Công an cảnh báo 5 thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng
Ngân Kim -
31/05/2022 10:38 (GMT+7)
(VNF) - Công an TP. Hà Nội đã nêu 5 thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt đoạt tài sản qua mạng xã hội, mạng internet để cảnh báo người dân nhằm nâng cao cảnh giác, tránh sập bẫy các đối tượng tội phạm.
Cơ quan Công an TP. Hà Nội cho biết trong thời gian gần đây, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông, mạng xã hội, mạng internet có nhiều thủ đoạn mới và tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân, bức xúc trong dư luận xã hội.
Một số các thủ đoạn phổ biến trong thời gian qua là kết bạn làm quen qua mạng xã hội (Facebook, Zalo…) hứa hẹn tình cảm yêu đương, tặng quà rồi lừa đảo; chiếm quyền quản trị hoặc giả lập các tài khoản mạng xã hội của người dùng sau đó nhắn tin lừa gạt người thân quen của chủ tài khoản chuyển tiền để chiếm đoạt; lập các website sàn giao dịch tài chính, thương mại điện tử, chứng khoán quốc tế để lôi kéo người dân tham gia đầu tư, sau đó can thiệp vào hệ thống để chiếm đoạt số tiền của người tham gia;…
Cơ quan Công an TP. Hà Nội mới đây đã cảnh báo thêm về 5 thủ đoạn khác mà người dân cần lưu ý.
Thứ nhất là giả danh các nhà mạng gọi điện thông báo số thuê bao điện thoại của người dùng đã trúng thưởng tài sản có giá trị lớn, để nhận được tài sản đó phải mất phí nếu đồng ý thì mua thẻ cào nạp vào số tài khoản mà các đối tượng lừa đảo cung cấp, khi người dùng đóng tiền vào để nhận thưởng thì các đối tượng chặn liên lạc và chiếm đoạt số tiền đó.
Thứ hai là giả danh cán bộ ngân hàng, gọi điện cho bị hại thông báo có người chuyển tiền vào tài khoản nhưng do bị lỗi nên chưa chuyển được hoặc thông báo phần mềm chuyển tiền Internet Banking của khách hàng bị lỗi... nên yêu cầu khách hàng cung cấp mã số thẻ và mã OTP để kiểm tra. Các đối tượng sử dụng thông tin bị hại cung cấp để truy cập vào tài khoản và rút tiền của bị hại.
Thứ ba là giả danh công an, tòa án gọi điện thông báo người dân có liên quan đến vụ án hoặc xử phạt nguội vi phạm giao thông, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng lừa đảo đưa ra để phục vụ công tác điều tra, xử lý. Khi người dân do lo sợ và chuyển tiền thì các đối tượng chiếm đoạt.
Thứ tư là lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và nhu cầu kiếm tiền nhanh của bị hại, các đối tượng giả mạo tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Bằng thủ đoạn lập các trang Facebook giả mạo các nhãn hàng, trang thương mại điện tử như: Tiki.vn, Lazada, Shopee... và chạy quảng cáo. Khi bị hại muốn làm cộng tác viên, các đối tượng sẽ gửi đường dẫn mua sản phẩm và được đối tượng chuyển lại toàn bộ số tiền hàng cùng với hoa hồng từ 3-20%. Tuy nhiên sau một số lần tạo niềm tin các đối tượng tiếp tục với những đơn hàng giá trị lớn, và chiếm đoạt tiền nạn nhân chuyển khoản.
Thứ năm là lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng tạo các tài khoản mạng xã hội để đăng bán các dụng cụ, thiết bị y tế chống dịch... Khi bị hại kết nối và đặt cọc hoặc thanh toán số tiền theo thỏa thuận, các đối tượng chặn liên hệ, đổi số điện thoại... và chiếm đoạt số tiền đã nhận được. Hoặc lợi dụng nhu cầu người dân từ nước ngoài về nước gia tăng, các đối tượng tạo lập các tài khoản mạng xã hội giả để đăng tin trên các trang, hội nhóm... để đăng bán vé máy bay cho người dân có nhu cầu từ nước ngoài về nước.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.