Giao thông tuần qua: Thủ tướng 'tuýt còi' việc sáp nhập CIPM vào VEC, Tổng giám đốc PMU 7 bị phê bình

Chí Bình - 10/05/2020 12:36 (GMT+7)

(VNF) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vẫn loay hoay trong việc lựa chọn kịch bản nào sau khi "xoá sổ" Tổng công ty Cửu Long (CIPM); Do sức giải ngân thấp, ông Nguyễn Chung Khánh, Giám đốc Ban Quản dự dự án 7 (PMU 7) đã bị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nghiêm khắc phê bình... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

VNF
Cao tốc TP. HCM - Trung Lương, một dự án do CIPM quản lý nhưng có khá nhiều tai tiếng.

Thủ tướng 'tuýt còi' việc sáp nhập Tổng Công ty Cửu Long vào VEC

Đến thời điểm này, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vẫn loay hoay trong việc lựa chọn kịch bản nào sau khi "xoá sổ" Tổng Công ty Cửu Long (CIPM). Được biết, đề án CIPM sáp nhập với Tổng Công ty đường cao tốc đã bị "tuýt còi", bên cạnh đó, việc chuyển CIPM thành Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cũng đang gặp nhiều vướng mắc.

Cuối tháng 4/2020, đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã có cuộc họp nghe báo cáo quá trình đề nghị thành lập Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận. Đáng chú ý, các đơn vị tham mưu đề xuất chuyển Tổng Công ty Cửu Long thành CIPM trở thành Ban QLDA Mỹ Thuận. 

Theo các chuyên gia giao thông, "nếu điều này xảy ra, đây là việc "bình cũ" trở lại, bởi trước đó tiền thân của CIPM chính là Ban QLDA cầu Mỹ Thuận"

Để làm rõ hơn về vấn đề này, ông Vũ Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công-tư, Bộ GTVT cho biết: Năm 1994, để thực hiện công tác quản lý đầu tư xây dựng Dự án cầu Mỹ Thuận, Bộ GTVT đã thành lập Ban Quản lý dự án (QLDA) cầu Mỹ Thuận, đồng thời quản lý một số dự án khác. Để phù hợp với nhiệm vụ, phạm vi quản lý dự án, năm 1995, Bộ GTVT đã đổi tên Ban QLDA cầu Mỹ Thuận thành Ban QLDA Mỹ Thuận.

Sau đó, để thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về thí điểm chuyển đổi mô hình từ đơn vị sự nghiệp sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã xây dựng Đề án thành lập Tổng công ty Cửu Long trên cơ sở chuyển đổi Ban QLDA Mỹ Thuận và sáp nhập một số đơn vị thuộc Bộ GTVT tại khu vực phía Nam.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, ngày 20/7/2011, Bộ GTVT đã có Quyết định số 1589/QĐ-BGTVT thành lập Tổng công ty Cửu Long trên cơ sở chuyển đổi Ban QLDA Mỹ Thuận và một số công ty phía nam, tổ chức và hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con.

Theo quyết định thành lập, Tổng công ty Cửu Long có chức năng quản lý các dự án công trình hạ tầng giao thông, có trách nhiệm kế thừa các quyền, nhiệm vụ và nghĩa vụ hợp pháp của Ban QLDA Mỹ Thuận theo quy định của pháp luật, thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư hoặc đại diện chủ đầu tư các dự án Ban QLDA Mỹ Thuận đang quản lý.

Mô hình này cũng tương tự như mô hình tại Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khi tiền thân của VEC là Ban quản lý dự án đường cao tốc.

Sau một thời gian dài thí điểm và triển khai thực hiện cả CIPM và VEC đều lộ rõ những bất cập. Vì thế, riêng với CIPM, Bộ GTVT đang đề xuất hướng sáp nhập vào VEC hoặc thành lập trở lại dưới mô hình Ban QLDA với cái tên "Ban QLDA Mỹ Thuận". (Xem thêm)

Bộ Giao thông 'phê bình nghiêm khắc' Tổng giám đốc PMU 7 Nguyễn Chung Khánh

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể vừa có cuộc họp riêng với Ban Quản dự dự án 7 (PMU 7) về tiến độ thực hiện các dự án do Ban này phụ trách. Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng yêu cầu nghiêm khắc phê bình giám đốc PMU 7 Nguyễn Chung Khánh và nhiều lãnh đạo ban do sức giải ngân thấp.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, hiện PMU 7 quản lý nhiều dự án quan trọng thuộc thu vực phía Nam, đặc biệt có 4 công trình giao thông trọng điểm gồm: Cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, cầu Mỹ Thuận 2, dự án nâng cấp QL53 Trà Vinh - Long Toàn và dự án nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp.

Ngoài ra, Ban này còn 2 dự án nâng cấp QL53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn và nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, mỗi dự án đều đã khởi công hai gói thầu xây lắp từ đầu năm 2020, khối lượng hiện nay chủ yếu là đào, đắp cát nền đường.

Theo kết luận của Bộ GTVT, "mặc dù Ban QLDA 7 được phụ trách nhiều dự án lớn, công trình cấp bách của ngành GTVT với tổng số nguồn đầu tư rất lớn nhưng trong quá trình thực hiện hầu hết tiến độ các dự án triển khai chậm, không đảm bảo đúng tiến độ giải ngân đã giao năm 2020 có nguy cơ ảnh hưởng chung của các dự án".

"Bên cạnh đó, việc tổ chức bộ máy, phân công nhiệm vụ điều hành các dự án còn hạn chế, thiếu tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ được giao, việc phối hợp với các cơ quan tham mưu thuộc Bộ trong triển khai thực hiện nhiệm vụ còn nhiều hạn chế".

"Bộ GTVT nghiêm khắc phê bình đồng chí giám đốc, tập thể lãnh đạo Ban và toàn thể PMU7 về kết quả giải ngân thấp, triển khai các dự án chậm so với yêu cầu đề ra", công văn nêu rõ.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT yêu cầu PMU7 phối hợp với Cục quản lý xây dựng khẩn trương rà soát việc phân chia số lượng gói thầu các dự án. Nếu chưa tổ chức đấu thầu kịp thời điều chỉnh, nghiên cứu gộp các gói thầu nhỏ, đảm bảo tính hợp lý, tập trung, thống nhất, thuận tiện trong quá trình triển khai dự án. (Xem thêm)

Khởi công gói thầu đầu tiên trong dự án nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam 7.000 tỷ đồng

Ngày 8/5, tại tỉnh Quảng Nam, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã khởi công gói thầu XL-CY-01 tại cầu đường sắt Ông Ngọ (thị xã Điện Bàn). Đây là gói thầu đầu tiên thuộc dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP. HCM, với tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng.

Theo đó, gói thầu XL-CY-01 là 1 trong 11 gói thầu xây lắp dự án cầu yếu. Gói thầu này gồm 6 công trình cầu đường sắt thuộc địa phận TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam với giá trị hợp đồng là 82,7 tỷ đồng, do liên danh Công ty tư vấn xây dựng và thương mại Hưng Phú và Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng giao thông vận tải thực hiện

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng đây là 1 trong 4 dự án đường sắt cấp bách, quan trọng nhằm nâng cao năng lực vận tải đường sắt, nâng cao tốc độ chạy tàu, cũng như đảm bảo an toàn chạy tàu toàn tuyến Bắc - Nam. Dự án này sau khi hoàn tất sẽ từng bước thay thế các cầu yếu cũng như đồng nhất tải trọng khai thác toàn tuyến lên 4,2 tấn/mét.

Được biết gói dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên toàn tuyến này gồm 129 cây cầu với tổng mức đầu tư lên đến 1.949 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ nay đến hết năm 2021.

Gói 7.000 tỷ đồng nhằm thực hiện 4 dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM (trong đó Ban Quản lý dự án đường sắt được Bộ GTVT giao quản lý 3 dự án, Ban Quản lý dự án 85 quản lý 1 dự án), được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 556 ngày 31/7/2018 về phương án sử dụng 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. (Xem thêm)

Quảng Ninh làm đường 6 làn xe nối cao tốc Hạ Long – Hải Phòng với thị xã Đông Triều

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh này vừa chủ trì cuộc họp, nghe và cho ý kiến về quy hoạch dự án đường ven sông nối cao tốc Hạ Long – Hải Phòng với thị xã Đông Triều.

Theo đó, Quảng Ninh quyết định đầu tư tuyến đường ven sông nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với thị xã Đông Triều nhằm tạo động lực thúc đẩy sự phát triển cho toàn khu vực phía Tây, tăng sức hấp dẫn thu hút nhà đầu tư trong, ngoài nước vào các huyện Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều và tăng tính liên kết mạnh mẽ hơn cho tam giác kinh tế Quảng Ninh - Hà Nội - Hải Phòng.

Tại cuộc họp, đơn vị tư vấn đã đề xuất 3 phương án tiền khả thi để tỉnh cân đối, lựa chọn phù hợp với định hướng, mục tiêu phát triển tại các khu vực tuyến đường đi qua.

Phương án thứ nhất là đường tránh đô thị có chiều dài 52,1km, tổng quỹ đất khai thác sau đầu tư 8.900ha, giảm thiểu ảnh hưởng đến hiện trạng và quy hoạch dự án đã có, giải quyết ách tắc giao thông hiện tại trên QL18.

Phương án thứ hai là trục cảnh quan ven sông, tuyến đường sẽ bám sát sông có đường dài 54,6km, quỹ đất khai thác sau đầu tư khoảng 10.000ha, tuy nhiên chỉ khai thác được một bên, giảm hiệu quả đầu tư, một số điểm di tích bị ảnh hưởng.

Phương án thứ ba là giao thông và dịch vụ có đường dài 51,4km, quỹ đất khai thác sau đầu tư 9.800ha, phát huy được quy hoạch đã có, chi phí GPMB thấp, khai thác được 2 bên tuyến gắn với các khu đô thị, đầu mối giao thông, hình thành hành lang ven sông bảo vệ không gian sinh thái.

Sau khi nghe báo cáo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng, đánh giá phương án ba là khả thi, phù hợp với định hướng phát triển tuyến đường chiến lược, động lực khu vực miền Tây của tỉnh. Do đó, sẽ tập trung nghiên cứu theo phương án đề xuất này.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng thống nhất quy mô tuyến đường giai đoạn đầu tư 2021-2026 là 6 làn xe, giai đoạn tiếp theo sẽ mở rộng lên 10 làn xe và căn cứ theo tình hình phát triển thực tế khu vực tuyến đi qua. (Xem thêm)

TP. HCM muốn xây tuyến metro Bến Thành - Tân Kiên gần 68.000 tỷ đồng

UBND TP. HCM vừa có công văn kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, lựa chọn đề xuất dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3A (Bến Thành - Tân Kiên), trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Tuyến metro số 3A là một trong những tuyến huyết mạch, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành và xây dựng hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn của TPHCM.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ kết nối trực tiếp với tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tạo thành hành lang vận chuyển hành khách công cộng hiện đại, xuyên tâm, liên kết khu vực Đông Bắc và Tây Nam của TP. HCM.

Được biết, dự án tuyến metro số 3A được nghiên cứu và tư vấn bởi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Theo đó, JICA đề xuất dự án metro số 3A chiều dài toàn tuyến gần 20 km, đi qua 8 quận, huyện tại TP. HCM. Toàn tuyến có 18 nhà ga, với tổng mức đầu tư dự kiến vào khoảng 313 tỷ Yên (tương đương gần 68.000 tỷ đồng).

JICA cũng đề xuất phân kỳ đầu tư dự án thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn I từ Bến Thành đến Bến xe Miền Tây, dài 9,9 km chủ yếu đi ngầm, dự kiến được đầu tư xây dựng từ năm 2025-2031. Giai đoạn II sẽ từ Bến xe Miền Tây đến Depot Tân Kiên, dài 9,7km, đi trên cao, đầu tư từ năm 2028-2034. (Xem thêm)

Hà Nội sắp có thêm bến xe 'khủng' tại Đông Anh

UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt quy hoạch chi tiết bến xe khách Đông Anh. Theo đó, bến có quy mô 74.239m2 sẽ được xây dựng tại nút giao giữa Quốc lộ 3 và đường Vành đai 3 thuộc xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh.

