Giao thông tuần qua: Cao tốc Bắc-Nam chưa khởi công đã đội vốn nghìn tỷ, Bộ Công an nói về sai phạm của VEC

Chí Bình - 19/04/2020 11:25 (GMT+7)

(VNF) - Hiện nay, kinh phí giải phóng mặt bằng cho các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam đã đội vốn lên tới cả nghìn tỷ đồng; Bộ Công an đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những sai phạm tại Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) liên quan đến việc xây dựng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

VNF
Cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã đội vốn nghìn tỷ vì chậm giải phóng mặt bằng. (Ảnh minh hoạ)

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông: 'Đội vốn nghìn tỷ vì chậm giải phóng mặt bằng'

Báo cáo của Bộ GTVT cho thấy, năm 2019, có 10/11 dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam đã được cấp 5.185 tỷ đồng, các địa phương đã cấp 4.748 tỷ đồng cho công tác GPMB. Theo kế hoạch, các tỉnh sẽ cơ bản bàn giao phần đất nông nghiệp trong năm 2019, hành thành GPMB vào Quý II/2020. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương đều không đạt chỉ tiêu đề ra.

Đáng chú ý, trong năm 2020, Bộ GTVT tiếp tục cấp 5.103, tỷ đồng và hiện các địa phương đã giải ngân 255,5 tỷ đồng (đạt 5%) cho công tác GPMB.

Nhưng hiện trạng thực tế tại nhiều địa phương chưa hoàn thành công tác bồi thường đất nông nghiệp, bồi thường đất ở (đang ở phương án, chưa được phê duyệt).

Do giải phóng mặt bằng chậm, việc đội vốn là điều khó tránh khỏi, nhẩm tính 10/11 cao tốc Bắc - Nam đã đội vốn lên tới cả nghìn tỷ đồng.

Bộ GTVT cho biết: Hiện nay, kinh phí GPMB thực tế tăng vượt tổng mức đầu tư của Tiểu dự án GPMB (bao gồm cả chi phí dự phòng).

Ví dụ như dự án Mai Sơn – QL45 tăng khoảng 305 tỷ, dự án QL45 – Nghi Sơn tăng khoảng 541 tỷ, dự án Nghi Sơn - Diễn Châu tăng khoảng 443 tỷ, dự án Diễn Châu - Bãi Vọt tăng khoảng 390 tỷ, dự án Cam Lộ - La Sơn tăng khoảng 190 tỷ...

Bộ GTVT đã yêu cầu các Ban quản lý dự án khẩn trương kiểm tra, rà soát kinh phí GPMB tại các địa phương, báo cáo ngay về Bộ GTVT vào cuối tháng 4/2020 để xem xét, xử lý vấn đề này. (Xem thêm)

Thủ tướng yêu cầu giám sát chất lượng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai đầu tư dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Trước đó, trên một số phương tiện thông tin truyền thông có phản ánh, “chất lượng vật liệu ở gói thầu XL10 thuộc dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận không đạt chất lượng”.

Sau khi ghi nhận từ các thông tin phản ảnh trên, Ban điều hành Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã khẩn trương phối hợp với Công ty Cổ phần An ninh Đèo Cả (đơn vị cung cấp dịch vụ bảo vệ dự án) đã tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin…

Ngày 13/3/2020, tư vấn giám sát dự án đã kiểm tra và từ chối, buộc hủy bỏ 1 sà lan cấp phối đá dăm (CPĐD) loại 1 do không đảm bảo chất lượng. Đối với việc tập kết CPĐD của gói thầu XL10, nguồn vật liệu 310m3 CPĐD loại 1 được lấy từ mỏ Thạnh Phú 2.

Phương pháp sản xuất CPĐD loại 1 được nhà cung cấp là Công ty Khánh Cường thực hiện mua các loại đá kích cỡ khác nhau để đảo trộn thành CPĐD loại 1, thay vì đặt hàng cho mỏ Thạnh Phú 2 sản xuất.

Sau đó, Ban điều hành Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã đình chỉ vai trò cung cấp vật liệu cho dự án đối với Công ty Khánh Cường, cảnh cáo Ban điều hành gói thầu XL-10, TVGS trưởng, thay thế giám sát viên do chưa tuân thủ quy trình kiểm soát chất lượng dự án, tạm đình chỉ toàn bộ công việc nhập vật liệu CPĐD loại 1 cho dự án đối với mỏ Thạnh Phú 2 cho đến khi chứng minh được dây chuyền, công nghệ sản xuất.

Sau khi kiểm tra và ghi nhận thông tin từ Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT cùng với UBND tỉnh Tiền Giang và các cơ quan, đơn vị có liên quan giám sát chặt chẽ chất lượng thi công dự án theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm tiến độ, hiệu quả, tuyệt đối không để xảy ra vi phạm tương tự như thời gian vừa qua. (Xem thêm)

Thủ tướng yêu cầu rà soát việc lập hãng hàng không Cánh Diều

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không Cánh Diều (Kite Air).

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT rà soát, xem xét chặt chẽ việc lập thêm các hãng hàng không mới trong tình hình mới, làm sao đảm bảo tốt nhất việc quản lý nhà nước về hàng không, phát triển bền vững; báo cáo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng xem xét, quyết định.

Trước đó, ngày 2/3, Bộ KH-ĐT đã có văn bản số 1297 đề nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không Cánh Diều (Kite Air).

Bộ KH-ĐT cho rằng, dự án vận tải hàng không Cánh Diều của Công ty CP hàng không Thiên Minh đủ điều kiện để Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.

Dự kiến số lượng tàu bay khai thác năm đầu tiên của Kite Air là 6 chiếc ATR72 hoặc tương đương và tăng dần qua các năm, đến năm thứ 6 sẽ có 25 máy bay, trong đó có 15 chiếc Airbus320/321 hoặc tương đương.

Tổng vốn của Kite Air là 5.500 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 1.000 tỉ đồng (chiếm 18% tổng vốn đầu tư), vốn vay 4.500 tỉ đồng (chiếm 82% tổng mức đầu tư); địa điểm thực hiện tại cảng hàng không Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. (Xem thêm)

Di chuyển thế nào trong đợt cách ly toàn xã hội lần 2

Bộ GTVT vừa phát đi thông báo về việc phân bố vận chuyển hành khách nội tỉnh, liên tỉnh; áp dụng từ ngày 17/4 đến hết ngày 22/4/2020.

Theo đó, Bộ GTVT cho biết việc vận chuyển hành khách thuộc 3 nhóm địa phương, gồm: nhóm có nguy cơ cao (nhóm I); nhóm có nguy cơ (nhóm II) và nhóm có nguy cơ thấp (nhóm III).

Đối với nội tỉnh, Bộ GTVT giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định cụ thể việc vận chuyển hành khách bằng các phương tiện công cộng (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải) theo các cấp độ (yêu cầu, hạn chế, khuyến cáo đối với các hoạt động của 3 nhóm tỉnh, thành phố).

Đối với liên tỉnh, ở lĩnh vực đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, Bộ GTVT chỉ đạo các tỉnh thuộc nhóm I, nhóm II không thực hiện vận chuyển hành khách liên tỉnh, từ trường hợp vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa.

Với các tỉnh thuộc nhóm III, Bộ GTVT yêu cầu chỉ được thực hiện vận chuyển hành khách liên tỉnh giữa các tỉnh trong nhóm III với nhau.

Đối với hàng không, Bộ GTVT yêu cầu các hãng tiếp tục khai thác 6 chuyến/ngày cho đường bay Hà Nội - TP. HCM. Với đường bay Hà Nội - Đà Nẵng, các hãng chỉ thực hiện 2 chuyến bay/ngày và đường bay TP. HCM - Đà Nẵng cũng thực hiện 2 chuyến/ngày.

“Ngoài 3 đường bay trên, các hãng hàng không có nhu cầu khai thác lập kế hoạch gửi đến Cục Hàng không Việt Nam để xem xét, quyết định trên cơ sở tình hình dịch bệnh tại các địa phương liên quan…” Bộ GTVT cho biết.

Đối với tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM, Bộ GTVT yêu cầu đơn vị vận hành chỉ được khai thác tối đa 2 đôi tàu khách/ngày (2 chuyến Hà Nội đi TP. HCM và 2 chuyến ngược lại); ngoài ra, tiếp tục tạm dừng toàn bộ hoạt động của tàu khách địa phương.

'Hé lộ' nội dung Bộ Công an báo cáo Thủ tướng sai phạm của 'ông trùm' cao tốc VEC

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng vừa có văn bản yêu cầu lấy ý kiến việc xử lý vụ án vi phạm quy định xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng tại Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC), kết quả gửi về Văn phòng chính phủ để báo cáo Thủ tướng.

Trước đó, Bộ Công an đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những sai phạm tại VEC liên quan đến việc xây dựng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Ngày 27/6, Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án hình sự số 43/CO3 -P13 về tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại VEC và các đơn vị liên quan.

Kết quả điều tra cho thấy, có đủ căn cứ xác định quá trình thực hiện dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, mặc dù là công trình trọng điểm quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ ra chủ trương đầu tư, Bộ GTVT ký quyết định đầu tư, có kinh phí rất lớn là 34,5 nghìn tỷ đồng nhưng quá trình thực hiện thi công, tư vấn giám sát, nhà thầu đã không tuân thủ các quy định về pháp luật gây hư hỏng nghiêm trọng.

"Tại 7/7 gói thầu thuộc 65km giai đoạn 1 của dự án này phần nền, móng và mặt đường đều không đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, đây là nguyên nhân gây hư hỏng công trình, đặc biệt là khi gặp nắng nóng kéo dài hay mưa nắng đột ngột. Đối với các gói thầu thuộc giai đoạn 2 của 74,2km (từ Tp. Tam Kỳ, Quảng Nam đến Quảng Ngãi), dù mới đưa và sử dụng năm 2018 cũng đã xảy ra nhiều điểm hư hỏng", văn bản của Bộ Công an nêu rõ.

Ông Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết thêm: "Từ những chứng cứ sai phạm nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công an thấy đủ căn cứ xác định công trình xây dựng tại các gói thầu thuộc giai đoạn 1 của cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không đảm bảo chất lượng do các đơn vị thi công gây ra. Hành vi vi phạm của các đối tượng tại các đơn vị thi công, giám sát, tư vấn giám sát... có đủ dấu hiệu phạm tội về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 298 - Bộ luật Hình sự năm 2015". (Xem thêm)

Chủ tịch ACV: Dự án sân bay Long Thành sẽ khởi công vào tháng 5/2021

Bộ GTVT vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về tình hình thực hiện dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai).

Báo cáo nêu rõ Bộ GTVT và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã lựa chọn kiến trúc nhà ga và hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định nhà nước, đang dự thảo báo cáo thẩm định dự án, trong tháng 4 này có thể hoàn thành báo cáo thẩm định để trình Thủ tướng phê duyệt.

Cũng theo báo cáo của Bộ GTVT, dự án hiện còn gặp một số khó khăn do diện tích thu hồi thực tế của nhiều trường hợp tăng hoặc giảm so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giá đất sau khi cập nhật khác nhiều so với bước lập dự án...

Tuy nhiên, theo phía ACV, phần diện tích cần đảm bảo để khởi công dự án là diện tích của Tổng công ty Cao su Đồng Nai hiện đã cơ bản hoàn thành. Do đó, ACV khẳng định tiến độ chung của toàn bộ dự án sẽ không bị ảnh hưởng.

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV, cũng khẳng định đơn vị hoàn toàn tự tin có thể đảm bảo được tiến độ, chất lượng dự án nếu được giao đầu tư sân bay Long Thành.

"ACV cam kết sẽ nỗ lực tối đa để hoàn thành dự án vào năm 2025. Ngay cả khi bị ảnh hưởng nặng nề về sản xuất kinh doanh do dịch Covid-19, trong kế hoạch dự kiến điều chỉnh năm 2020 và trung hạn, ACV vẫn ưu tiên cân đối đủ nguồn lực cho các dự án trọng điểm, cấp thiết, đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Long Thành", Chủ tịch ACV nhấn mạnh.

Chủ tịch ACV cũng cho biết việc triển khai thiết kế kỹ thuật hạng mục san nền sẽ bắt đầu vào tháng 7/2020, khởi công dự án vào tháng 5/2021. Thời gian hoàn thành thi công xây dựng tất cả các hạng mục dự kiến là tháng 12/2025. (Xem thêm)

Cùng chuyên mục
Tin khác