'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) đã được nhiều ngân hàng và công ty bảo hiểm triển khai trong thời gian qua. Với lợi thế lớn về việc sở hữu lượng danh sách khách hàng, hệ thống chi nhánh, công nghệ thông tin, không có gì ngạc nhiên khi đây là “con gà đẻ trứng vàng” cho các công ty bảo hiểm và giới ngân hàng.
Tuy nhiên trong thời gian gần đây, tại Việt Nam, loại hình dịch vụ này đang bị “biến tướng” khi nhiều khách vay diện thế chấp tại một số ngân hàng bức xúc bởi họ bị “cưỡng ép” phải mua đủ loại bảo hiểm không liên quan như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm vật chất... mới được phép giải ngân khoản vay. Tình trạng này chủ yếu xảy ra tại các ngân hàng thương mại.
Trong vai khách hàng cần vay 400 triệu đồng để chi tiêu, chúng tôi đến một ngân hàng thương mại trên phố Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội. Tại đây, sau khi giải thích tỉ mỉ về những thủ tục cần thiết, chưa biết khách hàng có được vay tiền hay không, tốp nhân viên “thẳng thắn” đề cập việc phải mua thêm gói bảo hiểm nhân thọ của hãng M, nếu không mua thì sẽ không đủ điều kiện để giải ngân hoặc phải chịu lãi vay cao hơn từ 2 - 3%.
Khi chúng tôi từ chối do không có nhu cầu, vị nữ nhân viên liền trở giọng và “dội gáo nước lạnh” về phía khách hàng, “dù muốn hay không, đây là luật bất thành văn rồi”. “Có thể anh không vay tiền chỗ em, nhưng giờ ngân hàng nào cũng cho vay như vậy. Gói em giới thiệu cho anh là tình cảm lắm rồi, anh không ưng nữa thì chào anh thôi” - người phụ nữ này đáp gọn lỏn.
Tại các chi nhánh khác trên cùng tuyến phố, tình trạng này xảy ra thậm chí còn “trắng trợn” hơn do lợi dụng nhu cầu vốn vay dịp cuối năm tăng cao, nhiều ngân hàng lấy cớ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng bị siết chặt, mà không ngần ngại “dùng chiêu” buộc khách để được giải ngân phải mua bảo hiểm.
Không ít ý kiến cho biết họ cũng gặp tình trạng ép mua tương tự, đã thế, khách vay tín chấp cũng bị bắt chịu chung số phận tương tự. Tréo ngoe hơn, có ngân hàng yêu cầu khách phải mua bảo hiểm “tín dụng an tâm” của công ty bảo hiểm khi vay tín chấp.
“Tôi vay tín chấp 100 triệu đồng để sửa chữa nhà cửa. Lúc tư vấn và làm hồ sơ vay, nhân viên không đả động gì đến bảo hiểm khoản vay. Đến ngày tôi lên nhận tiền, nhân viên mới chìa cái hợp đồng bảo hiểm “tín dụng an tâm” trị giá 9 triệu đồng/năm rồi bắt tôi ký, nếu không ký thì không đủ điều kiện giải ngân. Tôi kêu nhân viên trừ số tiền bảo hiểm trực tiếp vào số tiền vay, nhân viên cho biết, ngân hàng cho vay luôn số tiền bảo hiểm này với lãi suất tương đương lãi suất khoản vay tín chấp, tức 18,4%/năm”, chị N.T.H., ngụ tại Q.3, TP. HCM kể.
Thậm chí, khi khách hàng mở thẻ tín dụng cũng bị ép mua bảo hiểm. Nhiều khách hàng phản ánh, khi họ mở thẻ tín dụng với hạn mức là 30 triệu đồng, cũng bị ép mua bảo hiểm với mức phí 101.000 đồng/tháng, đóng trong vòng 12 tháng. Đáng chú ý, khách không được tư vấn về mức phí bảo hiểm này mà hệ thống tự động nhắn tin bắt khách đóng. Chỉ khi khách phản ứng, công ty mới hoàn trả phí bảo hiểm.
Theo tìm hiểu của PV, tỉ lệ chiết khấu phí bảo hiểm nhân thọ khách hàng đóng trong năm đầu tiên cho các ngân hàng rất cao, có ngân hàng được hưởng đến 60-65%.
Do lợi nhuận “khủng” làm “mờ mắt”, mà các ngân hàng thương mại không ngần ngại triển khai các “combo” cho vay để dồn ép khách hàng tham gia các hợp đồng bảo hiểm của các công ty bảo hiểm do ngân hàng chỉ định mà không được quyền lựa chọn. Mặc dù bảo hiểm là một hình thức tài chính có ý nghĩa nhân văn giúp dự phòng rủi ro trong cuộc sống bao gồm bệnh tật, tai nạn... tuy nhiên việc “ép” mua bảo hiểm này lại đang làm méo mó đi ý nghĩa của bảo hiểm. Đặc biệt đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường kéo dài từ 10-20 năm là khoản thời gian khá lâu thì người tham gia càng phải có quyền chủ động cân nhắc và lựa chọn kỹ lưỡng các công ty bảo hiểm, sản phẩm phù hợp với nhu cầu và tài chính của mình.
Trên thị trường cũng có các bảng thống kê và “xếp hạng” doanh số bán bảo hiểm của các ngân hàng theo từng tháng. Theo bảng thống kê mà PV có được, vị trí dẫn đầu đang thuộc về VIB, kế đến là MB, Techcombank, SCB, ACB, VPBank, Sacombank.
Hiện nay, các ngân hàng cạnh tranh nhau rất quyết liệt và các công ty bảo hiểm lớn cũng tìm nhiều cách để có thể “chen chân” vào các ngân hàng thông qua các hợp đồng ký kết phân phối độc quyền bảo hiểm.
Cụ thể, Generali vừa ký kết hợp tác chiến lược phân phối độc quyền các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ với Ngân hàng Phương Đông (OCB) với thời hạn 15 năm. Trước đó, đã có hàng loạt cuộc “bắt tay” giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm: Sacombank ký kết hợp đồng phân phối độc quyền với Dai-ichi Life Việt Nam trong thời gian lên đến 20 năm.
Ngoài Sacombank, Dai-ichi Life Việt Nam còn ký kết với SHB với thời gian 15 năm. Manulife Việt Nam cũng đang hợp tác cùng Techcombank, SCB, TPBank. AIA ký kết với VPBank, KienLong Bank, VietCapital Bank, ACB. Công ty TNHH bảo hiểm Hanwha Life Việt Nam cũng bắt tay với NH Woori Bank và Shinhan để bán các sản phẩm bảo hiểm qua kênh ngân hàng. VIB ký hợp đồng độc quyền với Prudential.
Theo công bố của các ngân hàng, doanh số bán bảo hiểm qua ngân hàng liên tục gia tăng thời gian qua.
Tính đến cuối tháng 8/2019, hợp tác bancassurance giữa Sacombank và Dai-ichi Life Việt Nam đã đạt gần 1.200 tỉ đồng tổng doanh thu phí bảo hiểm với hơn 300.000 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được phát hành, vượt xa so với kế hoạch đã đặt ra.
Tính đến cuối tháng 9/2019, thu phí bảo hiểm AIA qua Ngân hàng Bản Việt cũng tăng gần ba lần so với cùng kỳ 2018. Tại nhiều ngân hàng khác, doanh thu từ hoạt động hợp tác bảo hiểm này cũng tăng rất mạnh, có ngân hàng đạt 700-800 tỉ đồng, thậm chí hơn 1.000 tỉ đồng/năm.
Có thể thấy bán bảo hiểm đang là hoạt động “đẻ trứng vàng” mới của các nhà băng. Bởi hoa hồng từ bán bảo hiểm quá lớn, đồng thời công ty bảo hiểm cũng dồn áp lực khi đã bỏ ra bộn tiền để vào ngân hàng, đặc biệt khi mua độc quyền việc khai thác bảo hiểm tại ngân hàng nên hầu hết những nhà băng đã giao chỉ tiêu bán bảo hiểm cho nhân viên.
Để đạt được chỉ tiêu, tại một số nhà băng đã nảy sinh ra “chiêu” các nhân viên phụ trách hồ sơ vay thường tư vấn khách theo kiểu “ép buộc” mua bảo hiểm thì mới được hưởng lãi suất ưu đãi hoặc là giải ngân nhanh. Việc này gây nhiều bức xúc cho khách hàng.
Hiện tại pháp luật về ngân hàng không quy định bắt buộc bên vay phải mua bảo hiểm. Do vậy, việc khách hàng mua thêm bảo hiểm tín dụng đối với khoản vay là thỏa thuận giữa Tổ chức tín dụng và khách hàng vay trên cơ sở ý chí tự nguyện của các bên.
Theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 17 và Điểm b Khoản 1 điều 15, Nghị định 98/2013/NĐ- ngày 28/8/2013 (được sửa đổi bởi Nghị định 48/2018/NĐ-CP ngày 21/3/2018) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số, mức phạt tiền đối với cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn, có hành vi ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức là từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Còn trường hợp tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi (tức là phạt từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng).
Đồng thời, hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 2 tháng đến 3 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm nêu trên trong Giấy phép thành lập và hoạt động.
Tuy nhiên, có thể thấy, so với khoản lợi nhuận nghìn tỷ từ bancassurance cho các ngân hàng rõ ràng là “nhẹ nhàng” và không đủ sức răn đe, cản đường, ngăn chặn hành vi vi phạm này.
Ngay từ đầu năm, câu chuyện các ngân hàng bắt khách hàng mua bảo hiểm mới được giải ngân vốn vay đã được một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, dư luận “râm ran” nói đến; thế nhưng, phản ứng của các cơ quan chức năng, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước đối với vấn đề này là rất chậm trễ, không đủ quyết liệt.
Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Long An - địa phương đầu tiên công khai các văn bản gửi ban giám đốc các ngân hàng trên địa bàn tỉnh yêu cầu giải trình ý kiến về các ngân hàng thương mại “ép” khách hàng khi đến làm hồ sơ, thủ tục vay tiền phải mua thêm các loại bảo hiểm không liên quan.
Bởi thế, các ngân hàng thương mại mới thỏa sức “múa gậy vườn hoang” để tiếp tục dồn ép, gây khó cho những người vay vốn khi họ phải liên tiếp hứng chịu 2 tầng “lãi suất” (lãi cho vay và chi phí mua bảo hiểm ép buộc). Dù đây là hành vi vi phạm có “chủ trương” của các tổ chức ngân hàng, hay của cá nhân các nhân viên, các bộ phận của ngân hàng thì các ngân hàng cũng phải có trách nhiệm.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, dư luận mong chờ ở sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để xem xét, xử lý hành vi cưỡng ép người dân phải mua bảo hiểm khi vay vốn ở các ngân hàng.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.