Giao thông tuần qua: Nhiều địa phương được Chính phủ giao quyền làm cao tốc

Chí Bình - 17/04/2022 09:16 (GMT+7)

(VNF) - Nhiều tuyến cao tốc như Cam Lộ - Lao Bảo, Gò Dầu - Xa Mát, dự án hầm qua đèo Hoàng Liên... đã được Chính phủ đồng ý giao cho các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện.

VNF
Nhiều địa phương được Chính phủ giao quyền làm cao tốc. (Ảnh minh họa)

Giao Quảng Trị triển khai cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo 7.700 tỷ

Thay mặt Thủ tướng, Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký quyết định về việc đồng ý giao UBND tỉnh Quảng Trị làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu UBND tỉnh Quảng Trị chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung đề xuất.

Bộ Giao thông Vận tải được giao kiểm tra, giám sát UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức thực hiện dự án phù hợp quy hoạch, bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả đầu tư theo đúng quy định pháp luật.

Như VietnamFinance đã thông tin, hồi tháng 6/2021, UBND tỉnh Quảng Trị đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải về việc đề nghị xem xét, chấp thuận bổ sung vào đề án xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021- 2025 và định hướng đến năm 2030 để triển khai đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Theo đề xuất của tỉnh Quảng Trị, tuyến cao tốc chạy theo hướng đông tây của tỉnh, nối huyện Cam Lộ với cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, dài 70km, tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 7.700 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 28,31%, thời gian hoàn vốn 19 năm. (Xem thêm)

Giao Tây Ninh triển khai cao tốc Gò Dầu - Xa Mát hơn 5.100 tỷ

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đồng ý giao UBND tỉnh Tây Ninh làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát.

Xét đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh, ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải về việc giao UBND tỉnh Tây Ninh làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (giai đoạn 1, thực hiện đoạn từ Gò Dầu đến TP. Tây Ninh trong giai đoạn 2021-2030), Phó thủ tướng đồng ý giao UBND tỉnh Tây Ninh làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát.

Tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát được quy hoạch dài 65km, với 4 làn xe. Đây là trục giao thông chính chạy dọc theo hướng Bắc - Nam ở tỉnh Tây Ninh, kết nối cao tốc TP. HCM - Mộc Bài, giúp hình thành trục giao thông liên kết TP. Tây Ninh cùng các khu kinh tế, cửa khẩu ở địa phương với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án dự kiến khoảng 5.159 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng, thiết bị khoảng 3.057 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư, chi phí khác và lãi vay trong quá trình xây dựng khoảng 367 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.062 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 673 tỷ đồng. (Xem thêm)

Giao Lai Châu làm chủ dự án hầm qua đèo Hoàng Liên 3.300 tỷ

Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn gửi UBND tỉnh Lai Châu về việc đầu tư dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên, kết nối thị xã Sa Pa (Lào Cai) với huyện Tam Đường (Lai Châu).

Theo đó, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc giao UBND tỉnh Lai Châu là cơ quan chủ quản dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên như đề xuất của tỉnh này.

Người đứng đầu Chính phủ cũng giao UBND tỉnh Lai Châu tiếp thu đầy đủ ý kiến của các bộ, cơ quan và triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Hồi tháng 2 vừa qua, UBND tỉnh Lai Châu đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương đầu tư dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên, kết nối thị xã Sa Pa (Lào Cai).

Cụ thể, dự án này bao gồm tuyến hấm và đường dẫn được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 miền núi với tổng chiều dài tuyến khoảng 8,8km, trong đó phần hầm dài 2,5km; đường dẫn và cầu dài 6,3km. Điểm đầu của dự án nằm tại Km78, Quốc lộ 4D; điểm cuối thuộc phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Công trình có tổng mức đầu tư dự kiến 3.300 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách trung ương thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã giao cho tỉnh Lai Châu là 2.500 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương 800 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trước năm 2025. (Xem thêm)

Dừng đầu tư cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu theo phương thức PPP

Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký quyết định về việc dừng triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu (tỉnh Sơn La) theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Theo đó, Phó thủ tướng quyết định dừng thực hiện dự án xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (tỉnh Sơn La) theo phương thức đối tác công - tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 579 ngày 17/5/2019.

UBND các tỉnh Sơn La, Hòa Bình chịu trách nhiệm toàn diện về đề xuất dừng triển khai dự án; đồng thời có phương án xử lý dứt điểm đối với các nội dung công việc đã thực hiện của dự án trước đây, không để xảy ra tranh chấp, khiếu kiện.

Phó thủ tướng giao UBND tỉnh Sơn La và tỉnh Hòa Bình phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành (trong đó có hình thức đầu tư công) để tiếp tục triển khai đầu tư tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu theo quy hoạch.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng và các cơ quan có liên quan hướng dẫn UBND tỉnh Hòa Bình và tỉnh Sơn La nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp để đầu tư tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu theo quy hoạch, bảo đảm khả thi, kịp thời, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. (Xem thêm)

Tăng tổng mức đầu tư dự án đường nối Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường vành đai 3

Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường vành đai 3.

Theo đó, dự án sẽ được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ hơn 2.535 tỷ đồng lên thành 3.248 tỷ đồng. Nguồn vốn từ ngân sách TP. Hà Nội.

Cũng theo quyết định này, thời gian thực hiện dự án sẽ được điều chỉnh từ năm 2022 đến năm 2025. Các nội dung khác giữ nguyên theo quyết định năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện đối với kết quả thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

UBND TP. Hà Nội chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về thông tin số liệu báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án; chịu trách nhiệm bố trí vốn đầy đủ và kịp thời theo đúng quy định hiện hành, triển khai thực hiện và hoàn thành dự án đúng theo tiến độ được phê duyệt; bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và tránh thất thoát, lãng phí. (Xem thêm)

Xem xét chuyển sân bay Đồng Hới thành sân bay quốc tế

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về quy hoạch sân bay Đồng Hới.

Theo đó, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đồng ý với báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải về quy hoạch sân bay Đồng Hới.

Phó thủ tướng giao UBND tỉnh Quảng Bình tiếp thu ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải, chủ động nghiên cứu, kêu gọi các hãng hàng không khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ đi/đến sân bay Đồng Hới.

Đặc biệt, Phó thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Bình làm việc với Bộ Giao thông Vận tải khi khai thác ổn định các chuyến bay quốc tế thường lệ đến sân bay Đồng Hới để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chuyển thành sân bay quốc tế. (Xem thêm)

Cùng chuyên mục
Tin khác