Dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông: Sẽ vận hành thử trong tháng 12/2020
Đức Thọ -
18/11/2020 07:00 (GMT+7)
(VNF) - Theo dự kiến, chậm nhất là 21/11, sẽ có 7 chuyên gia tư vấn Pháp (ACT) bay sang Việt Nam để đánh giá độc lập an toàn hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh - Hà Đông. Hiện Tổng giám đốc liên danh ACT đã có mặt tại dự án. Dự kiến, trong tháng 12/2020, dự án có thể vận hành thử.
Riêng với Tổng thầu EPC (Công ty TNHH Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc) hiện có 100 cán bộ đã có mặt tại Hà Nội. Dự kiến trong 3 ngày tới sẽ có hơn 30 người sẽ hoàn thành cách ly để theo dõi y tế phòng dịch Covid-19.
Hiện tại, các nhân sự của Tổng thầu đang làm việc tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang tập trung thực hiện công tác khắc phục những chi tiết còn tồn tại được nêu ra trong hồ sơ nghiệm thu các hạng mục thành phần. Trong đó có hoàn thiện hệ thống phòng cháy chữa cháy theo yêu cầu của cơ quan cấp chứng nhận về phòng cháy, chữa cháy, làm hồ sơ hoàn công…
"Dự kiến sẽ bắt đầu vận hành thử toàn bộ hệ thống trong tuần đầu tháng 12/2020, thời gian vận hành 20 ngày”, đại diện đơn vị quản lý dự án thông tin. Trong quá trình vận hành thử hệ thống, trường hợp hạng mục kỹ thuật chưa đạt yêu cầu thiết kế, Ban Quản lý dự án yêu cầu tổng thầu tiếp tục khắc phục.
Theo Ban Dự án Quản lý đường sắt, trước đây, dự án có lên kế hoạch vận hành thử hệ thống vào đầu năm 2020 (sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán), song do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên Tổng thầu chưa thể huy động được đầy đủ nhân sự sang Việt Nam, dẫn đến khó khăn trong công tác hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, căn chỉnh các chuyên ngành kỹ thuật thành phần để vận hành thử toàn hệ thống.
Sau khi kết thúc giai đoạn vận hành thử và nghiệm thu, theo Ban Quản lý dự án đường sắt, để dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đưa vào khai thác vận hành chính thức, còn phải trải qua các khâu: đánh giá và cấp chứng nhận an toàn hệ thống (do Cục Đăng kiểm VN cấp), nghiệm thu nhà nước, đề nghị cấp chứng chỉ hoàn thành công trình, bàn giao nguyên trạng dự án cho Hà Nội và UBND TP. Hà Nội có quyết định đưa hệ thống đường sắt trên vào khai thác, vận hành.
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, phía tư vấn Pháp đánh giá công tác an toàn hệ thống ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông còn nhiều điểm cần khắc phục.
Cụ thể, Tổng thầu chưa cung cấp được các chứng chỉ mức độ an toàn, các kết quả thử nghiệm an toàn từ nhà sản xuất, chưa thực hiện đầy đủ giải pháp đánh giá bằng thử nghiệm thực tế tại hiện trường, dẫn đến chưa đủ cơ sở để tư vấn độc lập hoàn tất đánh giá an toàn của đoàn tàu và chưa thể hoàn tất báo cáo cuối cùng về đánh giá an toàn hệ thống.
Vì vậy, tư vấn đánh giá an toàn hệ thống đã đưa ra giải pháp sẽ thực hiện công tác đánh giá kiểm chứng tại hiện trường trong thời gian vận hành 20 ngày cuối cùng và diễn tập các tình huống khẩn cấp. Bên cạnh đó, quá trình vận hành thử toàn hệ thống sẽ đánh giá khả năng thành thục của nhân sự trực tiếp vận hành và khả năng ứng phó các tình huống khẩn cấp.
Do đó, nếu không giải quyết triệt để các tồn tại sẽ ảnh hưởng đến công tác nghiệm thu và có khả năng phải kéo dài thời gian hoàn thành đưa vào khai thác.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, thời gian qua Thủ tướng đã trao đổi, làm việc với lãnh đạo Chính phủ Trung Quốc, bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng đã làm việc với đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, với tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc…
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng hứa với Chính phủ phấn đấu đưa dự án về đích trước Đại hội XIII của Đảng. Mà theo dự kiến, ngày 20/1/2021, Đại hội XIII của Đảng sẽ bắt đầu, vì thế, đây thực sự là thời gian "chạy đua" đối với tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông khởi công từ tháng 10/2011, dự kiến vận hành vào quý II/2019, nhưng đến nay chưa xác định được ngày vận hành chính thức. Hồi tháng 6, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải sớm hoàn thiện, đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trong năm 2020; báo cáo Chính phủ những vướng mắc của dự án, trình Quốc hội để có hướng xử lý.
Tuyến đường có chiều dài 13,05 km gồm 12 ga và 1 khu Depot. Tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng (gần 553 triệu USD), sau đó điều chỉnh lên 18.002 tỷ đồng (hơn 868 triệu USD). Trong số này, vốn vay ODA Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng, vốn đối ứng 4.134 tỷ.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone