Giao thông tuần qua: Hà Nội có thêm 10 cầu vượt sông Hồng, 1.950 tỷ xây cầu nối Hải Phòng với Quảng Ninh

Chí Bình - 26/12/2020 15:41 (GMT+7)

(VNF) - Bộ Giao thông Vận tải tái khẳng định sẽ xây dựng thêm 10 cầu vượt sông Hồng đoạn qua Hà Nội; gần 1.950 tỷ đồng xây cầu Bến Rừng nối Hải Phòng với Quảng Ninh; Vietnam Airlines kêu gọi cổ đông cho vay tiền để hỗ trợ thanh khoản... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

VNF
Cầu Trần Hưng Đạo kết nối 2 quận Hoàn Kiếm và Long Biên (Hà Nội).

Đề xuất ngân sách nhà nước góp 9.950 tỷ đồng xây cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu

Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La vừa có tờ trình số 259/TTr – UBND đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu (Sơn La) theo hình thức PPP.

Cụ thể, UBND tỉnh Sơn La với tư cách là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh điểm đầu tuyến đường từ Km66+700, Quốc lộ 6 về điểm giao với đường 70B, xã Yên Mông – TP. Hòa Bình. Việc điều chỉnh này khiến chiều dài toàn dự án chỉ còn 83 km, giảm 2km so với phương án tuyến được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 597/QĐ – TTg ngày 17/5/2019 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

UBND tỉnh Sơn La cũng đề nghị điều chỉnh quy mô thực hiện giai đoạn 1 đối với các đoạn tuyến có điều kiện phát huy hiệu quả sớm, có chi phí đầu tư không quá lớn do chưa phải xây dựng ngay các công trình cầu đặc biệt lớn và các hầm đường bộ. Cụ thể, bề rộng nền đường giai đoạn 1 dự án sẽ chỉ còn 13,5m so với 17m; giai đoạn 2 giữ nguyên quy mô đã được duyệt tại Quyết định số 597.

Với những thay đổi nói trên, tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 sẽ chỉ còn 21.577 tỷ đồng, giảm 717 tỷ đồng so với chủ trương được Thủ tướng phê duyệt trước đó.

Tuy nhiên, đề xuất thay đổi đáng chú ý nhất tại tờ trình số 259 chính là việc UBND tỉnh Sơn La đề nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh loại hợp đồng dự án từ hợp đồng hỗn hợp (kết hợp BOT và BT) sang loại hợp đồng BOT có sự tham gia vốn góp của nhà nước.

Việc điều chỉnh loại hợp đồng dự án cũng khiến cơ cấu nguồn vốn dự án đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu thay đổi theo. Với tổng mức đầu tư điều chỉnh là 21.577 tỷ đồng, phần vốn Nhà nước dự kiến tham gia để đảm bảo tính khả thi dự án lên tới 9.950 tỷ đồng, được chi cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư, một phần chi phí xây dựng; nhà đầu tư huy động 11.627 tỷ đồng (chiếm 54%); ngân sách địa phương tham gia 5.000 tỷ đồng, gồm Hòa Bình 900 tỷ đồng, Sơn La 4.100 tỷ đồng. (Xem chi tiết)

Xây dựng thêm 10 cầu vượt sông Hồng đoạn qua Hà Nội

Đây là một trong những thông tin đáng chú ý trong công văn của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trả lời kiến nghị của cử tri TP. Hà Nội do Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến.

Theo Bộ GTVT, cầu Mễ Sở kết nối huyện Thường Tín, TP. Hà Nội với huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên thuộc đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội. Đường Vành đai 4 đã được Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi làm cơ sở báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Sau khi đầu tư hoàn thành cầu Mễ Sở, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu về tên gọi cầu Mễ Sở theo quy định tại Điều 40 Luật Giao thông đường bộ 2008.

Về nghiên cứu thêm cầu dây văng vượt sông Hồng để giảm tải cầu Mễ Sở, Bộ GTVT cho biết theo quy hoạch phát triển GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016, ngoài cầu Mễ Sở, giai đoạn tới sẽ tiếp tục xây dựng 9 cầu vượt sông Hồng.

Các cầu này bao gồm: cầu Hồng Hà, cầu Thăng Long mới, cầu Tứ Liên, cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), cầu Thượng Cát, cầu Ngọc Hồi, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, cầu Vân Phúc nhằm kết nối giao thông thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân hai bên bờ sông Hồng. (Xem chi tiết)

Gần 1.950 tỷ đồng xây cầu Bến Rừng nối Hải Phòng với Quảng Ninh

HĐND TP. Hải Phòng vừa thông qua quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên (TP. Hải Phòng) và thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh).

Theo đó, dự án sẽ bao gồm các hạng mục: xây mới cầu Bến Rừng vượt sông Đá Bạch có chiều dài khoảng 1.857,6m; xây dựng đường dẫn hai đầu cầu theo quy mô đường cấp III đồng bằng 4 làn xe, mặt cắt ngang đường rộng 22,5m, chiều dài khoảng 340m (đường dẫn lên cầu phía thành phố Hải Phòng khoảng 300m, phía tỉnh Quảng Ninh khoảng 40m); lắp đặt hệ thống chiếu sáng, biển báo hiệu theo quy chuẩn hiện hành.

Tổng mức đầu tư dự án nêu trên là gần 1.950 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách TP. Hải Phòng và ngân sách tỉnh Quảng Ninh. Giai đoạn chuẩn bị và thực hiện dự án từ năm 2021 - 2024. (Xem chi tiết)

Gói thầu gần 2.500 tỷ làm cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 về tay Vinaconex

Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số XL-14 thi công xây dựng đoạn Km318+000 - Km337+478,11 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công), dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45.

Theo quyết định này, đơn vị trúng thầu là liên danh Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) - Công ty Trung Nam E&C. Giá trúng thầu 2.498.3 tỷ đồng với thời gian thực hiện hợp đồng là 24 tháng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Như vậy, đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp cho 5/5 gói thấu (XL-10, XL-11, XL-12, XL-13, XL-14) thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45. (Xem chi tiết)

Vietnam Airlines kêu gọi cổ đông cho vay tiền để hỗ trợ thanh khoản

Theo thông tin từ Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines), ngày 29/12 tới đây, doanh nghiệp này sẽ họp đại hội cổ đông bất thường năm 2020.

Tại đại hội, Vietnam Airlines sẽ họp về 3 vấn đề, bao gồm: phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ cho cổ đông hiện hữu; phương án kiện toàn hội đồng quản trị và đặc biệt là chủ trương kêu gọi các cổ đông cho Vietnam Airlines vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ thanh khoản.

Trước đó, ngày 17/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Trong đó, Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo đó, Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng quy định Luật Chứng khoán.

Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua; đồng thời, cho phép xác định việc đầu tư nêu trên thuộc dự án nhóm A. (Xem chi tiết)

Hải Phòng 'rót' hơn 5.300 tỷ xây dựng cầu Nguyễn Trãi qua sông Cấm

Ngày 22/12, Văn phòng UBND TP. Hải Phòng cho biết Ban Thường vụ Thành ủy thành phố vừa đồng ý chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi. Đây là một trong những công trình kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Hải Phòng.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi có mục tiêu xây dựng trục kết nối Khu đô thị hiện hữu với Khu đô thị mới phía Bắc sông Cấm và các khu công nghiệp chính trên địa bàn thành phố như VSIP, Phà Rừng, Minh Đức, Đình Vũ…

Dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi có chiều dài khoảng 1.451m. Trong đó, cầu chính dự kiến kết cấu là dây văng kết hợp dây võng một mặt phẳng dây với chiều dài khoảng 500m, trụ tháp dạng kim cương, mặt cắt ngang cầu rộng 26,5m với 4 làn cơ giới, 2 làn hỗn hợp và 2 nhánh cầu xuống đường Lê Thánh Tông, nhánh A dài 423m, nhánh B dài 799m.

Địa điểm thực hiện dự án dự kiến tại huyện Thủy Nguyên và quận Ngô Quyền. Tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 5.300 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố. Dự án sẽ được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2020 – 2024. (Xem chi tiết)

Cùng chuyên mục
Tin khác