'Giao ACV làm sân bay Long Thành để đảm bảo an toàn cho các nguyên thủ, lãnh đạo'
An Chi (TH) -
15/10/2019 06:19 (GMT+7)
(VNF) - Tại cuộc họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về dự án sân bay Long Thành sáng 14/10, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng tổ chức nào làm cũng được, nhưng "nếu ACV làm sẽ đảm bảo an ninh, an toàn cho các nguyên thủ, lãnh đạo".
Trước đó, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội thông qua nghị quyết giao Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (AVC) làm chủ đầu tư sân bay Long Thành.
Theo Chính phủ, việc giao ACV trực tiếp đầu tư các hạng mục chính của dự án giai đoạn 1 bằng vốn của doanh nghiệp "là có thể xem xét chấp nhận được". Tuy nhiên, do đây là dự án cảng hàng không mới, nên theo Luật Đấu thầu phải đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư cho dự án cảng hàng không mới trên cần được thực hiện qua đấu thầu, chỉ Quốc hội có thẩm quyền giao ACV trực tiếp đầu tư, khai thác cảng.
Giải thích về việc chọn ACV, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng tổ chức nào làm cũng được, nhưng "nếu ACV làm sẽ đảm bảo an ninh, an toàn cho các nguyên thủ, lãnh đạo".
Bên cạnh đó, "ACV đã cân đối được 37% vốn để thực hiện dự án giai đoạn I", ông Thể cho biết thêm.
Theo tờ trình của Chính phủ, ACV được giao đầu tư toàn bộ hạng mục 1, sau đó sẽ cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại. Hạng mục 2 sẽ giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp. Hạng mục 3 sẽ giao ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp. Đối với hạng mục 4, Chính phủ kiến nghị giao ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư theo quy định của pháp luật.
Được biết, về phương án huy động vốn giai đoạn I, tổng số vốn ACV cần huy động là 4,194 tỷ USD, tương đương khoảng 98.014 tỷ đồng.
Ông Thể cho biết đến cuối năm 2018, ACV đã tích lũy được lượng tiền mặt gần 24.270 tỷ đồng và dự tính sẽ tích lũy gần 12.340 tỷ đồng trong 8 năm tới nhờ kết quả sản xuất kinh doanh. Vì thế, tổng số tiền ACV bố trí vốn chủ sở hữu thực hiện là hơn 36.607 tỷ đồng (gần 1,6 tỷ USD). Số vốn còn lại, hơn 2,6 tỷ USD, ACV sẽ đi vay.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng nhấn mạnh phần vốn huy động từ bên ngoài của ACV sẽ được tính toán để quản lý, đảm bảo an toàn cho cảng hàng không quốc tế lớn nhất nước.
"Huy động chứ không phải hợp tác vì sân bay quốc tế là không cổ phần hóa", ông Thể nói.
Theo báo cáo tài chính soát xét vừa công bố, số tiền ACV chi đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành đến cuối tháng 6/2019 là gần 284 tỷ đồng. Các năm trước, ACV cũng đã bỏ tiền vào dự án này nhưng rất nhỏ giọt với chỉ số dư lũy kế khoảng 18,5 tỷ đồng hồi cuối năm 2018, 12 tỷ đồng cuối năm 2017, hơn 11 tỷ đồng cuối năm 2016.
Thời gian qua, ACV đã quyết liệt triển khai công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành. Mặc dù là đơn vị đang ứng trước tiền để xây dựng báo cáo nhưng ACV vẫn chưa phải là chủ đầu tư dự án này.
Được biết, tổng tài sản của ACV đến cuối quý II/2019 xấp xỉ 58.727 tỷ đồng, tăng 9,27% so với hồi đầu năm. Tổng công ty hiện có tới 28.272,5 tỷ đồng tiền gửi dưới 1 năm (lãi suất 6,5%-7,6%/năm) và 400 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn dài trên 1 năm (lãi suất 7,5%-7,6%/năm). Cùng với tiền mặt hiện có, tổng các khoản tiền đến cuối quý II/2019 gần 29.500 tỷ đồng.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.