mặc, mỗi năm các doanh nghiệp xuất khẩu 5 – 7 tỷ USD, những không phải là sản phẩm của mình mà chỉ là gia công, nguyên liệu cũng đến từ nước ngoài. Điều nguy hiểm hơn nữa là nguồn thị trường cũng không do mình làm ra, các hợp đồng đều từ doanh nghiệp nước ngoài nước ngoài kiếm được và giao cho mình.
Tuy nhiên, để giải quyết được vấn đề nêu trên, doanh nghiệp Việt phải vượt qua được trở ngại về vốn. Hiện nay các doanh nghiệp Việt gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn trung và dài hạn để phát triển kinh doanh, trong khi vốn là điều quan trọng hàng đầu đối với doanh nghiệp để mở rộng sản xuất kinh doanh. So với các quốc gia phát triển khác, đơn cử như Mỹ, doanh nghiệp khi cần vốn sẽ đến ngân hàng đầu tư – tổ chức huy động vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp. Trong khi đó, Việt Nam lại không có loại hình ngân hàng này.
Một giải pháp mà Chính phủ Việt Nam đã đề ra là thành lập Trung tâm Tài chính Quốc tế tại TP. HCM, với mục tiêu giải quyết vấn đề tài chính trung và dài hạn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai, do các cơ quan chức năng chưa thực sự hiểu rõ mô hình và cách thức hoạt động của một trung tâm tài chính quốc tế. Việc này khiến mục tiêu hỗ trợ khu vực tư nhân trong việc huy động vốn dài hạn không đạt được.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển dịch chuỗi cung ứng, Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển cũng như vươn mình ra thế giới. Về địa lý, Việt Nam hiện đang nằm ở trung tâm khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một khu vực có tỷ trọng GDP toàn cầu vượt quá 50% và dự kiến tiếp tục gia tăng trong 10 – 20 năm nữa. Việc Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị của khu vực này không chỉ là cơ hội mà còn là nhiệm vụ cần chuẩn bị kỹ lưỡng.
Việt Nam không thể đứng một mình lẻ loi trên bản đồ thế giới. Chúng ta đã ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia, nhưng điều quan trọng là phải tận dụng được những cơ hội đó. Để phát triển, Việt Nam không thể chỉ dựa vào các sản phẩm truyền thống như nông sản mà phải nghiên cứu các công nghệ mới, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao như IT, chất bán dẫn... Những lĩnh vực này sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam với nhiều triển vọng phát triển.
Việc thực hiện những điều nêu trên đòi hỏi sự hỗ trợ quan trọng trong cơ chế pháp luật của nhà nước để tạo ra sự thông thoáng. Chính phủ cần lắng nghe doanh nghiệp, cần học hỏi từ những kinh nghiệm quốc tế. Ví dụ, Singapore với chỉ 5 triệu dân nhưng đã trở thành trung tâm tài chính và kinh tế quan trọng nhờ vào sự điều hành của ông Lý Quang Diệu.
Để phát triển như Singapore, Việt Nam cần có chính sách phù hợp với nhu cầu của các tập đoàn đa quốc gia, giống như cách ông Lý Quang Diệu đã tổ chức các buổi gặp gỡ với các lãnh đạo của những công ty lớn để lắng nghe của họ. Quan trọng hơn cả, ông Lý Quang Diệu tổ chức được hệ thống quản lý nhà nước không có các vấn đề về tham nhũng, cách mạng hóa vấn đề ngân sách nhà nước, trả lương cho công chức cán bộ đủ sống và làm việc nghiêm túc để không bị cám dỗ và phát sinh ra tiêu cực.
Nói tóm lại, dù đưa ra bất kỳ chiến lược nào cho Việt Nam, điểm mấu chốt là sự hợp tác chặt chẽ và toàn diện giữa doanh nghiệp và nhà nước để đất nước có thể phát triển mạnh nhất trong tương lai. Nhà nước phải cung cấp những chính sách phù hợp để doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng trưởng, kèm theo đó là chính sách về thuế để thu hút đầu tư nội địa cũng như nước ngoài. Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần có sự nhạy bén trong việc nắm bắt cơ hội.
Kinh tế tư nhân trong sự phát triển và hưng thịnh của đất nước
- Đưa kinh tế tư nhân thành động lực hàng đầu 08/02/2024 04:34
- Hỗ trợ kinh tế tư nhân: Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế? 17/10/2024 07:00
- Doanh nghiệp tư nhân khoẻ mạnh là nội lực của nền kinh tế 16/10/2024 07:00
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.