Đường tổng cung là gì? Tổng cung ngắn hạn và dài hạn

Thanh Hằng - 18/07/2018 23:10 (GMT+7)

(VNF) - Cùng VietnamFinance tìm hiểu Đường tổng cung (aggregate supply curve) là gì? Tổng cung ngắn hạn và dài hạn.

VNF
Đường tổng cung (aggregate supply curve) là đường mô tả mối quan hệ giữa tổng cung và các nhân tố quyết định nó.

Đường tổng cung là gì?

Đường tổng cung (aggregate supply curve) là đường mô tả mối quan hệ giữa tổng cung và các nhân tố quyết định nó. Có 4 dạng đường tổng cung (AS) cơ bản sau đây:

  • Đường tổng cung của Keynes (ASK – hình a), tức đường tổng cung được xác định theo quan điểm của Keynes cho rằng rổng cung bị quy định bởi tổng cầu và giá cả không thay đổi. Trong mô hình xác định sản lượng cân bằng, đó là đường 45o, vì mọi điểm trên đường này đều có tính chất là tổng cung bằng tổng cầu và sản lượng cân bằng được xác định tại điểm đường tổng cầu cắt đường 45o. Trong mô hình tổng cung – tổng cầu (AS-AD), đường tổng cung là đường nằm ngang tại mức giá không đổi (P). Như vậy, dạng đường tổng cung này hàm ý khi có sự thay đổi của tổng cầu, sản lượng cân bằng thay đổi mà không ảnh hưởng gì tới mức giá.
  • Đường tổng cung cổ điển (ASc hình a) hay còn gọi là đường tổng cung dài hạn (LRAS – hình b) tức đường tổng cung được xác định theo quan điểm cổ điển cho rằng các thị trường luôn luôn cân bằng và sản lượng luôn luôn bằng mức tiềm năng. Trong mô hình AS-AD, đường tổng cung được vẽ thẳng đứng tại mức sản lượng tiềm năng (Yp) hay sản lượng tự nhiên (Y*). Như vậy, nếu giả định không có tăng trưởng kinh tế (sản lượng tiềm năng, tự nhiên không đổi), dạng đường tổng cung này hàm ý sự thay đổi của tổng cầu chỉ làm tăng mức giá, chứ không làm thay đổi sản lượng, vì sản lượng cân bằng phải luôn luôn bằng sản lượng tiềm năng, tự nhiên.
  • Đường tổng cung chiết trung (ASF – hình a) tức đường tổng cung của những người theo quan điểm chiết trung, vừa chấp nhận quan điểm cổ điển, vừa chấp nhận quan điểm của Keynes. Họ cho rằng các quan điểm này quá cực đoan và không đúng với thực tế. Theo họ thì khi tổng cầu thay đổi, cả mức giá và sản lượng đều thay đổi, vì vậy họ chấp nhận đường tổng cung dốc lên.
  • Đường tổng cung ngắn hạn (SRAS- hình b) tức đường tổng cung được thiết lập trên cơ sở giả định rằng khi sản lượng vượt quá sản lượng tiềm năng, giá cả sẽ tăng, khi sản lượng ở dưới mức sản lượng tiềm năng, giá cả sẽ giảm và giá cả không tăng mà cũng không giảm (bằng mức giá tự nhiên – P*) khi sản lượng bằng mức sản lượng tự nhiên. Dạng đường tổng cung này dịch chuyển theo thời gian, vì vậy nó được sử dụng để nghiên cứu quá trình điều chỉnh của nền kinh tế khi kết hợp với đường tổng cầu.

    Hình. Các dạng đường tổng cung

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Tổng cung ngắn hạn và dài hạn

Trong ngắn hạn, nguồn tổng cung đáp ứng nhu cầu cao hơn (và giá cả) bằng cách tăng việc sử dụng các yếu tố đầu vào tại thời điểm đó trong quá trình sản xuất. Trong ngắn hạn, mức vốn cố định, và một công ty không thể, ví dụ, xây dựng một nhà máy mới hoặc giới thiệu một công nghệ mới để tăng hiệu quả sản xuất cùng lúc. Thay vào đó, công ty tăng cường nguồn cung cấp ra thị trường bằng cách tận dụng nhiều hơn từ các yếu tố sản xuất hiện tại, chẳng hạn như phân công công nhân nhiều giờ hơn hoặc tăng cường sử dụng công nghệ hiện có.

Về lâu dài, nguồn tổng cung không bị ảnh hưởng bởi mức giá và chỉ được thúc đẩy bởi những cải tiến về năng suất và hiệu quả sản xuất. Những cải tiến này bao gồm tăng mức độ kỹ năng và giáo dục giữa người lao động, tiến bộ công nghệ và tăng vốn. Một số quan điểm kinh tế nhất định, chẳng hạn như lý thuyết Keynes, khẳng định rằng nguồn cung tổng hợp dài hạn vẫn co giãn giá đến một điểm nhất định. Khi đạt đến điểm này, nguồn cung sẽ trở nên không nhạy cảm với những thay đổi ở mức giá.

 

Cùng chuyên mục
Tin khác