Giao thông tuần qua: Đặt mục tiêu hoàn thành 361km cao tốc trong năm 2022

Chí Bình - 20/02/2022 09:14 (GMT+7)

(VNF) - Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu phải hoàn thành 361km đường cao tốc trong năm nay; gần 22.000 tỷ làm cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài hơn 117km... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

VNF
Hoàn thành 361km đường cao tốc trong năm nay.

Cầu Rạch Miễu 2 hơn 5.100 tỷ dự kiến khởi công tháng 3/2022

Đoàn công tác của Bộ GTVT vừa làm việc với lãnh đạo UBND các tỉnh Bến Tre và Tiền Giang về tiến độ triển khai thực hiện dự án cầu Rạch Miễu 2.

Theo đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, Bộ GTVT đã có quyết định đầu tư đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Dự án đang trong giai đoạn thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán.

Đến nay, Bộ GTVT đã chấp thuận phân chia dự án thành 6 gói thầu xây lắp; ký hợp đồng tư vấn thiết kế 3/3 gói thầu; bố trí vốn đợt 1 cho dự án với tổng kinh phí 750 tỷ đồng và đã hoàn thiện thủ tục chuyển kinh phí về kho bạc địa phương.

Ban Quản lý đề nghị các sở, ngành, địa phương có giải pháp đẩy nhanh các công tác liên quan đến việc kiểm điếm, dự thảo phương án, công khai phương án đến người dân; tập trung ưu tiên giải phóng mặt bằng khu vực khởi công và phạm vi gói thầu liên quan để có thể triển khai thi công.

Dự án cầu Rạch Miễu 2 có chiều dài khoảng 17,6km; trong đó, có 1 cầu chính dây văng dài 1.971,2m, cầu đúc hẫng dài 455,7m và 4 cầu trên tuyến; đường dẫn và cầu trên tuyến dài 15,17km (về phía tỉnh Tiền Giang là 5,08km và tỉnh Bến Tre 10,09km).

Dự án có quy mô đường cấp III đồng bằng, đáp ứng 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp (bố trí trên phần lề gia cố), vận tốc thiết kế 80 km/h. Tổng mức đầu tư là 5,175 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công. (Xem thêm)

Bộ GTVT ủng hộ dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành

Bộ GTVT vừa có công văn gửi UBND tỉnh Đồng Nai về đề xuất của địa phương này với dự án đường sắt nhẹ kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Trước đó, vào tháng 12/2021, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành dài 37,5km, điểm đầu tại ga Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức, TP. HCM; điểm cuối tại sân bay Long Thành. Tổng mức đầu tư dự kiến 40.566 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP.

Trong văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai, Bộ GTVT cho biết Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có chiều dài khoảng 38km, qua địa phận tỉnh Đồng Nai và TP. HCM, với lộ trình đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030.

Bên cạnh đó, tuyến đường sắt này đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ GTVT xác định dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành là một trong những dự án động lực của kỳ trung hạn tiếp theo nhằm tăng cường các phương thức vận tải kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành và đã bố trí vốn chuẩn bị đầu tư từ năm 2022 để triển khai nghiên cứu.

Dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành dài 37,5km. (Ảnh minh họa) 

Do đó, Bộ GTVT ủng hộ đề xuất này của UBND tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, do tuyến đường sắt đi qua địa phận TP. HCM nên Bộ đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất với UBND TP. HCM để báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định. (Xem thêm)

Hoàn thành 361km đường cao tốc trong năm nay

Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa chủ trì cuộc họp về tình hình thực hiện dự án xây dựng đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020, gồm 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 652,86km.

Phó thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu từ nay đến cuối năm 2022 hoàn thành 361km đường cao tốc, đưa vào khai thác, sử dụng.

Cụ thể, các đoạn cao tốc đang thi công, yêu cầu phải hoàn thành trong năm 2022 gồm: đoạn từ Mai Sơn (Ninh Bình) – Quốc lộ 45 (Thanh Hóa) dài 63,37km; đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên Huế) dài 98,3km; đoạn Vĩnh Hảo (Bình Thuận) đến Dầu Giây (Đồng Nai) dài 199,8km.

Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành 149km trong năm 2023, gồm: đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (dài 43,28km); Nghi Sơn - Diễn Châu (dài 50km); Nha Trang - Cam Lâm (dài 49,1km) và Cầu Mỹ Thuận 2 (dài 6,6km).

Với mục tiêu trên, Phó thủ tướng đề nghị các địa phương, các nhà thầu, đơn vị thi công quyết liệt hơn nữa, nếu không có đổi mới, tăng cường thiết bị, bộ máy, không tháo gỡ kịp thời vướng mắc về vật liệu xây dựng thì đến cuối năm, hoàn thành mục tiêu rất khó khăn.

"Cần lên tiến độ chi tiết và kiểm soát chặt chẽ tiến độ chi tiết này, nếu có hạng mục nào chậm, phải có giải pháp bù tiến độ ngay. Dứt khoát không điều chỉnh tiến độ tổng thể", lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh. (Xem thêm)

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hơn 27.000 tỷ dự kiến khởi công trong năm 2022

Đoàn công tác của Bộ GTVT vừa có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP. Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau về việc phối hợp triển khai thực hiện dự án thành phần đầu tư xây dựng đường cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.

Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, tuyến đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thuộc hệ thống đường cao tốc phía Nam và là 1 trong 2 tuyến trục dọc trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, là tuyến kết nối 2 cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.

Tại buổi làm việc, đại diện Bộ GTVT đã báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau. Quy mô dự án với 4 làn xe, tổng chiều dài 109,5km (trong đó đoạn Cần Thơ - Hậu Giang dài 36,7km, Hậu Giang - Cà Mau dài 72,8km) với tổng mức đầu tư khoảng 27.254 tỷ đồng. Dự án dự kiến sẽ khởi công năm 2022 và hoàn thành cơ bản năm 2025.

Đến nay, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã chỉ đạo tư vấn khảo sát, lập dự án; đồng thời, tổ chức báo cáo và xin ý kiến UBND TP. Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau về hướng tuyến, quy mô mặt cắt ngang tuyến, giải pháp thiết kế sơ bộ… của dự án.

Để khởi công dự án vào cuối năm 2022, Ban quản lý dự án dự kiến sẽ bàn giao cọc giải phóng mặt bằng ngày 15/3. Do đó, đơn vị này kiến nghị các địa phương sớm triển khai các thủ tục thu hồi đất như bổ sung, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao nhiệm vụ cho các đơn vị tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; rà soát quỹ đất ở, các khu tái định cư hiện có, làm cơ sở xây dựng phương án tái định cư cho các hộ dân bị di dời đảm bảo phù hợp quy định; quan tâm hỗ trợ đảm bảo đủ vật liệu xây dựng, xác định các bãi thải vật liệu… phục vụ cho dự án. (Xem thêm)

Dự án vành đai 4 - vùng Thủ đô có 2 cầu vượt sông Hồng và 1 cầu vượt sông Đuống

Tổ công tác triển khai thực hiện dự án xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô vừa tổ chức hội thảo tham gia ý kiến với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4.

Tại hội thảo, đại diện Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) đã báo cáo tóm tắt nghiên cứu tiền khả thi dự án đường vành đai 4. Theo đó, đường vành đai 4 có chiều dài 112,8km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 94.127 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến giai đoạn 2021 - 2028. Dự án đi qua địa phận 3 tỉnh/thành phố, gồm: Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Trong đó, qua Hà Nội dài 58,2km; qua Hưng Yên dài 19km; qua Bắc Ninh dài 25,6 km và tuyến nối với Quốc lộ 18 dài 9,7km.

Dự án đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với thiết kế 100km/h với thành phần đường cao tốc và tuyến nối theo hướng đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long; đoạn 4 làn xe và đường bên có tốc độ 60-80km/h.

Dự án cũng sẽ có 3 cầu vượt vượt sông, trong đó có 2 cầu vượt sông Hồng, gồm: cầu Hồng Hà (dài 5.023m) và cầu Mễ Sở (dài 2.674m); 1 cầu vượt sông Đuống (dài 990m)...

Đơn vị tư vấn cũng đề xuất một số điểm đi thấp vừa giảm kinh phi đầu tư (xuống còn hơn 87.200 tỷ đồng), vừa bảo đảm quỹ đất và giao thông, phát triển đô thị hai bên một cách hiệu quả như tại Hà Nội, Bắc Ninh và khu công nghiệp phố Nối (Hưng Yên)… có thể phát triển quỹ đất 2 bên đường. (Xem thêm)

Gần 22.000 tỷ làm cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có quy mô là 4 làn xe, dài hơn 117km, trong đó đoạn qua tỉnh Khánh Hòa dài gần 32,7km và qua tỉnh Đắk Lắk khoảng hơn 84km.

Dự án dự kiến sẽ thực hiện theo hình thức đầu tư công, với tổng mức đầu tư theo quy mô phân kỳ khoảng 21.935 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị ước khoảng hơn 15.600 tỷ đồng.

Bộ GTVT dự kiến chia dự án thành 3 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 sẽ dài khoảng 32km cơ bản trên địa phận tỉnh Khánh Hòa, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.632 tỷ đồng và do UBND tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư.

Dự án thành phần 2 sẽ dài khoảng 37,5km trên địa bàn 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.818 tỷ đồng và do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. 

Dự án thành phần 3 dài khoảng 48,5km trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.485 tỷ đồng và do UBND tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.

Về tiến độ triển khai dự án, Bộ GTVT đề xuất chuẩn bị dự án 2021 - 2023; thiết kế kỹ thuật, dự toán và thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022 - 2024; khởi công năm 2023 và hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng năm 2026. (Xem thêm)

Cùng chuyên mục
Tin khác