Doanh nghiệp bảo hiểm có 'sợ' lãi suất thấp?

Ngọc Thu - 16/03/2024 23:57 (GMT+7)

(VNF) - Môi trường lãi suất thấp làm lãi tiền gửi sụt giảm ở hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn trong năm 2021. Tuy nhiên, lãi từ đầu tư chứng khoán, đầu tư trái phiếu, chênh lệch tỷ giá và uỷ thác đầu tư lại có xu hướng bù đắp lại.

VNF
Ảnh minh hoạ

Lãi suất giảm chưa chắc khiến doanh thu tài chính giảm

Bên cạnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm, hoạt động tài chính là nguồn thu chính của doanh nghiệp bảo hiểm. Trong đó, chiếm phần lớn trong danh mục đầu tư (khoảng 70%) là tiền gửi ngân hàng và trái phiếu chính phủ. Trong bối cảnh lãi suất thấp như hiện nay, giới phân tích cho rằng lợi nhuận từ hoạt động tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bị ảnh hưởng không ít. Tuy nhiên, liệu sự ảnh hưởng này có đủ lớn để tác động lên lợi nhuận sau thuế?

Nhìn lại giai đoạn 2020-2021, sau những đợt điều chỉnh lãi suất điều hành, lãi suất huy động trên thị trường cũng liên tục đi xuống. Trong năm 2020, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng vẫn duy trì khá cao khoảng 6,5 – 8,5%/năm ở giai đoạn đầu năm, thậm chí 1 số ngân hàng có mức lãi suất đặc biệt lên tới 9,2%/năm thì tới giai đoạn cuối năm, kỳ hạn 12 tháng giảm còn 5,5 – 7%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm khoảng 1-1,5%/năm từ mức 5,3-7,9%/năm ở giai đoạn đầu năm 2020 còn 4-6,65%/năm ở giai đoạn cuối năm.

Theo thống kê của Đầu tư Tài chính, trừ Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (HoSE: PGI), doanh thu từ hoạt động tài chính của toàn bộ doanh nghiệp bảo hiểm còn lại trên sàn trong năm 2020 đều ghi nhận tăng trưởng so với mức thực hiện năm 2019. Lãi tiền gửi ở một số doanh nghiệp đã có dấu hiệu đi ngang như Công ty Cổ phần PVI (HoSE: PVI) và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm BIDV (HoSE: BIC), còn lại phần lớn đều đạt tăng trưởng dương so với năm 2019.

Một trong những doanh nghiệp bảo hiểm có lượng tiền gửi lớn nhất trong ngành là Công ty Cổ phần Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH) ghi nhận doanh thu tài chính tăng 20,6% trong năm 2020, đạt hơn 9.495 tỷ đồng. Trong đó lãi tiền gửi chiếm hơn nửa, đạt 5.718 tỷ đồng, tương đương mức tăng 24%. Các doanh nghiệp còn lại trên sàn trừ PGI đều đạt doanh thu tài chính trên trăm tỷ đồng, tăng trưởng thấp nhất là 4% ở BIC – đơn vị có lãi tiền đi ngang, và cao nhất đạt 58% ở Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (UPCoM: BHI).

Như vậy, sự sụt giảm của lãi suất trong năm 2020 chưa có sự phản ánh rõ ràng vào doanh thu từ hoạt động tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn. Tuy nhiên, cần phải lưu ý, nền lãi suất vẫn duy trì khá cao ở một số kỳ hạn trong giai đoạn nửa đầu năm 2020, do đó có khả năng sự ảnh hưởng sẽ rõ ràng hơn ở kết quả kinh doanh năm 2021, khi lãi suất vẫn ở mức thấp.

Sang năm 2021, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn đã ghi nhận doanh thu từ hoạt động tài chính sụt giảm so với năm 2020, đơn cử như BVH giảm 6% còn hơn 8.911 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (UPCoM: ABI) giảm 9,3%, đạt gần 125 tỷ đồng; Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Long (UPCoM: BLI) giảm 8,6%, đạt 103,7 tỷ đồng; Tổng công ty cổ p hần Bảo hiểm Sài Gòn (UPCoM: BHI) giảm 68%, đạt 161 tỷ đồng. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp vẫn ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính tăng trưởng dương so với cùng kỳ trong năm 2021, trong đó có tới 5 doanh nghiệp có tăng trưởng 2 chữ số.

Môi trường lãi suất thấp làm lãi tiền gửi sụt giảm ở hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn trong năm 2021. Tuy nhiên, lãi từ đầu tư chứng khoán, đầu tư trái phiếu, chênh lệch tỷ giá và uỷ thác đầu tư lại có xu hướng bù đắp lại. Nhiều doanh nghiệp ghi nhận mức tăng bằng lần đối với lợi nhuận từ hoạt động đầu tư chứng khoán như BIC, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (HoSE: BMI), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI). Một số doanh nghiệp khác như PVI, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (HoSE: MIG) lại có lãi từ đầu tư trái phiếu tăng gấp nhiều lần.

Ví dụ này cho thấy, lãi suất tiền gửi ngân hàng suy giảm chưa chắc làm doanh thu tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm suy giảm.

Thích nghi với môi trường lãi suất thấp

Năm 2023, lãi suất huy động gần như “rơi tự do” từ mức đỉnh 12%/năm (kỳ hạn 12 tháng) tại thời điểm tháng 1 và tháng 2/2023 về mức cao nhất là 5,8%/năm ở thời điểm cuối năm. Trong bối cảnh này, phần lớn doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn vẫn ghi nhận lãi tiền gửi tăng trưởng dương so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp này cũng đạt tăng trưởng ở mức 2 chữ số so với cùng kỳ.

Năm 2024, nhiều chuyên gia cũng như các công ty phân tích dự báo lãi suất sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng thấp như ở giai đoạn cuối năm 2023. Điều này làm dấy lên sự lo lắng về ảnh hưởng của xu hướng giảm của lãi suất đến các doanh nghiệp bảo hiểm.

Tuy nhiên, nhìn lại cuối giai đoạn 2020-2021, một số doanh nghiệp bảo hiểm đã có dấu hiệu thích nghi dần với môi trường lãi suất thấp khi sự thiếu hụt của lãi tiền gửi được bù đắp bằng các nguồn thu khác, đơn cử như lãi từ kinh doanh chứng khoán. Điều này có thể do ngay từ đầu doanh nghiệp bảo hiểm đã theo đuổi danh mục đầu tư đa dạng, cũng có những trường hợp thì điều chuyển nguồn lực từ gửi tiền ngân hàng sang kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn để gia tăng nguồn thu.

Với năm 2024, còn có một động lực khác thúc đẩy lợi nhuận của doanh nghiệp bảo hiểm, đó là việc Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2023. Theo đó, hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng được mở rộng hơn. Cụ thể, để khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư mạnh hơn vào nền kinh tế, luật sửa đổi đã bỏ quy định về danh mục đầu tư, đồng thời không cấm doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư ra nước ngoài khi đáp ứng các điều kiện về tài chính và quản lý ngoại hối.

Ngoài ra, hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp bảo hiểm cũng được dự báo sẽ ổn định trở lại sau khi ngành bảo hiểm vượt qua khủng hoảng niềm tin. Lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng cơ hội bứt phá trong năm 2024 vẫn mở ra đối với những doanh nghiệp biết nắm bắt, khai thác thế mạnh của mình.

Đối với mảng bảo hiểm nhân thọ, chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI kỳ vọng tâm lý thị trường trong năm 2024 sẽ không bị ảnh hưởng bất ngờ như năm 2023, giúp các khoản chi trả đáo hạn và chấm dứt hợp đồng không bị tăng đột biến so với cùng kỳ. Tác động này sẽ bù đắp phần nào cho chi phí dự phòng toán học tăng lên khi lãi suất kỹ thuật được điều chỉnh giảm. Do đó, lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ dự báo duy trì ổn định hơn trong năm 2024.

Cùng chuyên mục
Tin khác