Gỡ 'nút thắt' trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Đinh Tịnh - 14/05/2021 10:51 (GMT+7)

(VNF) - "Sau những cơn lũ lịch sử tại Miền Trung, giờ đây là thời điểm đẹp nhất để tăng tốc thi công, bù tiến độ cho dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Đến nay, dự án đã đạt được 40% khối lượng công việc", ông Nguyễn Vũ Quý, Quyền giám đốc Ban Quản lý dự án Hồ Chí Minh chia sẻ.

VNF

Cuối năm 2020 sang đầu năm 2021, những trận lũ lịch sử khiến khu vực Miền Trung chìm trong biển nước. Thời tiết xấu nên 4-5 tháng liên tiếp các mũi thi công trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn gần như ngưng trệ, bên cạnh đó, việc khan hiếm vật liệu thi công cũng là "bài toán" nan giải tại nhiều tuyến cao tốc hiện nay.

"Cơ bản bám sát tiến độ"

Trao đổi với VietnamFinance, ông Nguyễn Văn Phan, Trưởng phòng điều hành 3, Ban QLDA Hồ Chí Minh cho biết: Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn là tuyến cao tốc được khởi công đầu tiên trong 11 dự án thành phần của Cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Dự án có 11 gói thầu xây lắp, tổng vốn đầu tư 7.699 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ. Tính từ đầu năm đến nay, dự án giải ngân khoảng 1.358 tỷ đồng/4.444 tỷ đồng, đạt khoảng 30% kế hoạch.

Hiện phòng điều hành 3 đang quản lý 3 gói thầu thuộc tỉnh Quảng trị gồm: Gói XL01, XL02 dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2021 và Gói XL03 sẽ hoàn thành trong tháng tháng 1/2022.

Hiện nay, tiến độ gói XL01, XL02, XL03 cơ bản bám sát tiến độ hợp đồng. Tuy nhiên, tại gói XL03 có 1 mũi chậm (do Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Nguyên thự hiện) do mưa bão lịch sử 2020 làm sụt trượt ta luy dương, trôi cầu tạm, đường công vụ và phát sinh nước ngầm nên phải mất thời gian xử lý kỹ thuật.

"Về việc này, Ban QLDA Hồ Chí Minh đã chỉ đạo tư vấn thiết kế vào ngay hiện trường khảo sát, đề xuất giải pháp khắc phục. Một mặt, đôn đốc nhà thầu lập lại tiến độ điều chỉnh để tăng mũi thi công, tăng thiết bị, nhân lực, tăng ca làm việc để bù lại khối lượng chậm. Ban cũng bố trí văn phòng tại hiện trường để cùng tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát kịp thời tháo gỡ các thủ tục, khó khăn cho nhà thầu.... Về cơ bản, tính đến tháng 5/2021, tiến độ dự án đạt yêu cầu đề ra", ông Phan nói.

Liên quan đến giải phóng mặt bằng, đối với toàn tuyến chính qua tỉnh Quảng Trị đã  được bàn giao mặt bằng sạch, hiện chỉ còn khoảng 1km mặt bằng đường gom nhưng địa phương đang rất nỗ lực giải quyết. Dự kiến, trong tháng 5/2021 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, riêng việc di dời đường điện 220KV hiện đang vướng nên ảnh hưởng trực tiếp tiến độ đoạn tuyến giao cắt (thuộc Km0+700 thuộc gói XL01).

Gỡ vướng khó khăn cho dự án

Có mặt trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn trong bối cảnh hàng loạt các mũi thi công đang đồng loạt triển khai. Dù là thời điểm đầu hè, cùng nắng nóng miền Trung nhưng những tiến máy, tiếng khoan khiến vẫn rộn rã cả một vùng. Đại diện Ban QLDA Hồ Chí Minh cho biết: Tại gói thầu Gói thầu số 10 (đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế) đã đạt tới 68% giá trị hợp đồng.

Trao đổi với VietnamFinance, ông Nguyễn Văn Phan cho hay: Thời điểm này, một số gói thầu đã phát sinh tình huống mới sau các điểm sụt trượt do mưa bão lịch sử năm 2020. Ví dụ như xuất hiện nhiều mạch nước ngầm từ khác khe đá dẫn đến nguy cơ sạt trượt ta-luy đường là hiện hữu.

Phía Tư vấn giám sát Công ty tư vấn Tedi đưa ra vấn đề bất cập tại Cầu khe Ái Tử (thuộc Thị trấn Ái Tử và một phần của xã Triệu Giang) sau trận bão lịch sử bất ngờ làm thay đổi dòng chảy chính khiến phát sinh dòng chảy đâm thẳng vào mố M2 và phạm vi nền đường sau mố M2 làm xói lở đường đầu cầu Mố M2 và xói dưới bệ mố M2.

Chính vì thế, đại diện Tư vấn giám sát đề xuất 3 phương án đó là: làm tường chắn chân và ốp đá hộc mái ta-luy; phương án 2 có thể làm thêm cống hộp tại vị trí dòng chảy chính khi mưa lũ; phương án 3 sẽ bố trí thêm 1 nhịp cầu nơi có dòng chảy chính đâm vào).

Tới đây, các phương án trên sẽ sớm trình Bộ GTVT xin ý kiến, tuy nhiên, theo các chuyên gia giao thông, việc tư vấn nêu phương án 1 "làm tường chắn chân và ốp đá hộc mái ta-luy" có vẻ không hợp lý, bởi lẽ trong thiết kế đường tối kỵ để dòng chảy chính đâm thẳng vào nền đường (đặc biệt là với cao tốc).

Vào mùa khô, điểm cầu khe Ái Tử khá cạn nước

Trao đổi với VietnamFinance, đại diện Ban QLDA Hồ Chí Minh cho biết: Đây là những phát sinh mới cần tháo gỡ, sau khi được Bộ GTVT, Ban sẽ sớm triển khai để kịp tiến độ giao.

Về kinh phí, sau khi có phương án mới được duyệt sẽ xác định được chi phí cụ thể. Tuy nhiên, tuy nhiên theo dự kiến của Ban QLDA Hồ Chí Minh việc thay đổi này sẽ không làm đội vốn dự án. 

Một điểm nghẽn khác tại cao tốc Cam Lộ - La Sơn cũng cần xử lý đó là việc thiếu  trăm nghìn m3 đất, cát san lấp, xây dựng. Để đảm bảo nguồn cung vật liệu, đề nghị Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế khẩn trương đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại các vị trí được quy hoạch, để đáp ứng đủ vật liệu cho dự án.

Chia sẻ với VietnamFinance, ông Nguyễn Vũ Quý cho rằng: "Từ tháng 4 đến tháng 10/2021, đây là thời điểm then chốt của dự án. Vì thế, tôi đã yêu cầu các phòng ban phải bám sát hiện trường, lập tức tháo gỡ các khó khăn nảy sinh về vật liệu, xử lý các mạch nước ngầm, mặt bằng... quyết tâm đưa dự án về đúng tiến độ".

Cùng chuyên mục
Tin khác