Dự án cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn 113.00 tỷ có diễn biến mới
Tiểu Vy -
28/08/2024 16:48 (GMT+7)
(VNF) - Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn tại huyện Cần Giờ, TP. HCM có quy mô dự kiến 571 ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 113.000 tỷ đồng. Dự án nhằm cung cấp các dịch vụ liên quan đến khai thác cảng container cảng biển.
Báo cáo tại cuộc họp về dự thảo Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; nghe báo cáo chủ trương đầu tư Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn ngày 28/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo về Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn tại huyện Cần Giờ, TP. HCM cung cấp các dịch vụ liên quan đến khai thác cảng container cảng biển; với quy mô dự kiến là 571 ha; tổng vốn đầu tư khoảng 113.000 tỷ đồng; 7 giai đoạn đầu tư trong vòng 22 năm.
UBND TP. HCM cũng khẳng định và cam kết, việc đánh giá chi tiết tác động môi trường của dự án cảng sẽ được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo quy định pháp luật về môi trường, đảm bảo không ảnh hưởng đến Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải, UBND TP. HCM, các bộ, ngành liên quan rà soát tính đồng bộ, thống nhất của dự án với các quy hoạch liên quan, khẩn trương hoàn thiện đầy đủ hồ sơ để tiến hành thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư; tiếp tục làm rõ các mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn, "vòng đời dự án" theo đúng quy định pháp luật; bổ sung yêu cầu, định hướng về chuyển giao công nghệ hiện đại…
Đồng thời, Phó Thủ tướng lưu ý, thiết kế của Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn phải đồng bộ, tổng thể, chi tiết cho 7 giai đoạn đầu tư, xác định rõ vị trí các khu chức năng, giải quyết mối quan hệ với các cụm cảng biển khác, hạ tầng dùng chung, hạ tầng kết nối, đào tạo nhân lực…
"Dự án phải góp phần thực hiện mục tiêu phát triển một số cảng biển đủ khả năng cạnh tranh quốc tế và khu vực; tìm được nhà đầu tư có năng lực công nghệ, nhân lực, quản trị,… thu hút được các hãng tàu lớn trên thế giới; có lộ trình chuyển đổi thành cảng biển xanh với hạ tầng đi kèm…"- Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ.
Cũng tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo về Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển, làm cơ sở hoạch định chính sách, giải pháp phát triển cảng biển đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh địa phương, vùng miền và cả nước.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang cho biết, Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển, làm cơ sở hoạch định chính sách, giải pháp phát triển cảng biển đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh địa phương, vùng miền và cả nước.
Quy hoạch được lập chi tiết đến từng cảng biển, khu bến cảng, xác định số lượng bến cảng, cầu cảng, loại cảng giai đoạn đến năm 2030: dự kiến một số khu bến, bến cảng quy mô lớn, giai đoạn 2030 - 2050 phục vụ kêu gọi đầu tư tổng thể (Nam Đồ Sơn, Con Ong - Hòn Nét, Liên Chiểu, Cần Giờ, Cái Mép Hạ, Cái Mép Hạ hạ lưu, Trần Đề).
Bên cạnh đó, Quy hoạch đưa ra các mục tiêu về sản lượng hàng hóa, hành khách và kết cấu hạ tầng cho từng nhóm cảng biển, cảng biển, khu bến (xác định số lượng bến cảng, cầu cảng) theo kết quả dự báo. Cụ thể, đến năm 2030, tổng lượng hàng hóa, hành khách thông qua hệ thống cảng biển là 1.249 - 1.493 triệu tấn (trong đó, hàng container từ 46,3 - 54,3 triệu Teu); hành khách từ 17,382 - 18,845 triệu lượt…
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.