Dự án điện tỷ USD gặp khó: Thiếu chuyên gia và chờ tiền về

Lương Bằng - 02/11/2020 17:53 (GMT+7)

Nhiệt điện sông Hậu do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư đang hoàn thiện những phần việc cuối cùng để vận hành thương mại. Thế nhưng, những vướng mắc về cơ chế, chính sách đang khiến dự án này nguy cơ “lỗi hẹn”.

VNF
Nhiệt điện sông Hậu đang hoàn thiện những phần việc cuối cùng để vận hành thương mại.

Dự án gần về đích

Một ngày cuối tháng 10, công trường nhiệt điện sông Hậu 1 thuộc Trung tâm điện lực sông Hậu (Hậu Giang) vẫn nhộn nhịp thi công. Những phần việc cuối cùng đang được triển khai để dự án 2 tỷ USD (tương đương trên 43.000 tỷ đồng) kịp cán đích vận hành thương mại tổ máy số 1 vào quý II/2021 và tổ máy số 2 vào quý III/2021 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 13/09/2019.

Đứng trước tổ máy số 1 đã được lắp đặt, ông Dũng, chuyên viên chính ban quản lý dự án, cho biết tổ máy này đã hoàn thành mọi việc, chỉ chờ có than là phát được điện. Còn tổ máy 2 đang đấu nối đường ống đốt dầu để thông thổi đường ống. Tổng tiến độ dự án đạt 87-88%, trong đó thiết kế đạt 99,9%, thi công lắp đặt đạt 97%, chạy thử đạt 37%.

Theo ông Dũng, để vận hành tổ máy 1, điều kiện tiên quyết là phải có than, cung cấp đầy đủ thì mới đốt than, hiệu chỉnh thông số trong vòng một thời gian mới phát điện thương mại được. Vì điện thương mại phải đạt tiêu chí kỹ thuật của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Có mặt trên công trường, ông Bùi Kim Tuấn, đại diện tổng thầu Lilama, cho hay có 1.400-1.600 công nhân đang làm việc tại đây, đang là giai đoạn giảm dần lao động do nhiều hệ thống đã vào giai đoạn chạy thử. Tại công trường, cao điểm nhất có hơn 2.000 đến gần 3.000 lao động làm việc.

“Từ sau Tết, điều kiện thi công gặp một số khó khăn do Covid-19. Giai đoạn này có hơn 100 lao động nước ngoài và vẫn thiếu hụt hơn 40 chuyên gia tay nghề cao của nước ngoài. Hiện chính sách cho phép chuyên gia nước ngoài nhập cảnh là rất tốt, nhưng khi triển khai còn vướng nhiều thứ như sắp xếp chuyến bay, xin visa, trình duyệt,...

Ban quản lý điện sông Hậu rất hỗ trợ tổng thầu và các nhà thầu, có họp với tỉnh và báo cáo lên cấp trên để hỗ trợ. Giai đoạn này, chủ đầu tư và nhà thầu thống nhất cái gì tự làm được thì đưa người, máy móc vào làm, còn một số phần việc có thể thực hiện online”, ông Tuấn cho hay.

Chia sẻ về tình hình nhiệt điện sông Hậu, ông Hồ Xuân Hiền, Trưởng ban quản lý dự án điện lực dầu khí sông Hậu 1, cho biết: dự án đang trong giai đoạn triển khai quan trọng, cần đẩy nhanh tiến độ các hạng mục trên đường găng để đảm bảo đạt được các mốc tiến độ. Tuy nhiên, dịch Covid-19 xảy ra đã tác động tiêu cực đến tình hình triển khai thi công, lắp đặt và chạy thử nhà máy, trong đó có việc huy động nhân lực, chuyên gia nước ngoài để thực hiện các khâu, các công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn cao.

Một trong những khó khăn là không có nhiều đường bay quốc tế đến Việt Nam. Theo đại diện ban quản lý, quy trình xét duyệt hồ sơ chuyên gia nhập cảnh hiện phải qua rất nhiều khâu, mỗi khâu lại cần thời gian xem xét, đánh giá, mặc dù cơ quan chức năng đã hỗ trợ nhưng tổng thời gian xét duyệt vẫn dài trong khi tiến độ dự án cấp bách, cần chuyên gia giải quyết các vấn đề kỹ thuật tại hiện trường.

Cụ thể, các bước thủ tục gồm trình hồ sơ lên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Hậu Giang, Sở LĐ-TB&XH trình lên UBND tỉnh Hậu Giang, UBND tỉnh gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh và các cơ quan chức năng, xét duyệt của UBND TP. HCM, xét duyệt của Sở Y tế TP. HCM, xét duyệt của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, tìm chuyến bay và nộp hồ sơ xét duyệt chuyến bay,...

Chờ chuyên gia “ngoại” và cơ chế tài chính

Theo lãnh đạo ban quản lý dự án điện lực dầu khí sông Hậu 1, việc không huy động được chuyên gia dẫn đến tiến độ một số hạng mục bị ảnh hưởng như: hệ thống nước làm mát; các hạng mục, hệ thống của nhà thầu DHI; hệ thống lọc bụi tĩnh điện; hệ thống thải tro xỉ; hệ thống khử lưu huỳnh... dẫn đến tiến độ chung của dự án bị ảnh hưởng.

“Vừa rồi chúng tôi xin được cho 11 chuyên gia, nhưng họ sang được 3 người. Số còn lại giờ vẫn chưa sắp xếp được chuyến bay. Ngoài ra, có 17 chuyên gia Đức, Ý đã xin được visa nhưng do có thông báo dừng bay nên vẫn chưa được vào”, ông Hồ Xuân Hiền nói.

Ngoài ra, vấn đề cơ chế chính sách tài chính cũng đang khiến dự án này lâm cảnh khó khăn. Hiện gói thầu xây dựng mới giải ngân được 59% nên nhà thầu trong nước gặp khó về dòng tiền. Giá trị ban đầu của gói thầu này là 2.283 tỷ đồng đã được điều chỉnh tăng lên 10.626 tỷ đồng, thực hiện theo quyết định 2414/QĐ-TTg, song đến nay mới chỉ giải ngân, thanh toán được 4.921 tỷ đồng (tương đương 59%).

Ông Hồ Xuân Hiền cho biết theo quy định hợp đồng đã ký, trong thời gian chờ hoàn thiện, phê duyệt các bộ định giá, đơn giá, chủ đầu tư chỉ có thể thanh toán cho tổng thầu đến 80% tỷ lệ đơn giá tạm thanh toán đối với các khối lượng hoàn thành, nên ảnh hưởng lớn đến dòng tiền thanh toán cho tổng thầu, nhà thầu phụ, dẫn đến nhiều hạng mục không đảm bảo tiến độ thi công.

"Cơ chế 2414 thực tế thực hiện phức tạp và không hề đơn giản. Nhà thầu không dễ bỏ tiền ra, không có tiền sẽ dừng lại nên không thể hiện được trách nhiệm tổng thầu. Trong khi chờ cơ chế hướng dẫn, chúng tôi cũng đang phối hợp với tổng thầu Lilama đánh giá trách nhiệm để xử lý rõ" - ông Hiền nói.

Đại diện Lilama cho rằng, nhiều nhà thầu của Lilama cũng gặp khó khăn về tài chính, đây là nguyên nhân làm chậm gói thầu thi công lắp đặt. Hiện việc thi công lắp đặt vẫn nằm trong kiểm soát của dự án, tuy nhiên tiến độ có chậm so với yêu cầu.

 

Theo VNN
Cùng chuyên mục
Tin khác