Cụ thể, phía Bắc bến xe giáp đường Vành đai 3 theo quy hoạch; phía Nam giáp Công ty cổ phần Cơ khí Đông Anh Licogi, Nhà máy Nhôm Đông Anh; phía Đông giáp khu dân cư thôn Đản Mỗ; phía Tây giáp quốc lộ 3 và nút giao cắt khác mức giữa quốc lộ 3 - đường Vành đai 3.

Theo quy hoạch, bến xe Đông Anh sẽ có các công trình gồm nhà điều hành (cao 3 tầng) được bố trí ở khu vực trung tâm bến xe, có kiến trúc mặt đứng được thiết kế hiện đại, mang đặc trưng của một bến xe liên tỉnh; nhà chờ cho xe khách và bãi đỗ các loại phương tiện giao thông công cộng; điểm đầu cuối xe buýt (cao 1 tầng).

Bãi đỗ xe sẽ được bố trí mái che tại khu vực đón trả khách, đan xen các tuyến cây xanh trong từng khu vực của bãi đỗ. Ngoài ra, còn có công trình dịch vụ thương mại (cao 9-12 tầng) được bố trí thấp dần về phía khu dân cư xã Uy Nỗ để hài hòa với cảnh quan hiện trạng.

Bến xe khách Đông Anh sẽ đóng vai trò vận tải hành khách từ các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn vào trung tâm Hà Nội và điều tiết, hỗ trợ đảm nhận một phần lưu lượng vận tải từ các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu. (Xem thêm)

Mâu thuẫn về giá cả, nhà thầu căng băng rôn trên tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên

Do những mâu thuẫn về giá cả giữa thầu phụ và nhà thầu gói thầu CP2 tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) , Tp. Hồ Chí Minh, ngày 9/5/2020, Công ty Cổ phần Cơ điện Liên Thành Việt Nam đã tụ tập, căng băng rôn ngoài ranh của khu depot nhằm khiếu nại và tạo áp lực lên nhà thầu chính. tự ý treo băng rôn trên công trình và bị các cơ quan chức năng giải tán...

Được biết, Công ty Cổ phần Cơ điện Liên Thành Việt Nam là nhà thầu phụ gói thầu số 2, ký hợp đồng với Công ty GS Engineering & Construction Corp (nhà thầu chính gói thầu CP2 - đoạn trên cao và các depot thuộc tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên) từ năm 2017.

Trong quá trình thực hiện, các thiết kế thay đổi trong năm 2019 dẫn đến hai bên mâu thuẫn về giá cả và nhà thầu chính ngừng thanh toán một số hạng mục…

Trao đổi với VietnamFinance, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM khẳng định: việc khiếu nại tại hiện trường vào sáng 9/5 không phù hợp.

Việc này do Công ty Cổ phần Cơ điện Liên Thành Việt Nam tự ý tụ tập, căng biểu ngữ ngoài ranh của depot để gây sự chú ý, tạo áp lực lên nhà thầu chính. Điều này, không ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng nhưng đã ảnh hưởng đến hình ảnh của dự án tuyến metro số 1.

Lãnh đạo Ban Quản lý Đường sắt đô thị đã mời đại diện Tổng thầu là Ông IHara - Giám đốc gói thầu CP2 - đoạn trên cao và depot thuộc tuyến metro số 1 để làm việc và yêu cầu Tổng thầu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, nhanh chóng giải quyết vấn đề, không được để tình trạng khiếu nại làm đình trệ công việc và ảnh hưởng tiến độ chung của dự án. Đồng thời phải giải quyết các phát sinh, tranh chấp trên tinh thần tuân thủ pháp luật và hợp đồng đã ký.

Trong đầu tuần tới, Ban Quản lý đường sắt đô thị sẽ làm việc với các bên liên quan để tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc trên cơ sở hợp đồng đã ký giữa các bên. (Xem thêm)

Cùng chuyên mục
Tin khác