Giao thông tuần qua: Vận hành thử Cát Linh - Hà Đông khi chuyên gia trở lại, hơn 9.000 tỷ đồng làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Chí Bình - 16/02/2020 10:17 (GMT+7)

(VNF) - Thủ tướng vừa có văn bản đồng ý đề nghị của Bộ Giao thông và vận tải (GTVT) về việc triển khai dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; kế hoạch vận hành thử hệ thống bắt đầu sau kỳ nghỉ Tết, nhưng hiện các chuyên gia Trung Quốc đang bị kẹt do dịch virus corona... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

VNF
Vận hành thử đường sắt Cát Linh - Hà Đông ngay sau khi chuyên gia Trung Quốc trở lại.

Hơn 9.000 tỷ đồng làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 47km

Thủ tướng vừa có văn bản đồng ý đề nghị của Bộ GTVT về việc triển khai dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Cụ thể, Thủ tướng đồng ý cho UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trình Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư như đề nghị của Bộ GTVT. Văn bản cũng nêu rõ Bộ GTVT có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong quá trình triển khai dự án, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 1/3/2016 về quy hoạch phát triển đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Dự án dài 77,8km và được chia thành 2 dự án thành phần. Thành phần 1 từ Biên Hòa (Đồng Nai) đến thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) dài gần 47km; thành phần 2 từ thị xã Phú Mỹ đến TP. Vũng Tàu dài 31km.

Theo Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (Tedi), dự án thành phần 1 từ Biên Hòa - Phú Mỹ được triển khai trước, theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Điểm đầu cao tốc nối đường tránh TP. Biên Hòa và điểm cuối nối đường vào cụm cảng quốc tế Thị Vải - Cái Mép. Tổng mức khái toán vốn đầu tư đoạn này dự kiến 9.300 tỷ đồng, trong đó bồi thường giải phóng mặt bằng gần 3.200 tỷ đồng.

Dự kiến, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, thi công xây dựng được triển khai trong giai đoạn 2021-2025. Khi hoàn thành, cao tốc có 6 làn xe (giai đoạn một xây 4 làn) và thời gian thu phí 23 năm. (Xem thêm)

Vận hành thử đường sắt Cát Linh - Hà Đông ngay sau khi chuyên gia trở lại

Ngày 10/2, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, đến nay các lái tàu, nhân sự tham gia vận hành dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) đã được cấp bằng lái, chứng chỉ nghiệp vụ tạm thời để phục vụ vận hành thử hệ thống 20 ngày.

Theo kế hoạch, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020 sẽ bắt đầu vận hành thử toàn hệ thống liên tục để phục vụ đánh giá an toàn hệ thống, nghiệm thu dự án. Tuy vậy đến nay, do ảnh hưởng của dịch virus corona (nCoV) nên phần lớn các chuyên gia Trung Quốc chưa trở lại được dự án, khiến kế hoạch vận hành thử chưa thể tiến hành như dự kiến.

“Trước Tết Nguyên đán 2020 (tháng 1/2020), hơn 100 chuyên gia, nhân sự Trung Quốc làm việc tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) về quê nghỉ Tết. Theo kế hoạch, khi các chuyên gia trở lại dự án làm việc vào 1/2 sẽ bắt đầu vận hành thử hệ thống 20 ngày. Tuy vậy, do ảnh hưởng của dịch nCoV, tổng thầu và tư vấn giám sát đề nghị lùi thời hạn đưa nhân sự trở lại dự án sau ngày 8/2, nhưng đến hôm nay chưa có thời hạn cụ thể. Khi các chuyên gia trở lại làm việc, dự án sẽ bắt đầu vận hành toàn bộ hệ thống”, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt thông tin.

Cũng theo an Quản lý dự án đường sắt, trong thời gian này, đơn vị quản lý dự án thực hiện công việc soát xét hồ sơ hoàn công, kiểm tra thực địa để nghiệm thu từng phần dự án; tiếp tục thẩm tra đề cương chi tiết vận hành thử hệ thống.

Liên quan đến nhân sự tham gia vận hành thử, đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, hiện lực lượng nhân sự được đào tạo tại dự án sẵn sàng tham gia vận hành thử hệ thống 20 ngày. (Xem thêm)

4.210 tỷ đồng làm sân bay Điện Biên, rộng hơn 201ha

Lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan tỉnh Điện Biên vừa có buổi làm việc với các bộ, ngành Trung ương về dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Điện Biên.

