EU lo ngại chiến tranh thương mại nổ ra nếu ông Trump tái đắc cử

Đăng Phạm - 09/02/2024 00:41 (GMT+7)

(VNF) - Liên minh châu Âu (EU) được cho là đang tiến hành đánh giá thiệt hại kinh tế tiềm tàng nếu đảng Cộng hòa quay trở lại Nhà Trắng.

VNF
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hãng tin Bloomberg mới đây dẫn lời một quan chức EU cho hay khối này đang chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại có thể xảy ra với Mỹ nếu ông Donald Trump thắng cử tổng thống vào tháng 11.

Quan chức này tiết lộ rằng Ủy ban châu Âu đang tiến hành đánh giá kinh tế chính thức về việc chiến thắng của ông Trump sẽ tác động như thế nào đến các quốc gia thành viên, nhưng không đưa ra chi tiết về phản ứng tiềm tàng của Brussels.

Trong một bài viết riêng dựa trên các cuộc phỏng vấn với những người trong chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Trump, Bloomberg đưa tin rằng chính quyền của ông sẽ áp đặt mức thuế tối thiểu 10% đối với hàng nhập khẩu từ EU, tương tự như đối với Trung Quốc.

Một đề xuất khác liên quan đến việc trả đũa các khoản thuế do Brussels áp đặt đối với các dịch vụ kỹ thuật số trong nhiều năm qua, nhằm vào những gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại Mỹ như Meta và Amazon.

Các nguồn tin giải thích, biện pháp đáp trả sẽ được đưa ra theo các điều khoản trong Đạo luật Thương mại năm 1974 mà ông Trump đã triển khai trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình để giải quyết sự mất cân bằng thương mại với các quốc gia nước ngoài.

Cựu Tổng thống Trump đã tranh cãi với EU về thâm hụt thương mại của Mỹ và điều mà ông cho là châu Âu miễn cưỡng đứng về phía Washington để chống lại Trung Quốc.

Các mức thuế do ông Trump áp đặt đối với thép và nhôm châu Âu chỉ được chính quyền của Tổng thống Joe Biden dỡ bỏ một phần vào năm ngoái.

Bloomberg lưu ý rằng các quan chức châu Âu do dự trong việc đáp trả mặc dù coi các biện pháp này là không công bằng “do lo ngại rằng nó có thể giúp ích cho cơ hội đắc cử của ông Trump”.

Tổng thống đương nhiệm của Mỹ, ông Joe Biden được đánh giá là ít đối kháng hơn với khối EU. Trong một nhận xét hiếm hoi về chính trị nội bộ Mỹ vào tháng 5 năm ngoái, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã công khai bày tỏ kỳ vọng đảng Dân chủ tiếp tục tại vị.

Tuy nhiên, một số chính sách của ông Biden được cho là “không vừa ý” các nhà lãnh đạo châu Âu, đặc biệt là chương trình trợ cấp trị giá 390 tỷ USD để hỗ trợ công nghệ xanh được đưa vào Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022. Số tiền này mang lại động lực cho các nhà sản xuất châu Âu chuyển sản xuất sang Mỹ.

Vào thời điểm đó, các thành viên của khối đang phải vật lộn để điều chỉnh trước tình hình giá năng lượng tăng vọt sau khi tự mình tách khỏi các nguồn năng lượng giá rẻ của Nga. Khí tự nhiên hóa lỏng đắt tiền hơn của Mỹ đã thay thế phần lớn thị phần trước đây do nguồn cung cấp của Nga nắm giữ.

Xem thêm >> Vừa chiến thắng kỷ lục, ông Trump tính áp thuế 60% với hàng Trung Quốc

Theo Bloomberg
Cùng chuyên mục
Tin khác