Giao thông tuần qua: Dự án đường sắt 100.000 tỷ có diễn biến mới, Thủ tướng 'thúc' tiến độ dự án cầu Mỹ Thuận 2

Chí Bình - 22/03/2020 13:15 (GMT+7)

(VNF) - Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng 100.000 tỷ đồng sau năm 2020; Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng cầu Mỹ Thuận 2... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

VNF
Sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng 100.000 tỷ đồng sau năm 2020.

Thủ tướng 'thúc' tiến độ dự án cầu Mỹ Thuận 2

Thủ tướng vừa đề nghị Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 để bảo đảm tiến độ thông tuyến đồng bộ với dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Trước đó, ngày 8/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đi kiểm tra dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại gói thầu XL13, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Đến nay, dự án đã hoàn thành trên 35% khối lượng công trình, cùng với đó, công tác giải phóng mặt bằng cũng đã được hoàn thành 100% và đã được bàn giao cho đơn vị thi công.

Với mục tiêu đưa dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thông tuyến trong năm 2020 và hoàn thành vào năm 2021, mới đây, Thủ tướng đã có một số chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Cụ thể, Thủ tướng đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang sớm giải ngân phần vốn ngân sách nhà nước còn lại, đồng thời có trách nhiệm tháo gỡ các vướng mắc do việc ngăn mặn làm ảnh hướng đến các tuyến đường vận chuyển vật liệu xây dựng.

Được biết, vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho dự án là 2.186 tỷ đồng, trong đó đã được giải ngân vào dự án là 1.733 tỷ đồng, hiện còn 410 tỷ đồng chưa giải ngân.

Đối với Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng đề nghị khẩn trương lập và triển khai phương án thu phí tuyến cao tốc TP. HCM - Trung Lương.

Bên cạnh đó, giao Bộ GTVT phối hợp với các cơ quan liên quan đến đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư đối với dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 để bảo đảm tiến độ thông tuyến đồng bộ với dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Cầu Mỹ Thuận 2 là dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017- 2020, với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị khoảng 3.389,6 tỷ đồng.

Dự án có điểm đầu tại Km101+126, khớp nối với Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tại nút giao An Thái Trung thuộc địa phận huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Điểm cuối là Km107+740, khớp nối với Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ tại nút giao Quốc lộ 80 thuộc địa phận thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Tổng chiều dài tuyến khoảng 6,61km. (Xem thêm)

Danh tính nhà đầu tư trúng tuyển cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu 8.380 tỷ đồng

Bộ GTVT vừa ban hành quyết định phê duyệt kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Theo quyết định này, có 2 liên danh nhà đầu tư trúng sơ tuyển tại dự án, gồm liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH đầu tư Núi Hồng - Công ty Cổ phần Xây dựng số 2 và liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Nam - Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) - Công ty Cổ phần xây dựng công trình giao thông Thái Sơn.

Được biết, trong vòng 2 tháng phát hành hồ sơ mời sơ tuyển (từ 15/10 - 14/11/2019), Ban Quản lý dự án 6 bán được 11 bộ hồ sơ cho các nhà đầu tư. Đến thời điểm đóng thầu, Ban Quản lý dự án 6 nhận được hồ sơ dự thầu của 4 liên danh nhà đầu tư.

4 liên danh này bao gồm liên danh Công ty Cổ phần TASCO - Công ty Cổ phần phát triển dịch vụ công trình Đức Long Gia Lai - Tổng công ty Thăng Long - Công ty Cổ phần Bắc Phương; Liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Nam - Vinaconex - Công ty Thái Sơn; Liên danh Công ty Hòa Hiệp - Tập đoàn CIENCO4 - Công ty Núi Hồng - Vinaconex 2; Liên danh Công ty Licogi16 - Công ty Cổ phần Hạ tầng và phát triển đô thị FECON - Công ty Cổ phần 468.

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Diễn Châu (Nghệ An) được đầu tư theo hình thức PPP có chiều dài gần 50km, tổng mức đầu tư khoảng 8.380 tỷ đồng; trong đó, 2.550 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, còn lại là vốn huy động của nhà đầu tư. (Xem thêm)

Hưng Yên dự kiến vay quỹ OFID làm đường trục Bắc - Nam gần 1.000 tỷ nối 3 huyện

UBND tỉnh Hưng Yên vừa có văn bản gửi HĐND tỉnh xin ý kiến về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường trục Bắc - Nam tại thị xã Mỹ Hào và 3 huyện: Khoái Châu, Yên Mỹ và Văn Lâm.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hưng Yên, dự án xây dựng đường trục Bắc - Nam tỉnh Hưng Yên có tổng mức đầu tư dự kiến 967 tỷ đồng (tương đương gần 42 triệu USD), trong đó nguồn vốn vay quỹ OFID gần 31 triệu USD, vốn đối ứng 11 triệu USD.

Về cơ chế tài chính đối với phần vốn vay quỹ OFID, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cho biết tỉnh vay lại 70% nguồn vốn vay OFID, Chính phủ cấp phát 30%.

Lãnh đạo tỉnh này cũng cho biết trong điều kiện nguồn ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn và hạn chế không thể bố trí toàn bộ cho dự án, việc đề xuất nguồn vốn đầu tư dự án gồm vốn vay quỹ OFID và vốn đối ứng như trên là phù hợp và đảm bảo Nghị định số 97/2018 của Chính phủ.

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2020 – 2023, hình thức đầu tư là xây dựng mới.

Tuyến đường này có tổng chiều dài 15,8km bao gồm điểm đầu từ nút giao giữa QL39 cũ và QL39 mới tại Km10+780, điểm cuối tuyến tại nút giao với đường ĐH.30. (Xem thêm)

Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng 100.000 tỷ đồng sau năm 2020

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai để trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh này gửi tới sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV.

Theo đó, cử tri tỉnh Lào Cai đề nghị Bộ GTVT đầu tư tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435mm tuyến Hà Nội - Lào Cai.

Trả lời kiến nghị cử tri, Bộ GTVT cho biết đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chiến lược, quy hoạch phát triển GTVT đường sắt Việt Nam. Theo đó định hướng nghiên cứu đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dài khoảng 380km, điện khí hóa, khổ 1.435mm (trong đó có đoạn Hà Nội - Lào Cai như đề xuất của cử tri).

"Tuyến đường sắt này sẽ kết nối với cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng để đáp ứng nhu cầu vận tải bằng đường sắt trên hành lang Đông - Tây, tạo động lực phát triển và tăng cường kết nối hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc", Bộ GTVT thông tin.

Cũng theo Bộ GTVT, quy hoạch được phê duyệt đã xác định lộ trình dự kiến nghiên cứu, đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong giai đoạn sau 2020, vì vậy thời gian vừa qua Bộ GTVT chưa triển khai các thủ tục để chuẩn bị đầu tư dự án.

Trường hợp có nhà đầu tư quan tâm để sớm triển khai tuyến đường sắt nêu trên, Bộ GTVT cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương có liên quan để nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Với quy mô dự án lớn, vừa qua Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam phối hợp với tư vấn hỗ trợ kỹ thuật phía Trung Quốc nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt này và cũng đã làm việc với các địa phương (trong đó có tỉnh Lào Cai) để lấy ý kiến thoả thuận về phương án hướng tuyến, vị trí nhà ga… làm cơ sở dành quỹ đất phục vụ dự án đầu tư trong tương lai. (Xem thêm)

Cùng chuyên mục
Tin khác