Theo báo cáo của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), dự án cảng hàng không Điện Biên có vai trò, vị trí quan trọng về quốc phòng cũng như phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay hệ thống hạ tầng có nhiều hạn chế, không đáp ứng được các yêu cầu, vì vậy việc đầu tư xây dựng theo quy hoạch, đáp ứng khai thác máy bay tầm trung A320, A321 là hết sức cần thiết.

Quy mô dự án đầu tư được chia thành các phần như khu bay; khu hàng không dân dụng; hệ thống hạ tầng cấp điện, nước, thoát nước; công trình quản lý, điều hành bay. Nhu cầu sử dụng đất của dự án là 201,39ha; tổng mức đầu tư dự kiến 4.210 tỷ đồng.

Về phương án đầu tư và phân chia dự án thành phần được dự kiến chia thành các phương án. Trong đó, ACV đầu tư toàn bộ khu bay, khu hàng không dân dụng cảng hàng không bằng nguồn vốn doanh nghiệp; UBND tỉnh Điện Biên thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) bằng nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác; tiến độ dự án đưa vào khai thác, sử dụng là 36 tháng.

Tổng công ty đầu tư, quản lý khai thác, bảo trì đối với các hạng mục công trình quản lý, điều hành bay; đối với các hạng mục còn lại huy động nguồn vốn xã hội hóa theo hình thức đối tác công tư (PPP) để đầu tư. (Xem thêm)

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn thu phí từ ngày 18/2

UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành quyết định thống nhất cho Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn được phép điều chỉnh mức thu phí hợp phần quốc lộ 1 tại trạm thu phí Km93+160 và tổ chức thu phí sử dụng dịch vụ cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn từ ngày 18/2/2020.

Theo đó mức phí đối với các loại phương tiện cụ thể là xe dưới 12 chỗ đi trên cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn sẽ phải trả 52.000 đồng/lượt đối với hợp phần quốc lộ 1 và 2.100 đồng/km cao tốc.

Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn áp dụng mức phí 70.000 đồng/lượt trên quốc lộ 1 và 3.000 đồng/km cao tốc.

Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn áp dụng mức phí lần lượt là 87.000 đồng/lượt trên quốc lộ 1 và 3.700 đồng/km cao tốc.

Xe tải có tải trọng từ 18 tấn tở lên, xe chở hàng bằng container 40 fit áp dụng mức phí 200.000 đồng/lượt trên quốc lộ 1 và 8.100 đồng/km trên cao tốc. (Xem thêm)

Báo cáo Thủ tướng dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam trước ngày 1/5/2020

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT về chủ trương xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam.

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Hội đồng thẩm định Nhà nước dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khẩn trương thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam theo đúng quy định pháp luật.

Trước đó, tháng 2/2019, Bộ GTVT hoàn thành, trình Thủ tướng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Hội đồng thẩm định do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm chủ tịch. Hội đồng được thuê liên danh tư vấn trong và ngoài nước để bảo đảm độc lập, khách quan với tư vấn lập dự án.

“Trên cơ sở ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước, Bộ GTVT cập nhật, hoàn chỉnh dự thảo tờ trình của Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị về chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và tổng kết 10 năm thực hiện kết luận số 27-KL/TW ngày 17/8/2008 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/5/2020”, Phó thủ tướng chỉ đạo.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Bộ GTVT, dự án được đề xuất thực hiện theo phương án xây dựng mới tuyến đường sắt dài khoảng 1.559km chạy dọc hành lang Bắc - Nam, đi qua 20 địa phương, nối Hà Nội và TP.HCM.

Thời gian thực hiện dự kiến từ 2020 - 2032 nghiên cứu, đầu tư xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM; giai đoạn 2 dự kiến từ 2032 - 2050 đầu tư xây dựng đoạn Vinh - Nha Trang, trong đó đoạn Vinh - Đà Nẵng hoàn thành năm 2040, đoạn Đà Nẵng - Nha Trang hoàn thành năm 2050.

Tốc độ thiết kế đoàn tàu 350km/h, tốc độ khai thác 320km/h, được xây dựng để khai thác riêng tàu chở khách. Dự án sử dụng công nghệ đoàn tàu sử dụng động lực phân tán; công nghệ hệ thống thông tin tín hiệu, sử dụng công nghệ truyền tín hiệu điều khiển qua sóng vô tuyến, đóng đường sử dụng phân khu di động. (Xem thêm)

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.