Dự kiến đầu tư hơn 81 ngàn tỷ đồng cho dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi

PV - 02/11/2019 22:37 (GMT+7)

Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi), giai đoạn I, theo đó ước tính tổng mức đầu tư toàn tuyến khoảng 81.537 tỷ đồng.

VNF
Phối cảnh ga Ngọc Hồi

Theo báo cáo của Chính phủ, dự án đi qua địa bàn 02 huyện (Thanh Trì và Thường Tín), Hà Nội với mục tiêu cải thiện tình trạng giao thông đô thị của Thủ đô Hà Nội và nâng cao năng lực khai thác của đường sắt quốc gia bằng cách cải tạo trục đường sắt xuyên tâm phục vụ chạy tàu khách Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, tàu liên vận, tàu du lịch và tàu đô thị.

Đồng thời, dự án từng bước đưa hệ thống giao thông bánh sắt đô thị vận chuyển nhanh, khối lượng lớn vào hoạt động; Cung cấp một hệ thống vận tải hành khách công cộng thường xuyên, đúng giờ, an toàn và nhanh chóng trong đô thị; Giảm thiểu tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông trong đô thị; Tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Sau khi được điều chỉnh (phê duyệt tại Quyết định số 1198/QĐ-BGTVT năm 2017), dự án tập trung xây dựng khu tổ hợp Ngọc Hồi trên diện tích khoảng 151,8 ha với mục tiêu trước mắt đảm bảo hoàn trả chức năng của ga Hà Nội và ga Giáp Bát. Ngoài ra, còn 11 ha xây dựng các khu tái định cư và di chuyển cơ sở hạ tầng hiện có).

Tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh của dự án giai đoạn 1 là 19.046 tỷ đồng (tương đương 95,35 tỷ Yên). Trong đó, vốn vay ODA là 72,410 tỷ Yên, vốn đối ứng là 4.582 tỷ đồng.

Nguồn vốn vay dự án là vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản, với cơ chế tài chính áp dụng cho dự án đối với phần kết cấu hạ tầng đường sắt: Áp dụng cơ chế ngân sách nhà nước cấp phát vốn vay ODA. Đối với các hạng mục liên quan trực tiếp đến việc khai thác, vận hành kinh doanh vận tải: Áp dụng cơ chế cho vay lại nguồn vốn vay ODA.

Hiện dự án chủ yếu vẫn đang tập trung công tác giải phóng mặt bằng, thiết kế, lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu chính của dự án, chưa triển khai được gói thầu thi công, xây lắp nào. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng đã được thực hiện từ năm 2012 nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa hoàn thành do nguồn vốn đối ứng bố trí hàng năm không đáp ứng được so với nhu cầu.

Đến nay, ước tính tổng mức đầu tư toàn tuyến đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) khoảng 81.537 tỷ đồng mới đảm bảo mục tiêu.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng Dự án, Chính phủ kiến nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Dự án.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị TP. Hà Nội, tuyến số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên. Bộ Giao thông vận tải cho biết, do khó khăn về nguồn vốn đối ứng để giải phóng mặt bằng khu tổ hợp ga Ngọc Hồi nên việc hoàn thành tổ hợp ga vào năm 2024 gặp nhiều khó khăn. Do đó, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội có ý kiến về chủ trương thực hiện đối với tổng thể dự án.

Bộ Giao thông vận tải cũng kiến nghị chỉ làm chủ đầu tư với phần đường sắt quốc gia trong khu tổ hợp ga Ngọc Hồi, các hạng mục còn lại thuộc tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên (gồm cả phần đường sắt đô thị tại tổ hợp ga Ngọc Hồi) giao UBND TP.Hà Nội làm chủ đầu tư.

Cùng chuyên mục
Tin khác