Điểm mặt 9 dự án ODA giao thông trị giá 1,2 tỷ USD sắp triển khai
Anh Minh -
26/07/2020 11:15 (GMT+7)
5/9 dự án hạ tầng giao thông sử dụng vốn vay ODA đã ký được Hiệp định vay vốn sẽ được khởi động vào cuối năm 2020, đầu năm 2021.
Chính phủ vừa có Báo cáo số 341/BC – CP gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.
Đáng chú ý trong bản báo cáo này, Chính phủ cho biết là đã hoàn tất quá trình chuẩn bị đầu tư cho 9 dự án ODA lớn trong lĩnh vực giao thông, trong đó có 5 dự án đã ký xong hiệp định vay vốn.
Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong bối cảnh Việt Nam chỉ được tiếp cận nguồn vốn kém ưu đãi (vốn vay IBRD) từ Ngân hàng thế giới WB (Việt Nam hiện đã tốt nghiệp IDA (tức dừng vay từ IDA) từ ngày 1/7/2017) và kể từ ngày 1/1/2019, Việt Nam cũng không được hưởng ưu đãi cao từ nguồn vốn ADF mà chỉ được vay nguồn vốn kém ưu đãi (vay thông thường-OCR) của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB).
Theo đó, từ cuối 2016, Bộ Giao thông vận tải đã có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án, vận động xúc tiến đầu tư với WB và ADB nhằm tận dụng tối đa nguồn vốn ưu đãi cao IDA và ADF. Ngoài ra, công tác vận động, kêu gọi viện trợ không hoàn lại nhằm mục đích ưu tiên chuẩn bị cho các dự án lớn cũng huy động được nguồn kinh phí không nhỏ (Chính phủ Úc đã viện trợ 30 triệu đôla Úc để hỗ trợ chuẩn bị dự án và thiết kế kỹ thuật cho các Dự án có thể giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông, có tầm quan trọng quốc gia, mang lại lợi ích cho người nghèo; dự án đầu tư là dự án ưu tiên cao của Bộ Giao thông vận tải đã được hoặc nhiều khả năng được đưa vào Kế hoạch đầu tư trung hạn và tăng cường năng lực cho một số đơn vị thuộc ngành giao thông vận tải).
Đến nay, đã có 9 dự án ODA lớn được chuẩn bị xong, trong đó 5 Dự án đã ký hiệp định với tổng vốn ODA là 556,1 triệu USD (Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên vay vốn WB - Quốc lộ 19, Dự án tuyến tránh Long Xuyên, Dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ giai đoạn 1, Dự án cải tạo đèo Khe Nét tuyến đường sắt Thống Nhất, Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc vốn vay ADB và viện trợ không hoàn lại của Úc).
Ngoài ra còn có 4 dự án sẵn sàng vào giai đoạn ký kết hiệp định vay với tổng giá trị khoảng 681 triệu USD (Dự án thành phần 1A thuộc Dự án đường Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh, Dự án cải tạo khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện tuyến đường sắt Thống Nhất, Dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ giai đoạn 2, Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60).
Cụ thể, đối với Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên vay vốn WB - Quốc lộ 19: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án với tổng mức đầu tư là 155,8 triệu USD. Trong đó, vốn vay IDA của WB là 150 triệu USD. Hiện đã ký Hiệp định khoản vay vào năm 2017; dự kiến sẽ bắt đầu giải ngân vào cuối năm 2020. Hiện nay, đang tiến hành công tác thiết kế kỹ thuật, giải phóng mặt bằng.
Đối với Dự án tuyến tránh Long Xuyên, Bộ Giao thông vận tải cho biết là đã phê duyệt dự án đầu tư với tổng mức đầu tư là 2.106,71 tỷ đồng tương đương 90,11 triệu USD (vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc là 0,09 triệu USD, vốn vay ADB là 89,34 triệu USD, vốn đối ứng 15,91 tỷ đồng tương đương 0,68 triệu USD). Hiệp định vay đã ký ngày 20/2/2020, hiện đang thực hiện bước thiết kế kỹ thuật, giải phóng mặt bằng, dư kiến sẽ giải ngân vốn vay ADB vào quý 3 năm 2021.
Dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ, Giai đoạn 1: Dự án đã được phê duyệt với tổng mức đầu tư là 1.498,381 tỷ đồng, trong đó: vay EDCF là 1.145,52 tỷ đồng (52,488 triệu USD), đối ứng là 352,861 tỷ đồng (15,8 triệu USD). Hiệp định đã ký ngày 31/3/2020.
Dự án cải tạo đèo Khe Nét (Km414 - Km423) tuyến đường sắt Thống Nhất: Dự án đã được phê duyệt điều chỉnh với tổng mức đầu tư là 1.928,056 tỷ đồng, trong đó: vay EDCF là 1.692,282 tỷ đồng (75,86 triệu USD), đối ứng là 234,774 tỷ đồng. Hiệp định đã ký ngày 31/3/2020.
Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc vay ADB và viện trợ không hoàn lại của Úc: Dự án đã được phê duyệt với tổng mức đầu tư là 236,673 triệu USD (vay ADB 188,363 triệu USD, không hoàn lại của Úc 4,481 triệu USD, đối ứng 43,829 triệu USD). Hiện đã ký Hiệp định vay với ADB ngày 5/3/2019 và đang thực hiện thiết kế kỹ thuật, dự kiến sẽ giải ngân vốn vay vào quý 2 năm 2021.
Dự án thành phần 1A thuộc Dự án đường Tân Vạn - Nhơn Trạch, giai đoạn 1, Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh: Dự án đã được phê duyệt với tổng mức đầu tư là 5.329,56 tỷ đồng (243,47 triệu USD), vay EDCF 191 triệu USD. Hiện công tác thương thảo hiệp định vay với Hàn Quốc đã hoàn tất.
Dự án cải tạo khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện (Km358+000 - Km369+620) tuyến đường sắt Thống Nhất: Dự án sử dung vốn vay EDCF - Hàn Quốc, tổng mức đầu tư 80 triệu USD (vay EDCF 68 triệu USD; đối ứng 12 triệu USD). Hiện đã hoàn thành Báo cáo cuối kỳ Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Bộ Giao thông vận tải đã lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính về việc sử dụng khoản vay với điều kiện ràng buộc của EDCF cho Dự án để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận. Nếu được chấp thuận sử dụng khoản vay điều kiện ràng buộc, dự kiến phê duyệt dự án đầu tư và ký Hiệp định khoản vay vào Quý II/2020 để triển khai các bước tiếp theo.
Dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ, Giai đoạn 2: tổng mức đầu tư 55,681 triệu USD, trong đó: vay ODA 41,514 triệu USD, đối ứng 14,167 triệu USD. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án ngày 4/3/2019 (thay đổi giảm số lượng cầu, tổng mức đầu tư và thời gian thực hiện), đã phê duyệt khung chính sách giải phóng mặt bằng, ĐTM. Dự kiến tháng 6/2020, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án đầu tư để làm cơ sở đàm phán, ký kết Hiệp định khoản vay để triển khai các bước tiếp theo.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vay vốn JICA (Quyết định số 1478QĐ-TTg ngày 28/10/2019). Dự kiến vay JICA là 34,5 tỷ Yên, tương đương 302 triệu USD. Hiện Bộ Giao thông vận tải đang tiến hành thủ tục bố trí vốn để thực hiện lập FS làm cơ sở đàm phán hiệp định vay, dự kiến ký hiệp định vay vào cuối năm 2021.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone