GS Đặng Hùng Võ nêu giải pháp tránh hình thức khi lấy ý kiến sửa Luật Đất đai

Lệ Chi - 20/02/2023 15:53 (GMT+7)

(VNF) - Việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sắp phải hoàn thành, song đến nay còn rất chậm. Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ sốt ruột khi việc lấy ý kiến nhân dân vẫn “im lìm”, trong khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải chủ động kéo dài thời gian đến 15/3.

VNF
Sốt ruột khi lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai

Theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo, thời gian lấy ý kiến bắt đầu từ ngày 3/1/2023 và kết thúc vào ngày 15/3/2023. Như vậy, chưa gần 1 tháng nữa việc lấy ý kiến sẽ kết thúc.

Tuy nhiên, tại Công điện khẩn ngày 11/2 của Thủ tướng cho biết, qua báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch để tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Thế nhưng, qua phản ánh thì tiến độ triển khai lấy ý kiến nhân dân ở nhiều bộ, ngành, địa phương còn rất chậm.

Ngay tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập nhiệm vụ lập pháp quan trọng nhất trong năm 2023 là sửa Luật Đất đai. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ sốt ruột khi việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật này vẫn “im lìm”, trong khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải chủ động kéo dài thời gian đến 15/3 (Chính phủ chỉ đề nghị đến hết tháng 2/2023).

Nhấn mạnh không lấy ý kiến nhân dân “cho có”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý nếu việc sửa Luật Đất đai mà cũng vận hành như luật Khám bệnh, chữa bệnh thì vất vả lắm, vì luật này khó hơn nhiều.

Trao đổi với VietnamFinance về vấn đề này, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng để tránh tình trạng lấy ý kiến mang tính hình thức cần chuẩn bị thêm những văn bản bổ sung cho lấy ý kiến, chứ không nên "tống" ra một văn quyển luật dày cộp mà nhiều người dân nhìn vào không hiểu được. “Ngay như tôi có nhiều điều luật phải đọc vài ba lần mới hiểu được rằng ở đây ngụ ý chính sách là gì. Vậy những người không có chuyên môn sẽ rất khó để đóng góp ý kiến”, ông nói.

Ông Võ cho rằng với đông đảo người dân, hiểu về chính sách dễ hơn hiểu về luật. Người dân thường không quan tâm tới chuyện luật hóa chính sách, họ chỉ quan tâm đến chính sách nào tác động đến họ, trước chính sách là vậy thì nay được thay đổi ra sao. Hơn nữa phải cần có những tài liệu nhiều trang để nói về tác động của chính sách, sau đó mới nói đến chuyện chính sách thể hiện trong các điều luật như thế nào.

"Do đó, phải có một văn bản mô tả về chính sách, sau đó giải thích rằng chính sách này thể hiện ở những điều luật nào thì người dân mới có thể góp ý dễ dàng. Quan trọng là làm thế nào để người ít hiểu biết nhất cũng có thể hiểu được mình chịu sự tác động của luật đến đâu", ông Võ cho hay.

 

 

Cùng chuyên mục
Tin khác