Giao thông tuần qua: TP. HCM đề xuất làm 5 tuyến đường sắt, Vietravel Airlines đón máy bay đầu tiên

Chí Bình - 06/12/2020 09:52 (GMT+7)

(VNF) - TP. HCM đề xuất xây dựng 5 tuyến đường sắt để đảm bảo vận chuyển hàng hóa thông suốt, kết nối các nhóm cảng biển quan trọng; chiếc máy bay đầu tiên của Vietravel Airlines đã hạ cánh tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

VNF
Máy bay đầu tiên của Vietravel Airlines về Việt Nam.

TP. HCM đầu tư 3.272 tỷ đồng cho tuyến xe buýt nhanh

UBND TP. HCM vừa có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư phát triển giao thông xanh (tuyến xe buýt nhanh BRT số 1) với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 3.272 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB).

Tuyến BRT số 1 dài 26 km, chạy dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ. Điểm đầu tuyến tại vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) và điểm cuối tại ga Rạch Chiếc (quận 2). Sau khi bến xe Miền Tây mới (huyện Bình Chánh) hoàn thành, lộ trình tuyến sẽ được nối dài đến bến xe này.

Trong giai đoạn đầu, tuyến BRT số 1 có 42 xe sử dụng khí nén thiên nhiên với sức chứa 60 - 72 hành khách. Tuyến xe buýt nhanh đầu tiên của TP. HCM chạy với tốc độ di chuyển 60km/giờ trên làn đường riêng được bố trí trên hai làn sát dải phân cách trung tâm. Dải phân cách bêtông sẽ được dùng để phân cách giữa làn BRT và làn xe khác. Dọc theo tuyến có 28 trạm dừng, 2 trạm trung chuyển (Hải Thượng Lãn Ông, Hàm Nghi), 1 nhà ga Rạch Chiếc và bãi hậu cần tại Thủ Thiêm rộng hơn 13.000 m2.

Theo quy hoạch, TP có 6 tuyến buýt nhanh. Ngoài tuyến buýt BRT trên còn có 5 tuyến khác gồm: tuyến đường Nguyễn Văn Linh - cầu Phú Mỹ (dài 24 km); Vành đai 2 (từ An Sương - bến xe miền Tây, dài 19 km); Tân Sơn Nhất - Bình Lợi (từ Kha Vạn Cân đến công viên Hoàng Văn Thụ dài 14,5 km); Thoại Ngọc Hầu - Vành đai trong (từ ngã tư Bốn Xã - Nguyễn Văn Linh dài 8,7 km) và đường Quang Trung (dài 8,5 km). (Xem chi tiết)

Gần 1.900 tỷ xây 2 hầm chui qua đường vành đai 3 Hà Nội

UBND TP. Hà Nội vừa giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì cùng Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan xem xét phương án đề xuất đầu tư xây dựng nút giao thông Hoàng Quốc Việt và nút giao thông Cổ Nhuế của Ban Quản lý dự án Thăng Long.

Trước đó, Ban Quản lý dự án Thăng Long đề xuất phương án đầu tư 2 nút giao thông trên từ nguồn vốn dư của dự án xây dựng cầu cạn đường vành đai 3 nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông Thủ đô theo quy hoạch, bảo đảm an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc.

Cụ thể, tại nút giao thông Hoàng Quốc Việt, sẽ nghiên cứu phương án bố trí hầm dọc theo đường Hoàng Quốc Việt qua đường vành đai 3. Phương án xây dựng bao gồm phần hầm kín dài khoảng 110m, phần hầm hở dài mỗi bên 95m; thiết kế mới đường Hoàng Quốc Việt kéo dài theo quy mô quy hoạch rộng 50m đến nút giao với đường Trần Vỹ. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án này hơn 880 tỷ đồng.

Với nút giao thông Cổ Nhuế, Ban Quản lý dự án Thăng Long đề xuất nghiên cứu phương án bố trí hầm dọc theo đường Tây Hồ Tây qua đường vành đai 3. Phương án xây dựng bao gồm phần hầm kín dài khoảng 275m, phần hầm hở mỗi bên dài 100m. Dự kiến tổng mức đầu tư phương án này hơn 1.010 tỷ đồng. (Xem chi tiết)

3 liên danh cạnh tranh gói thầu cuối cùng làm cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45

Ban Quản lý dự án Thăng Long vừa tổ chức mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật gói thầu XL-14 thi công xây dựng đoạn Km318+000 - Km337+478,11 (bao gồm cả khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công), dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45.

Theo đó, có 3 liên danh nhà thầu tham gia đấu thầu gói thầu XL-14, gồm: liên danh Công ty TNHH Nhạc Sơn - Tổng Công ty Thăng Long - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính; liên danh Công ty TNHH Định An - Tổng công ty 319; liên danh Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam - Công ty Trung Nam E&C.

Dự kiến, gói thầu này sẽ hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu để tổ chức triển khai thi công vào cuối tháng 12/2020. Trước đó, do các nhà thầu dự thầu không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu nên gói thầu XL-14 đã phải tổ chức đấu thầu lại.

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 có tổng cộng 5 gói thầu xây lắp. Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp cho 4 gói thấu (XL-10, XL-11, XL-12, XL-13).

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 đi qua địa phận 2 tỉnh là Ninh Bình, Thanh Hóa với chiều dài toàn tuyến khoảng 63,37km.

Tổng mức đầu tư dự án là 12.111 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.684 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án Thăng Long tổ chức thực hiện và quản lý. (Xem chi tiết)

Thụy Điển đề xuất cho Việt Nam vay 2 tỷ USD phát triển hàng không

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể vừa có buổi tiếp và làm việc với đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Điển tại Việt Nam Ann Mawe, về hợp tác hai bên lĩnh vực hàng không.

Tại buổi tiếp, đại sứ Ann Mawe cho biết tại cuộc họp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Stefan Löfven tại Thụy Điển vào ngày 27/5/2019, Thủ tướng Thụy Điển đã trao ý định thư đề xuất Thụy Điển sẽ cho Việt Nam vay một khoản tín dụng 1 tỷ USD cho mục đích hàng không.

Đến nay, Cơ quan Tín dụng xuất khẩu Thụy Điển và Tập đoàn Tín dụng xuất khẩu Thụy Điển đề xuất tăng hạn mức tín dụng này lên 2 tỷ USD cho các dự án nâng cấp, mở rộng quản lý không lưu và dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, nhà ga hành khách T3 sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

“Chúng tôi xin trao tới Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam ý định thư về đề xuất này, với đề nghị 30% trong khoản tín dụng này chi cho việc sử dụng các thiết bị, sản phẩm, dịch vụ liên quan của Thụy Điển”, đại sứ Ann Mawe nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cảm ơn nhã ý của Thụy Điển về đề xuất dành khoản tín dụng này cho Việt Nam để nâng cấp cơ sở hạ tầng hàng không và cho biết Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp nhận ý định thư và nghiên cứu kĩ lưỡng để tham mưu cho Chính phủ về khoản tín dụng. (Xem chi tiết)

Tàu bay đầu tiên của Vietravel Airlines về Việt Nam

Rạng sáng 5/12, hãng hàng không Vietravel Airlines đón tàu bay đầu tiên về đến Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Tàu bay đầu tiên của Vietravel Airlines là Airbus A321CEO, có tầm bay tối đa 5.950 km, sức chứa tối đa 220 hành khách.

Chủ tịch Vietravel Airlines Nguyễn Quốc Kỳ cho biết hãng đang nhanh chóng hoàn thiện đội tàu bay cũng như đáp ứng các yêu cầu cần thiết để có thể nhận chứng chỉ nhà khai thác tàu bay (AOC) của Cục Hàng không. “Toàn bộ nguồn nhân lực và kỹ thuật của Vietravel Airlines đã sẵn sàng cho việc cất cánh chuyến bay đầu tiên trong thời gian sớm nhất”, ông Kỳ cho biết.

Trước đó, ngày 29/10, Bộ Giao thông Vận tải đã cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietravel Airlines.

Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không được cấp cho Vietravel Airlines ghi rõ hãng hàng không này có vốn điều lệ 700 tỷ đồng. Đây là mức vốn tối thiểu để hãng khai thác trên 30 máy bay.

Vietravel Airlines đặt mục tiêu trong năm đầu tiên khai thác sẽ phục vụ 1 triệu lượt khách, tạo việc làm cho gần 600 lao động. Trong thời gian đầu, Vietravel Airlines dự kiến khai thác hơn 80 chuyến bay mỗi tuần, tập trung từ TP.HCM - Huế - Hà Nội và các điểm đến du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc. (Xem chi tiết)

TP. HCM muốn xây 5 tuyến đường sắt kết nối các tỉnh phía Nam

UBND TP. HCM vừa phê duyệt đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến 2030. Đề án đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp TP. HCM đến năm 2025 đạt 15%, đến năm 2030 đạt 20%. 

Tỷ trọng đóng góp của logistics vào GDP TP. HCM đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%, góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 khoảng 10 – 15%.

Đề án của TP. HCM chú trọng phát triển mạng lưới đường sắt để đảm bảo vận chuyển hàng hóa thông suốt, kết nối các nhóm cảng biển quan trọng của thành phố với các tỉnh thành khu vực phía nam bằng việc đề xuất xây dựng mới 5 tuyến đường sắt tốc độ cao.

Tuyến thứ nhất là TP. HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ (dự kiến kéo dài đến Cà Mau), kết nối với đường sắt Bắc - Nam, có điểm cuối là ga An Bình (Cần Thơ).

Tuyến thứ hai là TP. HCM - Tây Ninh (định hướng kéo đến cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát), kết nối với đường sắt TP. HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ tại ga Tân Chánh Hiệp (TP. HCM).

Tuyến thứ ba là đường sắt Thủ Thiêm - cảng hàng không quốc tế Long Thành với điểm đầu tại ga Thủ Thiêm.

Tuyến thứ tư là tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, ưu tiên xây dựng trước đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn như TP. HCM - Nha Trang.

Tuyến thứ năm là tuyến đường sắt đôi chuyên dụng kết nối từ đường sắt quốc gia đến cảng Hiệp Phước (TP. HCM) và cảng Long An. (Xem chi tiết)

Cùng chuyên mục
Tin khác