Cuộc chiến chip bán dẫn: Trung Quốc tăng gấp đôi nỗ lực để đuổi kịp Mỹ

Đăng Phạm - 06/11/2023 16:32 (GMT+7)

(VNF) - Công ty khởi nghiệp bán dẫn Changxin Xinqiao Memory Technologies của Trung Quốc đã huy động được 39 tỷ nhân dân tệ (5,4 tỷ USD) từ các nhà đầu tư được chính phủ hậu thuẫn, một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang tăng gấp đôi nỗ lực nhằm đạt được khả năng tự chủ về công nghệ và chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ.

VNF
Bắc Kinh đang nỗ lực tạo ra những đột phá trong ngành bán dẫn trong bối cảnh Mỹ đang cố gắng hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các công nghệ chip tiên tiến.

Trong vòng cấp vốn mới nhất, Changxin Xinqiao có trụ sở tại Hợp Phì (thuộc tỉnh An Châu, phía đông Trung Quốc) đã nhận được 14,6 tỷ nhân dân tệ (2 tỷ USD) từ Quỹ đầu tư công nghiệp mạch tích hợp do nhà nước hậu thuẫn vào cuối tháng 10 và khoản tài trợ từ hai nhà đầu tư khác liên kết với chính quyền địa phương, theo nhà cung cấp dữ liệu doanh nghiệp Trung Quốc Tianyancha.

Đây là một trong những khoản đầu tư lớn nhất mà quỹ bán dẫn hàng đầu của Trung Quốc, hay còn gọi là Big Fund, đã thực hiện kể từ khi Bắc Kinh điều tra những người đứng đầu quỹ này về tội tham nhũng khoảng một năm trước. Hiện Big Fund nắm giữ 33% cổ phần của Changxin Xinqiao.

Được thành lập vào năm 2021, Changxin Xinqiao có chung một số cổ đông và tổng giám đốc với nhà sản xuất bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động (DRAM) hàng đầu Trung Quốc là Changxin Memory Technologies, công ty cũng có trụ sở chính tại thành phố Hợp Phì, theo Tianyancha.

Changxin Memory đặt mục tiêu cạnh tranh với các công ty hàng đầu thế giới bao gồm Micron Technology và Samsung Electronics, đồng thời đang lên kế hoạch nộp đơn chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Trung Quốc, có thể định giá nhà sản xuất chip này hơn 14,5 tỷ USD, theo Bloomberg.

Theo cơ sở dữ liệu chính thức của NECIPS, Changxin Xinqiao đã nộp đơn xin xây dựng cơ sở sản xuất tấm bán dẫn bộ nhớ 12inch. Đây sẽ là dự án đầu tiên ở Trung Quốc đi vào sản xuất hàng loạt để thiết kế và sản xuất chip DRAM tích hợp, được sử dụng trong máy tính và nhiều thiết bị điện tử khác.

Công ty đã bắt đầu đấu thầu thiết bị cho nhà máy mới và sẽ đẩy nhanh quá trình mua hàng cũng như các thủ tục khác với đợt cấp vốn mới nhất. Các nguồn thạo tin cho hay Changxin Xinqiao lên lộ trình bắt đầu sản xuất hàng loạt trong vòng ba năm.

Nỗ lực tự chủ ngành chip

Bắc Kinh đang nỗ lực tạo ra những đột phá trong ngành bán dẫn trong bối cảnh Mỹ đang cố gắng hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các công nghệ chip tiên tiến.

Mới đây nhất, tập đoàn công nghệ hàng đầu nước này là Huawei đã gây sốc cho toàn ngành khi âm thầm ra mắt Mate 60 Pro, smartphone 5G đầu tiên của hãng sau khi bị Mỹ cấm vận.

Model này được trang bị một con chip tiên tiến, được tạo ra bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm ngăn chặn gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc tiếp cận công nghệ mới.

Hình minh họa tòa nhà nghiên cứu và phát triển của trụ sở Changxin Memory Technologies ở Hợp Phì.

Trung Quốc ra mắt Big Fund vào năm 2014 như một phương tiện để đẩy nhanh ngành công nghiệp bán dẫn, vốn được coi là tụt hậu so với Mỹ, Đài Loan và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, quỹ này đã vướng vào một vụ bê bối tham nhũng dẫn đến cuộc điều tra vào năm ngoái, ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động. Bước sang năm nay, Big Fund đã hâm nóng lại các hoạt động.

Dữ liệu của Tianyancha cho thấy tính đến thời điểm hiện tại của năm 2023, Big Fund đã thực hiện ít nhất 10 khoản đầu tư, bao gồm cả khoản đầu tư vào Changxin

Là một phần trong nỗ lực phát triển ngành bán dẫn của Trung Quốc, Big Fund vào tháng 2 đã đầu tư thêm 13 tỷ nhân dân tệ (1,7 tỷ USD) vào Yangtze Memory Technologies (YMTC), công ty xử lý bộ nhớ flash NAND được sử dụng trong điện thoại thông minh và các thiết bị khác.

Khoảng 8 năm trước, Bắc Kinh đã công bố chính sách "Made in China 2025" nhằm nuôi dưỡng các ngành công nghệ cao, coi chất bán dẫn là ưu tiên hàng đầu. Big Fund được thành lập trong các cuộc thảo luận về chính sách đó và đã trở thành người tiên phong trong việc phát triển chất bán dẫn trong nước, đầu tư khoảng 140 tỷ nhân dân tệ (19,2 tỷ USD) vào giai đoạn tài trợ đầu tiên và khoảng 200 tỷ nhân dân (27,5 tỷ USD) tệ trong giai đoạn thứ hai

Sử dụng tiền từ Big Fund, chính phủ Trung Quốc đã giúp hỗ trợ ba công ty bán dẫn bộ nhớ, bao gồm YMTC, CXMT và Mạch tích hợp Phúc Kiến Kim Hoa ở tỉnh Phúc Kiến.

Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của Mỹ đã gây khó khăn cho việc nhập khẩu các loại thiết bị sản xuất chất bán dẫn mới.

Theo các nguồn tin trong ngành, Bắc Kinh đang xem xét giai đoạn đầu tư thứ ba của Big Fund sau khi giai đoạn thứ hai hoàn thành. Nguồn tài trợ trong giai đoạn thứ ba có thể đạt 300 tỷ nhân dân tệ (41,2 tỷ USD), vượt qua các mức trước đó.

Ở động thái liên quan, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại San Francisco vào cuối tháng này khi cả hai bên tìm cách giảm bớt căng thẳng.

Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy Washington sẽ nới lỏng bất kỳ hạn chế công nghệ nào sau khi Bắc Kinh thắt chặt các quy định về sử dụng điện thoại Apple tại các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp nhà nước.

Xem thêm >> Giá dầu bật tăng sau động thái mới của Nga và Arab Saudi

Theo SCMP, Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác