Giá khí đốt tại châu Âu tăng mạnh 3 ngày liên tiếp sau động thái của Nga

Mộc An - 28/07/2022 17:46 (GMT+7)

(VNF) - Giá khí đốt tại châu Âu vẫn trên đà tăng mạnh sau khi Nga siết nguồn cung tới khu vực này với lý do hạn chế về các vấn đề kỹ thuật.

VNF
Theo tính toán của Ủy ban châu Âu, 2/3 lượng khí đốt dự trữ sẽ chỉ đủ tiêu thụ trong vòng 46 ngày vào mùa đông.

Trong phiên giao dịch ngày 27/7, theo dữ liệu từ Sàn trao đổi ngoại tệ quốc tế (ICE) của London, giá khí đốt giao sau tháng 8 tại sàn TTF ở Hà Lan đã tăng lên 2.307 USD/1.000 m3, mức cao nhất kể từ ngày 8/3.

Như vậy, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng mạnh 3 ngày liên tiếp sau khi Tập đoàn dầu khí quốc gia Gazprom của Nga thông báo buộc phải dừng hoạt động của một động cơ tuabin khí nữa của đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) do đến hạn đại tu. Điều này đã khiến lượng khí đốt vận chuyển tới châu Âu tiếp tục bị thu hẹp.

Trước đó, 12 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã bị cắt toàn bộ hoặc một phần khí đốt từ Nga. Tiếp đó, tổng thống Vladimir Putin một lần nữa gia tăng áp lực với EU khi tiếp tục cắt giảm một nửa lượng khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc xuống còn 33 triệu m3/ngày. So với mức công suất 167 triệu m3/ngày trước đó, con số này chỉ tương đương 20%.

Điều này khiến cho giả thuyết về một mùa đông không có khí đốt của Nga có thể trở thành hiện thực và điều này sẽ là một thảm kịch đối với lục địa già.

Theo chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, hành động này của Moscow càng khiến mọi người nhận thấy rằng Nga không phải là một nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy trong bối cảnh châu Âu đang phải vật lộn để lấp đầy kho dự trữ khí đốt của mình, vốn phải đạt 80% trước khi mùa đông bắt đầu, so với mức 65% vào thời điểm hiện tại.

Theo tính toán của Ủy ban châu Âu, 2/3 lượng khí đốt dự trữ sẽ chỉ đủ tiêu thụ trong vòng 46 ngày vào mùa đông.

Châu Âu hiện đang chuyển sang mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ các quốc gia châu Á như Ấn Độ, Bangladesh hay Pakistan. Các nước sản xuất khí đốt khác, như Na Uy, Azerbaijan hoặc Algeri cũng đang được châu Âu để ý và nhiều hợp đồng đã được ký kết trong những tuần gần đây.

Mỹ cũng đã phần nào giúp EU vượt qua cuộc khủng hoảng này khi cam kết sẽ cung cấp thêm 15 tỷ m3 LNG cho châu Âu vào cuối năm.

Do việc các nước thành viên EU không phụ thuộc vào cùng một tỷ lệ khí đốt của Nga, nhiều nước đã quyết định tự đàm phán riêng với các nhà cung cấp khác.

Mới đây, Ngoại trưởng Hungary Péter Szijjártó ngày 21/7 đã tới Moscow để thảo luận về việc mua thêm 700 triệu m3 khí đốt tự nhiên ngoài số lượng quy định trong các hợp đồng dài hạn.

Xem thêm >> Ukraine hỗ trợ châu Âu đối phó khủng hoảng năng lượng

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.