DealstreetAsia: Temasek rót 100 triệu USD vào Giao hàng Nhanh và AhaMove

Minh An - 28/10/2019 11:44 (GMT+7)

(VNF) - Quỹ đầu tư Temasek của Singapore vừa rót 100 triệu USD vào Giao hàng Nhanh và AhaMove, theo DealstreetAsia.

VNF
Dây chuyền phân loại hàng tự động của Giao hàng Nhanh.

Temasek được thành lập vào năm 1974, là công ty đầu tư có giá trị danh mục đầu tư ròng khoảng 231 tỷ USD tính đến 31/3/2019. Temasek có trụ sở chính tại Singapore, đặt cơ sở tại Châu Á và có 11 văn phòng trên thế giới.

Ông Lương Duy Hoài, nhà sáng lập kiêm CEO Giao hàng Nhanh cho biết với số vốn nhận được từ Temasek, startup này sẽ nâng cấp hạ tầng, đội ngũ nhân sự công nghệ và đầu tư các hệ thống phân loại hàng tự động nhằm mở rộng phạm vi và chất lượng dịch vụ toàn quốc.

Trước đó, vào tháng 8/2019, Giao hàng Nhanh đã đưa hệ thống phân loại hàng tự động đầu tiên vào hoạt động ở Hà Nội. Dự kiến, tháng 11/2019, hệ thống thứ 2 sẽ được đưa vào hoạt động, với năng suất 40.000 đơn hàng/giờ.

Giao hàng Nhanh được thành lập tháng 7/2012, là đối tác vận chuyển của các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Sendo, Tiki cùng hơn 100.000 khách hàng vừa và nhỏ tại Việt Nam. Từ năm 2018, GHN cũng cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng lớn bằng xe tải và dịch vụ kho bãi và hoàn thành đơn hàng (fulfillment) cho các doanh nghiệp B2B bán đa kênh.

Trong khi đó, AhaMove là ứng dụng giao hàng theo nhu cầu (on-demand) ra đời năm 2015. Nền tảng này đang có gần 100.000 tài xế, hoạt động tại Hà Nội và TP HCM.

Cả Giao hàng Nhanh và AhaMove đều là công ty con của Công ty Cổ phần Đầu tư Scommerce.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, tại thời điểm 9/10, Công ty Cổ phần Dịch vụ Giao hàng Nhanh có vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ sở hữu nước ngoài là 99,98%.

Cổ đông nước ngoài đang sở hữu 99,98% vốn tại Giao hàng Nhanh chính là Scommerce. Người đại diện uỷ quyền của Scommerce tại Giao hàng Nhanh là ông Lương Duy Hoài. Sở dĩ, Scommerce là cổ đông nước ngoài tại Giao hàng Nhanh bởi tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở công ty này đã lên đến 65,79%. Hơn 34% còn lại là nguồn vốn tư nhân trong nước.

Hiện, Scommerce có 3 cổ đông lớn là các tổ chức nước ngoài. Trong đó, cổ đông lớn nhất là Ficus Asia Investment của Singapore với tỷ lệ nắm giữ lên đến 43,63%. Hai cổ đông cùng nắm giữ 10,76% vốn là Olympus ACF PTE và AEP II Holdings, đều có trụ sở tại Singapore.

Cùng chuyên mục
Tin khác