Giao thông tuần qua: Loạt 'ông lớn' trúng thầu làm cao tốc Bắc - Nam, Vinpearl được thí điểm dịch vụ tàu lặn

Chí Bình - 07/11/2020 14:43 (GMT+7)

(VNF) - Nhiều gói thầu tại các dự án cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo hình thức vốn đầu tư công đã tìm được nhà thầu thi công; Thủ tướng đồng ý cho Vinpearl thí điểm dịch vụ tàu lặn tham quan vịnh Nha Trang; Bộ Giao thông Vận tải huỷ thầu cao tốc Bắc - Nam đoạn QL 45 - Nghi Sơn... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

VNF
Thêm nhiều gói thầu thi công cao tốc Bắc - Nam tìm được "chủ".

Hà Tĩnh: Đề xuất đầu tư 10.000 tỷ đồng xây cao tốc đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng dài 54km

Ban quản lý dự án Thăng Long đã trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng trên tuyến Bắc - Nam phía đông.

Dự án có điểm đầu tại vị trí nút giao với đường Hàm Nghi, TP. Hà Tĩnh (lý trình Km514+300 cao tốc Bắc – Nam phía đông); điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 12C, thị trấn Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh (lý trình Km568+182 cao tốc Bắc – Nam phía đông) với tổng chiều dài 53,88km, đi qua các huyện: Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh).

Ngoài tuyến chính, dự án còn xây dựng đoạn đường nối Quốc lộ 1 với đường cao tốc tại nút giao Hưng Trung với chiều dài 5,5km.

Theo đề xuất của đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án sẽ phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 xây dựng quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 80km/h; trong giai đoạn hoàn chỉnh sẽ mở rộng thành 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m.

Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 là 10.014 tỷ đồng, nếu tính cả chi phí lãi vay là 10.599 tỷ đồng; tổng chi phí đầu tư giai đoạn 2 là 6.676 tỷ đồng.

Dự án dự kiến đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT, trong đó phần vốn nhà nước tham gia dự kiến khoảng 41,76% tổng mức đầu tư; phần còn lại sẽ do nhà đầu tư huy động vốn chủ sở hữu và vốn vay thương mại. Dự án dự kiến sẽ hoàn vốn trong vòng 15 năm. Dự án sẽ chuẩn bị đầu tư từ năm 2020 – 2021 và thực hiện đầu tư từ năm 2022 – 2025. (Xem thêm)

Bộ GTVT huỷ thầu cao tốc Bắc - Nam đoạn QL 45 - Nghi Sơn

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã có quyết định huỷ thầu dự án PPP cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn QL45 - Nghi Sơn do hồ sơ đề xuất kỹ thuật của nhà đầu tư không đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Trước đó, Ban Quản lý dự án 2 (QLDA 2) cũng đề xuất Bộ GTVT đồng ý cho huỷ thầu, lý do, tại thời điểm đóng thầu dự án ngày 5/10/2020, bên mời thầu (Ban QLDA2) đã không nhận được bất kỳ hồ sơ dự thầu nào của nhà đầu tư.

Sau đó, kết thúc thời gian gia hạn đóng thầu (12/10/2020), Ban QLDA2 nhận được hồ sơ dự thầu của một nhà đầu tư là liên danh Công ty Cổ phần Licogi16 - Công ty Cổ phần FECON - Công ty Cổ phần Đầu tư 468 - Công ty TNHH xây dựng Điền Phước - Công ty Cổ phần Hạ tầng và phát triển đô thị FECON.

Căn cứ kiến nghị của Ban QLDA 2, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã chấp thuận đề nghị hủy thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn QL45 - Nghi Sơn do hồ sơ đề xuất kỹ thuật của nhà đầu tư không đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA2 có trách nhiệm tiếp thu, hoàn thiện các ý kiến thẩm định (nếu có), hoàn thiện các thủ tục có liên quan về việc hủy thầu lựa chọn nhà đầu tư và triển khai các bước tiếp theo đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Đây là dự án thứ 2 trong tổng số 5 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo hình thức PPP phải hủy thầu. Bởi, trước đó dự án PPP đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu đã phải hủy thầu do không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu. (Xem thêm)

Hàng loạt 'ông lớn' trúng thầu nghìn tỷ làm cao tốc Bắc - Nam

Thêm 2 gói thầu tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây và 1 gói thầu tại dự án đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết vừa được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thi công.

