Dòng chảy qua đường ống dẫn khí từ Nga sang Đức bất ngờ giảm xuống mức 0

Thanh Tú - 30/03/2022 17:57 (GMT+7)

(VNF) - Nhà điều hành mạng lưới khí đốt Gascade của Đức cho biết dòng chảy qua đường ống dẫn khí đốt Yamal-châu Âu thông qua trạm bơm Malnov ở biên giới Đức-Ba Lan đã giảm xuống mức 0 vào chiều 29/3 (theo giờ địa phương).

VNF
Dòng chảy qua đường ống dẫn khí từ Nga sang Đức bất ngờ giảm xuống mức 0.

Cụ thể, hãng tin Reuters dẫn dữ liệu của Gascade cho thấy, vào khoảng 13h ngày 29/3, dòng chảy theo hướng Đông vào Ba Lan từ Đức qua đường ống Yamal-châu Âu tại điểm trung chuyển Mallnow ở mức 1.451.155 kWh/giờ nhưng sau đó đã giảm xuống mức 0.

Dù vậy, việc cung cấp khí đốt của Nga qua 2 tuyến đường ống quan trọng khác nhìn chung vẫn ổn định.

Nga hiện xuất khẩu lượng khí đốt trị giá khoảng 10 tỷ USD mỗi tháng và đáp ứng khoảng 40% nhu cầu khí đốt ở châu Âu. Tập đoàn Gazprom, nhà xuất khẩu năng lượng chính của Nga, hiện có hơn 40 thỏa thuận dài hạn với các đối tác châu Âu.

Đường ống Yamal–châu Âu là một trong những tuyến đường chính cho khí đốt của Nga cung cấp cho châu Âu, thường chiếm khoảng 15% nguồn cung cấp cho châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. 

Việc dòng chảy qua đường ống dẫn khí từ Nga sang Đức bất ngờ giảm xuống mức 0 diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã ủy quyền các quan chức chính phủ, Ngân hàng Trung ương Nga và ngân hàng Gazprombank thực hiện các bước cần thiết để chuyển tất cả các khoản thanh toán khí đốt tự nhiên của Nga từ các “quốc gia không thân thiện” sang đồng ruble bắt đầu từ ngày 31/3.

Hiện danh sách này bao gồm 27 thành viên EU, Mỹ, Australia, Anh, Canada, Monaco, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Singapore…

Ông Putin cũng đã chỉ thị cho tập đoàn năng lượng Gazprom chấp nhận thanh toán bằng đồng ruble đối với các hợp đồng mua khí đốt của khách hàng châu Âu.

Mới đây, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck ngày 28/3 cho biết Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã thống nhất từ chối yêu cầu của Nga về việc thanh toán cho nhập khẩu năng lượng của Nga bằng đồng ruble bởi họ xem đó là sự vi phạm một phía và rõ ràng đối với các hợp đồng hiện có.

Tới ngày 29/3, Ủy ban châu Âu (EC) cũng tuyên bố các quốc gia thành viên EU sẽ không chấp thuận quy định mới của Nga.

Các công ty Eni của Italy, OMV của Áo và PGNiG của Ba Lan cho biết hợp đồng của họ với Gazprom không quy định về sự thay đổi đơn vị tiền tệ thanh toán, vì vậy họ sẽ không chấp thuận thanh toán bằng đồng ruble với các hợp đồng mua khí đốt hiện có.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cũng yêu cầu các công ty nước này khước từ nếu Nga đề nghị thanh toán bằng đồng ruble cho các giao dịch kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.

Xem thêm >> Đàm phán Nga-Ukraine tiến triển khả quan, giá dầu giảm sâu

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác