Giao thông tuần qua: Đề xuất sân bay quốc tế mới ở Hải Phòng, Sơn Hải đầu tư cao tốc Nha Trang - Cam Lâm

Chí Bình - 08/05/2021 18:31 (GMT+7)

(VNF) - Cục Hàng không Việt Nam đề nghị duy trì quy hoạch vị trí cảng hàng không quốc tế Hải Phòng tại huyện Tiên Lãng; Tập đoàn Sơn Hải là nhà đầu tư dự án BOT cao tốc Nha Trang - Cam Lâm... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

VNF
Cục Hàng không đề xuất không điều chỉnh số lượng và quy mô sân bay như đề xuất của nhiều địa phương vừa qua.

Cục Hàng không đề xuất quy hoạch sân bay quốc tế mới ở Hải Phòng

Cục Hàng không Việt Nam vừa có tờ trình về việc thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong tờ trình này, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất giữ nguyên số lượng 28 sân bay trên toàn quốc đến năm 2030 theo như quy hoạch hiện nay (quy hoạch phát triển giao thông hàng không được Chính phủ phê duyệt năm 2018), không điều chỉnh số lượng và quy mô như đề xuất của nhiều địa phương vừa qua.

Cục Hàng không Việt Nam cũng đề xuất đến năm 2050, cả nước sẽ có 29 cảng hàng không, gồm 14 cảng hàng không quốc tế, 15 cảng hàng không quốc nội, trong đó sân bay duy nhất được bổ sung trong giai đoạn này là Cao Bằng.

Đáng chú ý, Cục Hàng không cũng đề nghị duy trì quy hoạch vị trí cảng hàng không quốc tế Hải Phòng tại huyện Tiên Lãng. Sân bay này đã từng được quy hoạch dự bị cho sân bay Nội Bài và Cát Bi theo quyết định của Thủ tướng vào năm 2011.

Cũng trong tờ trình về việc thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cục Hàng không Việt Nam không đề cập đến sân bay thứ 2 của vùng Thủ đô. (Xem thêm)

Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT đề xuất triển khai ngay một loạt dự án cao tốc

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp thường trực Chính phủ về dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các bộ, cơ quan dự họp để hoàn thiện tờ trình chủ trương triển khai thực hiện mục tiêu “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường cao tốc".

Về phạm vi đầu tư, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT căn cứ sự cần thiết, tính cấp bách, tính hiệu quả và khả năng bố trí nguồn lực để lựa chọn các dự án thành phần trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông cần đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025.

"Mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông những nơi thật cần thiết", Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT căn cứ tính hiệu quả, khẩn trương nghiên cứu, đề xuất triển khai ngay các tuyến đường bộ cao tốc khác có nhu cầu cấp thiết, được các địa phương, cử tri và đại biểu Quốc hội đề nghị thời gian qua như: Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến kết nối Nam Trung Bộ với Tây Nguyên...

Bên cạnh đó là các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP. HCM và Vành đai 4, Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội và một số tuyến đường ở khu vực trung du miền núi phía Bắc. (Xem thêm)

Lập hội đồng thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư sân bay Phan Thiết

Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký quyết định thành lập hội đồng thẩm định liên ngành tổ chức thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ làm chủ tịch hội đồng và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm phó chủ tịch hội đồng.

Các thành viên trong hội đồng còn có lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Xây dựng, Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận.

Trách nhiệm, quyền hạn và nguyên tắc hoạt động của Hội đồng thẩm định liên ngành thực hiện theo quy định tại Nghị định số 35 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. (Xem thêm)

Tập đoàn Sơn Hải là nhà đầu tư dự án BOT cao tốc Nha Trang - Cam Lâm

Ngày 6/5, tại Bộ GTVT đã diễn ra lễ ký Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT) Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang – Cam Lâm giữa Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (nhà đầu tư dự án) và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng đường cao tốc Nha Trang – Cam Lâm (doanh nghiệp dự án)

Theo thiết kế, dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm thuộc dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã được Quốc hội và Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 21/10/2017 và Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/3/2018.

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 5.524 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 2.556 tỷ đồng (trong đó Vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư chiếm 20%), nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện Dự án khoảng 2.967 tỷ đồng.

Dự án được đầu tư theo hình thức PPP, thời gian xây dựng 2 năm, thời gian vận hành khai thác hoàn vốn khoảng 16 năm 4 tháng. (Xem thêm)

Hà Nội đề xuất đầu tư vành đai 4 theo hình thức PPP

UBND TP. Hà Nội muốn Bộ GTVT ủng hộ phương án đầu tư tuyến vành đai 4 - vùng Thủ đô dài 98 km chạy trên cao, trị giá hơn 135.000 tỷ đồng theo hình thức PPP.

Hà Nội cũng đề nghị Bộ GTVT và Thường trực Tỉnh ủy các tỉnh thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa danh mục đầu tư tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô vào danh mục công trình giao thông trọng điểm quốc gia để tập trung chỉ đạo; đồng thời tách công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tuyến đường thành dự án riêng (tương tự dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành).

Đặc biệt, lãnh đạo TP. Hà Nội muốn Bộ GTVT thống nhất nghiên cứu bổ sung phương án thành phần đường cao tốc trên cao trên vành đai 4 thay cho việc đi bằng như quy hoạch hiện nay để lựa chọn phương án tối ưu và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết cho phù hợp.

Tại quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết đường vành đai 4, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu xây dựng xong tuyến này trước năm 2020. Đây là tuyến vành đai liên vùng phục vụ kết nối giao thông giữa Hà Nội với các tỉnh thuộc vùng Thủ đô; đồng thời, giải quyết nhu cầu giao thông trực tiếp cho khu vực đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh của TP. Hà Nội.

Tuy nhiên, tính đến quý I/2021, mới chỉ có UBND TP. Hà Nội đang xem xét hồ sơ đề xuất 3 dự án đầu tư theo hình thức PPP của một số nhà đầu tư trong nước. (Xem thêm)

Cùng chuyên mục
Tin khác