Đạt doanh thu 'khủng' nhờ dầu khí, thặng dư thương mại của Nga cao kỷ lục

Minh Đăng - 26/10/2022 22:11 (GMT+7)

(VNF) - Thặng dư thương mại của Nga trong 9 tháng năm 2022 tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái lên mức kỷ lục 251 tỷ USD nhờ giá năng lượng tăng cao.

VNF
Dù hàng hóa xuất khẩu của Nga giảm về khối lượng nhưng lại tăng về giá trị nhờ giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao.

Cụ thể, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 26/10, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Liên bang Nga Ruslan Davydov cho biết trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, xuất khẩu của Nga tăng 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 431 tỷ USD. Trong khi nhập khẩu giảm mạnh 15,7% trong giai đoạn này xuống còn 180 tỷ USD.

Điều này dẫn đến thặng dư thương mại của Nga lên mức cao kỷ lục là 251 tỷ USD, gần như tăng gấp đôi so với con số 130 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.

Cũng theo ông Davydov, kim ngạch ngoại thương của Nga đạt 611 tỷ USD trong giai đoạn quý I đến quý III, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu hải quan, dù hàng hóa xuất khẩu của Nga giảm về khối lượng nhưng lại tăng về giá trị nhờ giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch, Nga vẫn thu về hơn 155 tỷ USD từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch trong giai đoạn từ tháng 2 tới tháng 9 bất chấp các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây. Trong đó, hơn 80 tỷ USD đến từ các khách hàng châu Âu. Tới cuối tháng 9, số tiền này vượt mức 98 tỷ USD.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng thặng dư thương mại tăng cao nói lên rất nhiều điều về những gì đang diễn ra với Nga, từ giá hàng hóa cao đến nhu cầu bền vững từ nhiều đối tác xuất khẩu. Nhưng đó cũng là một dấu hiệu không tốt, bởi sụt giảm trong nhập khẩu có thể gây ra gián đoạn trong toàn bộ nền kinh tế.

Hiện nhập khẩu của Nga đang giảm cả về lượng tiền lẫn tỉ trọng. Theo ông Ruslan Davydov, lượng mua ở thị trường nước ngoài giảm 15-16%, trong khi tổng kim ngạch thương mại của Nga giảm 10-11%. Kim ngạch thương mại tăng trưởng lớn nhất được ghi nhận là Trung Quốc (tăng 30%) và Thổ Nhĩ Kỳ (tăng 12%), trong khi các nước Liên minh châu Âu giảm mạnh nhất với mức giảm tới 30%.

“Những hạn chế liên quan tới nhập khẩu đã và đang tàn phá nền kinh tế nước này", ông ông Paul Krugman, nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel nhận định.

Nga đã đưa một loạt các sản phẩm từ các nhà sản xuất ô tô, công ty công nghệ và thương hiệu tiêu dùng nước ngoài vào kế hoạch nhập khẩu song song, nhằm mục đích che chắn cho người tiêu dùng sau khi nhập khẩu thông thường sụt giảm.

Tuy nhiên nhập khẩu đầu tư vẫn bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng, dự đoán sẽ giảm tới 1/5 trong năm nay.

Xem thêm >> Tỷ phú Elon Musk cam kết tiếp tục cung cấp Internet cho Ukraine dù không được trả phí

Theo Xinhua
Cùng chuyên mục
Tin khác