Theo đó, tại dự án đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đối với 2 gói thầu XL-01 thi công xây dựng đoạn Km00+000-Km16+400 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) và gói thầu XL-04 thi công xây dựng đoạn Km83+000-Km99+000 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công).

Đơn vị trúng thầu gói thầu XL-01 là liên danh Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 8 - Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc - Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường. Giá trúng thầu của gói thầu này là 1.069,5 tỷ đồng, thời gian thi công 24 tháng.

Với gói thầu XL-04, đơn vị trúng thầu là liên danh Tổng công ty Thăng Long - Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 6. Giá trúng thầu của gói thầu là 1.022,5 tỷ đồng, thời gian thi công 24 tháng.

Như vậy, trong 4 gói thầu xây lắp (XL01, XL02, XL03, XL04) tại dự án đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thì đến nay đã có 3 gói thầu "có chủ". Hiện nay, dự án còn lại một gói thầu là gói XL02 phải tổ chức đấu thầu lại do các nhà thầu không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Dự kiến, gói thầu này sẽ kết thúc công tác lựa chọn nhà thầu vào cuối tháng 12/2020.

Tại dự án đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Bộ Giao thông Vận tải cũng vừa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu XL-02 thi công xây dựng đoạn Km154+000 - Km168+000, nút giao Chợ Lầu (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công).

Đơn vị trúng thầu là liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi - Công ty TNHH Nhạc Sơn - Công ty Cổ phần Hải Đăng. Giá trúng thầu của gói thầu là 899,5 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 24 tháng.

Tương tự như đoạn Phan Thiết - Dầu Dây, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết cũng có 4 gói thầu xây lắp (XL-01, XL-02, XL-03, XL-04). Đến nay, dự án đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu của 3 gói thầu (XL01, XL02, XL04). Với gói thầu XL-03, dự kiến sẽ hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu trong tuần này. (Xem thêm)

Thủ tướng đồng ý cho Vinpearl thí điểm dịch vụ tàu lặn tham quan vịnh Nha Trang

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên quan đến thí điểm triển khai hoạt động dịch vụ tàu lặn tại vịnh Nha Trang.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc triển khai thí điểm hoạt động dịch vụ tàu lặn du lịch tham quan tại vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa của Công ty Cổ phần Vinpearl. Thời gian thí điểm là 2 năm kể từ ngày chính thức đi vào hoạt động.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Khánh Hòa và các cơ quan liên quan thống nhất về phạm vi hoạt động, phương án cứu nạn và tổ chức quản lý triển khai thí điểm hoạt động dịch vụ tàu lặn du lịch tham quan tại vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa của Công ty Cổ phần Vinpearl, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái tại vịnh Nha Trang.

Trong quá trình triển khai thí điểm, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra, kiểm soát hoạt động của phương tiện và các hoạt động hỗ trợ khác để đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu rà soát, bổ sung quy định của pháp luật về hoạt động tàu lặn cho phù hợp thực tế hoạt động hàng hải, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. (Xem thêm)

Lập Hội đồng thẩm định nhà nước dự án metro Văn Cao - Hòa Lạc 65.000 tỷ

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt đô thị TP. Hà Nội tuyến số 5, Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc.

Theo quyết định này, chủ tịch hội đồng là bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Phó chủ tịch hội đồng là thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ủy viên của hội đồng gồm đại diện lãnh đạo các bộ: Giao thông Vận tải; Tài chính; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quốc phòng; Công an; Khoa học và Công nghệ; Ngoại giao; Tư pháp; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo UBND TP. Hà Nội.

Trường hợp cần thiết, chủ tịch hội đồng báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thuê tư vấn nước ngoài hoặc liên danh tư vấn trong nước và tư vấn nước ngoài để thẩm tra dự án theo quy định của Chính phủ.

Trước đó, TP. Hà Nội đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án metro Văn Cao - Hòa Lạc với tổng kinh phí hơn 65.000 tỷ đồng.

Cụ thể, theo quy hoạch, dự án metro Văn Cao – Hòa Lạc là tuyến metro số 5 tại Hà Nội. Tuyến được bắt đầu tại khu vực đường Văn Cao giao với đường Hoàng Hoa Thám. Tuyến đi ngầm 2 ống đơn dưới đường Văn Cao, Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng. Sau khi đi ngầm qua ga vành đai 3, tuyến bắt đầu chuyển dần từ đi ngầm sang đi nổi trên mặt đất tại vị trí giữa của giải phân cách đại lộ Thăng Long. (Xem thêm)

Cùng chuyên mục
Tin khác