‘Cởi trói’ cho 124 dự án bị thanh kiểm tra, TP. HCM còn 300 mặt bằng đất công chưa có phương án xử lý
Bảo Hưng -
11/04/2019 16:40 (GMT+7)
(VNF) - Lãnh đạo TP. HCM vừa có buổi gặp gỡ trao đổi với các doanh nghiệp bất động sản liên quan đến tình hình các dự án trên địa bàn thành phố. Tại cuộc họp này, Phó chủ tịch UBND TP. HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết sẽ công khai danh tính 124 dự án được phục hồi sau khi thanh kiểm tra, tuy nhiên thành phố vẫn còn 300 mặt bằng đất công đã giao cho doanh nghiệp chưa có phương án xử lý.
Theo Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến, UBND TP. HCM đã có Kết luận 183 gửi Sở TN-MT về việc cho phép phục hồi 124 trong tổng số hơn 160 dự án các cơ quan chức năng phải rà soát, thanh kiểm tra, điều tra… nên phải tạm dừng trước đó.
Thành phố yêu cầu Sở TN-MT mời các doanh nghiệp đang triển khai 124 dự án nói trên đến thông báo cụ thể, yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục triển khai dự án theo quy định. Các dự án còn lại tiếp tục phải tạm dùng vì liên quan đến công tác thanh tra, điều tra của cơ quan chức năng.
Tại cuộc gặp gỡ, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cũng kiến nghị cần sớm kết luận, xử lý khoảng 300 mặt bằng đất công thuộc diện bị thu hồi quyết định hoặc văn bản về sử dụng đất.
Theo đó, phân loại khoảng 300 mặt bằng đất công nêu trên thành 3 nhóm. Nhóm 1 bao gồm các mặt bằng về cơ bản thực hiện đúng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, cần sớm được giải tỏa cho người sử dụng đất. Nhóm 2 bao gồm các mặt bằng có sai phạm về quy trình, thủ tục, nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước ở mức độ không lớn, sẽ yêu cầu người sử dụng đất hoàn thành các thủ tục đầu tư và thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung đối với Nhà nước (nếu có). Nhóm 3 bao gồm các mặt bằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Hiệp hội kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm có kết luận, giải quyết cụ thể đối với từng trường hợp, để có phương án xử lý có lý, có tình, có tính đến yếu tố lịch sử của quá trình sử dụng đất, vừa đảm bảo nguyên tắc không làm thất thoát tài sản công, vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người dân.
Thị trường bất động sản TP. HCM và các doanh nghiệp bất động sản đang bị ảnh hưởng cực lớn sau khi một loạt các dự án có nguồn gốc đất công bị thanh kiểm tra. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, số lượng dự án bị giảm dẫn đến số lượng nhà ở đưa ra thị trường cũng bị sụt giảm, không có lợi cho cả cho người mua nhà và thị trường bất động sản.
Nguồn thu ngân sách TP về tiền sử dụng đất cũng bị sụt giảm mạnh: Năm 2018 giảm 22,5%; 2 tháng đầu năm 2019 giảm đến 76% so với cùng kỳ năm trước. Tổng nợ thuế trong 2 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn lên đến 10.110 tỷ đồng, tăng 13,5% so với thời điểm 31-12-2018, trong đó các khoản nợ liên quan tới đất 1.370 tỷ đồng, chiếm 14%, và có đến 76 doanh nghiệp xây dựng bất động sản nợ thuế với tổng số tiền sử dụng đất 794 tỷ đồng.
Trong quý I/2019, Sở Xây dựng phê duyệt số lượng dự án giảm đến 63%; cấp 8.472 giấy phép xây dựng (kể cả khu vực nhà dân và dự án), giảm 16% so với cùng kỳ năm trước; số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp của các doanh nghiệp xây dựng cũng bị sụt giảm 30-50% do các chủ đầu tư bất động sản thiếu nguồn dự án mới.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone