Ngày hội thống nhất non sông
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP. Hà Nội.
Với dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông có nhiều vướng mắc, bị chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện gây bức xúc trong dư luận. Do đó, Phó thủ tướng yêu cầu tổng thầu khẩn trương thực hiện đúng quy định về hồ sơ thiết kế dự án được duyệt, cung cấp đầy đủ hồ sơ đáp ứng yêu cầu đánh giá an toàn hệ thống để đủ điều kiện chứng nhận an toàn hệ thống theo đúng quy định.
Phó thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, đưa vào khai thác trong năm 2019 nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
"Bộ Giao thông vận tải, chủ đầu tư cùng với UBND TP. Hà Nội, tổng thầu, tư vấn tập trung hoàn thiện việc đánh giá chất lượng và thủ tục hoàn thành dự án theo đúng quy định pháp luật. Hội đồng nghiệm thu nhà nước phối hợp với tư vấn sớm đánh giá kết luận nghiệm thu công trình theo đúng quy định.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cùng Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải làm việc với chủ đầu tư, tổng thầu, tư vấn rà soát để đẩy nhanh việc chứng nhận an toàn hệ thống và có đủ các điều kiện theo đúng quy định để đưa dự án vào khai thác, bảo đảm sử dụng vốn đầu tư hiệu quả", Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu. (Xem thêm)
Ngày 18/10, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP), Bộ GTVT cho biết sau khi hủy đấu thầu quốc tế, 8 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông được phê duyệt đấu thầu trong nước với một số điều chỉnh về điều kiện tham gia của nhà đầu tư.
Cụ thể, trong hồ sơ mời sơ tuyển trước đây, Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư phải từng làm một gói thầu xây lắp có giá trị vốn tối thiểu bằng 30% giá trị xây lắp của dự án tham gia đấu thấu. Tuy nhiên hiện nay, tiêu chí này đã được điều chỉnh giảm xuống còn 20%.
Trong hồ sơ mời sơ tuyển vừa được phê duyệt, về năng lực tài chính, Bộ GTVT vẫn giữ nguyên quy định phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư phải đảm bảo tối thiểu 20% tổng mức đầu tư của dự án tham gia đấu thầu. Đồng thời tiếp tục duy trì tiêu chí mỗi liên danh nhà đầu tư không quá 5 nhà đầu tư.
Bộ GTVT cũng đã bỏ quy định các nhà đầu tư tham gia trong liên danh phải chiếm tối thiểu 15% vốn góp so với quy định trong hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế trước đây. Chỉ cần vốn chủ sở hữu của liên danh nhà đầu tư đảm bảo tối thiểu 20% tổng mức đầu tư của dự án đang xét là đáp ứng yêu cầu.
Ngay sau khi phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển, các dự án thành phần thực hiện theo hình thức đối tác công - tư đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư trong nước.
Cụ thể, đối với dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, chỉ sau vài giờ phát hành hồ sơ, Ban Quản lý dự án 2 đã bán được 4 bộ hồ sơ cho các nhà đầu tư quan tâm. Trong đó có các tên tuổi lớn như Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Tập đoàn Xây dựng Miền Trung...
Thời gian mở bán hồ sơ đối với dự án này sẽ kéo dài trong 1 tháng và kết thúc vào ngày 15/11 nên số lượng nhà đầu tư quan tâm tới dự án này được dự báo sẽ còn tăng cao.
Đối với 2 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt, Ban Quản lý dự án 6 cho biết chỉ sau 1 ngày đã có 8 bộ hồ sơ được bán ra cho các nhà đầu tư trong nước và chia đều cho cả 2 dự án. (Xem thêm)
Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản giao UBND TP. HCM làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài. Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Tây Ninh phối hợp chặt chẽ với UBND TP. HCM đẻ triển khai dự án đầu tư xây dựng dự án theo đúng quy định.
Theo thiết kế, chiều dài toàn tuyến đường cao tốc TP. HCM - Mộc Bài khoảng 53,5 km với điểm đầu giao với đường vành đai 3 thuộc huyện Hóc Môn (TP. HCM) và điểm cuối kết nối vào quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh).
Dự án sẽ được phân kỳ đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT (có sự hỗ trợ của nhà nước) và chia làm 2 giai đoạn.
Cụ thể: giai đoạn 1, xây dựng đoạn TP. HCM - Trảng Bàng (Tây Ninh) với quy mô 4 làn xe tiêu chuẩn và đoạn Trảng Bàng - Mộc Bài với quy mô 4 làn xe (đường cao tốc hạn chế);
Giai đoạn 2 (giai đoạn hoàn chỉnh) xây dựng đoạn TP. HCM - Trảng Bàng với quy mô 8 làn xe và đoạn Trảng Bàng - Mộc Bài với quy mô 6 làn xe. (Xem thêm)
Bộ GTVT vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị TP. Hà Nội, tuyến số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên.
Văn bản của Bộ GTVT cho biết, dự án được Chính phủ chấp thuận báo cáo nghiên cứu tiền khả thi từ năm 2004, với quy mô xây dựng tổ hợp ga và đoạn cầu cạn từ Giáp Bát - Gia Lâm và cầu vượt sông Hồng. Chiều dài toàn tuyến 28,7 km, với tổng mức đầu tư 9.197 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2007-2017.
Dự án sau đó được điều chỉnh và phân kỳ đầu tư lại, trong đó giai đoạn 1 chỉ tập trung đầu tư xây dựng khu tổ hợp ga Ngọc Hồi (tổng mức đầu tư 19.046 tỷ đồng, mục tiêu hoàn thành vào năm 2024).
Dù vậy, đến nay dự án vẫn chỉ đang tập trung công tác giải phóng mặt bằng, thiết kế, lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu chính của dự án và chưa triển khai được gói thầu thi công, xây lắp nào.
Khó khăn về nguồn vốn đối ứng để giải phóng mặt bằng khu tổ hợp ga Ngọc Hồi nên việc hoàn thành giai đoạn 1 của dự án theo điều chỉnh là không khả thi. Do đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội có ý kiến về chủ trương thực hiện đối với tổng thể dự án.
Bộ GTVT kiến nghị chỉ làm chủ đầu tư với phần đường sắt quốc gia trong khu tổ hợp ga Ngọc Hồi. Đối với các hạng mục còn lại thuộc tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên (gồm cả phần đường sắt đô thị tại tổ hợp ga Ngọc Hồi) giao UBND TP. Hà Nội làm chủ đầu tư. (Xem thêm)
Bộ GTVT vừa đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án đầu tư xây dựng tuyến Mỹ An – Cao Lãnh sử dụng vốn ODA của Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF).
Theo đề xuất của Bộ GTVT, dự án này có điểm đầu tại Km95+875, tuyến N2 và kết thúc tại điểm đầu của dự án cầu Cao Lãnh với chiều dài 26,16km, nằm trọn trong phạm vi tỉnh Đồng Tháp.
Dự án sẽ đầu tư xây dựng mới tuyến từ Mỹ An đi Cao Lãnh và các công trình trên tuyến với chiều dài khoảng 26,16 km, cấp đường đạt tiêu chuẩn đường cao tốc (theo TCVN 5729:2012), vận tốc thiết kế 80km/h; quy mô 4 làn, chiều rộng mặt đường 17m (bao gồm 2x0,75m lề đường + 4x3,5m mặt đường + 1,5m dải phân cách giữa), bố trí các đoạn dừng xe khẩn cấp theo quy định và hàng rào dọc tuyến.
Tổng mức đầu tư công trình là 4.520 tỷ đồng, trong đó phần vay EDCP là 3.829 tỷ đồng, tương đương 196,5 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 691 tỷ đồng, tương đương 30,04 triệu USD.
Dự kiến thời gian triển khai thực hiện dự án là 4 năm sau khi hiệp định tài trợ có hiệu lực. Trên cơ sở ý kiến của EDCF, Bộ GTVT đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét có văn bản đề xuất với nhà tài trợ EDCF về việc hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến Mỹ An – Cao Lãnh, với khoản viện trợ khoảng 11,69 tỷ đồng (tương đương 500.000 USD) từ nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại của EDCF. (Xem thêm).
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.