Dự kiến bố trí thêm 92.600 tỷ đồng để ngành giao thông làm cao tốc

Viết Long - 10/02/2022 07:47 (GMT+7)

Chính phủ dự kiến bố trí cho ngành giao thông 103.164 tỷ đồng từ chương trình phục hồi kinh tế để đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu…

VNF
Dự kiến bố trí thêm 92.600 tỷ đồng để ngành giao thông làm cao tốc.

Bộ KH&ĐT vừa có văn bản gửi các bộ, ngành và địa phương về việc tổng hợp danh mục dự án dự kiến bố trí từ nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Vốn tập trung đầu tư đường bộ cao tốc

Trong tổng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế phân bổ cho ngành giao thông có khoảng 92.600 tỷ đồng đầu tư vào các tuyến đường bộ cao tốc. Cụ thể, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 được bổ sung vốn nhiều nhất với số tiền 72.476 tỷ đồng. Như vậy, dự án này được bổ sung đủ tổng vốn gần 146.990 tỷ đồng để khởi công trong thời gian tới.

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến được bổ sung 3.500 tỷ đồng, nâng tổng vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho tuyến này trong giai đoạn trung hạn từ 5.740 tỷ đồng lên 9.240 tỷ đồng, trên tổng mức đầu tư dự án là 18.635 tỷ đồng. Tuyến cao tốc An Hữu (Tiền Giang) - Cao Lãnh (Đồng Tháp) dự kiến được bố trí thêm khoảng 1.204 tỷ đồng, nâng tổng số tiền ngân sách nhà nước đầu tư cho dự án từ 1.864 tỷ đồng lên khoảng 3.068 tỷ đồng, trên tổng mức đầu tư khoảng 6.054 tỷ đồng.

Tương tự, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng - Trần Đề dự kiến được bổ sung khoảng 3.800 tỷ đồng, nâng tổng số tiền ngân sách đầu tư cho dự án từ 14.247 tỷ đồng lên 18.047 tỷ đồng, trên tổng mức đầu tư toàn bộ dự án là 49.745 tỷ đồng. Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dự kiến được bổ sung 2.320 tỷ đồng, nâng tổng số tiền ngân sách nhà nước đầu tư cho dự án từ 5.231 tỷ đồng lên 7.551 tỷ đồng, trên tổng mức đầu tư dự án khoảng 17.435 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngân sách nhà nước cũng dự kiến bố trí thêm cho cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang 3.584 tỷ đồng, dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu 4.650 tỷ đồng, cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng 1.100 tỷ đồng từ chương trình phục hồi kinh tế.

Theo Bộ KH&ĐT, báo cáo của Bộ GTVT cho thấy đây là những dự án dự kiến đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, theo Luật PPP, các dự án này tỉ lệ góp vốn nhà nước không vượt quá 50% tổng mức đầu tư, trong khi đó tổng mức đầu tư rất lớn. Vì vậy, nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn trong thu xếp vốn, thiếu tính hấp dẫn, vì thời gian thu hồi vốn kéo dài, có dự án trên 30 năm.

Cần chọn dự án có tính hấp thụ ngay vào nền kinh tế

Theo Bộ KH&ĐT, với báo cáo dự kiến của Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, các bộ hoàn thiện danh mục dự án dự kiến trên nguyên tắc ưu tiên cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đang triển khai thực hiện, có khả năng hoàn thành sớm nhưng chưa được bố trí vốn hoặc chưa được bố trí đủ vốn.

Trường hợp các bộ, ngành bố trí vốn cho dự án nằm ngoài danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, chỉ bố trí cho dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa. Có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2022-2025. Đối với một số dự án mới có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội thì ưu tiên hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, các dự án phải bảo đảm đủ thủ tục đầu tư theo quy định; bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, hài hòa giữa các vùng, miền, địa phương, lĩnh vực. Đặc biệt, phải bảo đảm giải ngân vốn của chương trình trong năm 2022 và 2023.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, số tiền từ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội cho ngành giao thông là nguồn lực lớn nhưng cũng rất áp lực vì số tiền giải ngân hằng năm trung bình khoảng 80.000 tỷ đồng, gấp đôi năm 2021. Đặc biệt, số tiền từ Chương trình phục hồi kinh tế buộc phải giải ngân trong giai đoạn 2022-2023.

Tuy nhiên, ông Thể cho biết Bộ GTVT sẽ đưa ra một số giải pháp như đối với nhà thầu không đảm bảo được tiến độ cam kết, Bộ GTVT sẽ cảnh cáo, sau đó là cắt hợp đồng, cấm tham gia đấu thầu... Đối với các ban quản lý dự án, từ giám đốc, phó giám đốc và các phòng có liên quan phải ký cam kết chung với bộ, trong đó quy định rõ không hoàn thành nhiệm vụ chịu các hình thức như cách chức, xuống chức, điều chuyển công tác. Việc này vừa qua Bộ GTVT đã làm và tới đây sẽ làm mạnh hơn.

“Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng biện pháp điều chuyển vốn, dự án. Đơn vị nào làm tốt được bổ sung vốn, dự án và ngược lại…” - ông Thể cho hay.

10.530 tỷ đồng là số tiền ngành giao thông cũng dự kiến được bố trí để đầu tư các dự án giao thông kết nối. Chẳng hạn như dự án cầu Đại Ngãi trên quốc lộ (QL) 60, tuyến đường tỉnh ĐT295C và 285B kết nối TP Bắc Ninh qua khu công nghiệp với QL3, nâng cấp QL4B, đầu tư QL12C đi khu liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh.

Tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội đã cho phép tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176.000 tỷ đồng, tập trung trong năm 2022 và 2023. Trong đó các nội dung phải hoàn thiện danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của chương trình, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phân bổ vốn theo quy định.

Theo PLO
Cùng chuyên mục
Tin khác