Diễn đàn VNF

GS.TSKH Nguyễn Mại: Cần chống độc quyền, thúc đẩy hình thành thị trường điện cạnh tranh đích thực

(VNF) - GS.TSKH Nguyễn Mại cho biết, chủ trương phát triển thị trường điện cạnh tranh là một yêu cầu tất yếu khi Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường, đã "thai nghén" từ gần 10 năm trước. Tuy vậy đến nay, nước ta vẫn chưa hình thành được một thị trường điện cạnh tranh đích thực, khi chỉ có bên mua duy nhất là EVN đứng ra thu gom tất cả điện năng của các đơn vị phát điện...

GS.TSKH Nguyễn Mại: Cần chống độc quyền, thúc đẩy hình thành thị trường điện cạnh tranh đích thực

GS.TSKH Nguyễn Mại: Cần chống độc quyền, thúc đẩy hình thành thị trường điện cạnh tranh đích thực

Tại tọa đàm Tháo gỡ "điểm nghẽn" phát triển năng lượng tái tạo sáng 22/12, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) nêu vấn đề: "Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII) đang được lấy ý kiến của các ngành, các cấp để hoàn thiện, trình Chính phủ phê duyệt. Tôi cho rằng, điểm nghẽn chính mà Quy hoạch Điện VIII phải xử lý được, đó là tình trạng độc quyền, chậm chuyển sang thị trường điện cạnh tranh hiện nay".

Ông Mại cho biết, chủ trương phát triển thị trường điện cạnh tranh là một yêu cầu tất yếu khi Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 63/2013/QĐ-TTg ngày 8/11/2013, thị trường điện của Việt Nam được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ, cấp độ 1 đến hết năm 2014 thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh (TTPĐCT);

Cấp độ 2 từ 2015-2021, thị trường bán buôn điện cạnh tranh (TTBBĐCT); cấp độ 3 từ 2021, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (TTBLĐCT). Mỗi cấp độ được thực hiện theo hai giai đoạn: thí điểm và hoàn chỉnh.

Thông tư 3/2013/TT- BCT ngày 8/2/2013 của Bộ Công Thương đã quy định các điều kiện tham gia thị trường, cơ chế vận hành và trách nhiệm của các bên tham gia.

Sau một thời gian vận hành chính thức, số lượng nhà máy tham gia ngày càng tăng, làm sôi động yếu tố cạnh tranh trên thị trường; nhiều nhà máy đã tăng lợi nhuận chứng tỏ tính hấp dẫn của TTPĐCT. Năm 2012 chỉ có 32 nhà máy điện với tổng công suất 9.200 MW, đến 31/3/2020 đã có 98 nhà máy điện tham gia TTPĐCT với tổng công suất 26.895 MW.

Đầu năm 2019, TTBBĐCT chính thức vận hành. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không còn là đơn vị mua buôn điện duy nhất như trước đây, mà đã có thêm 5 tổng công ty điện lực trực tiếp tham gia mua điện trên thị trường giao ngay cũng như ký hợp đồng song phương với các nhà máy điện.

Ngày 9/6/2020, Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Ngày 7/8 Bộ Công thương đã phê duyệt đề án thiết kế mô hình TTBLĐCT với 3 giai đoạn: giai đoạn 1 đến hết năm 2021 là giai đoạn chuẩn bị; giai đoạn 2 từ 2022-2024 cho phép khách hàng sử dụng điện được mua điện trên thị trường điện giao ngay; giai đoạn 3 từ sau năm 2024 cho phép các khách hàng được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện.

TTBBĐCT là mô hình khuyến khích cạnh tranh trong phát điện. Tuy vậy chỉ có một người mua duy nhất là Công ty mua bán điện của EVN mua tất cả điện năng từ các đơn vị phát điện và bán cho các công ty phân phối với giá bán buôn.

Các công ty phân phối bán điện cho khách hàng dựa trên giá bán lẻ. Công ty mua bán điện thực hiện mua bán với các nhà máy được coi như đơn vị tham gia gián tiếp vào thị trường điện. Hợp đồng mua bán trong TTBBĐCT theo mô hình Tư vấn thiết kế; do đó, khoảng 50% công suất lắp đặt không được giao dịch trực tiếp trên thị trường.

Chủ tịch VAFIE nhận định, trên thực tế, nước ta đang xây dựng TTBBĐCT nhưng chỉ có một người mua là EVN nên vẫn chưa hình thành được một thị trường điện cạnh tranh đích thực. Những năm gần đây, các nhà đầu tư đã tận dụng chính sách ưu đãi của nhà nước đối với điện gió, điện mặt trời, điện tái tạo, hàng loạt dự án đã được hình thành và thực hiện.

Tuy vậy do quy hoạch không được công khai, minh bạch nên xảy ra tình trạng “chạy quy hoạch”, cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ gây lãng phí nguồn năng lượng mới, trong khi khuyến khích đầu tư tư nhân vào dự án năng lượng sạch thì chưa cho tư nhân đầu tư vào mạng lưới truyền tải điện nên nhiều dự án sau khi hoàn thành chỉ phát lên lưới 30-40% công suất do đường dây quá tải.

Gần đây Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã có chủ trương khuyến khích đầu tư tư nhân vào mạng lưới truyền tải điện, nhưng vẩn có ý kiến chỉ cho phép đầu tư lưới điện dưới 500 Kv.

Năm 2021 sắp kết thúc, Chủ tịch VAFIE hy vọng EVN chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện vận hành có hiệu quả TTBLĐCT để người dân và doanh nghiệp được lựa chọn công ty cung ứng điện có chất lượng phục vụ tốt và giá cả cạnh tranh.

Nhìn vào những ngành khác như viễn thông, do phá vỡ độc quyền đã giúp Việt Nam có tên trong bản đồ viễn thông thế giới, thì ngành điện có thể vận dụng những bài học thành công của viễn thông để tiếp cận có hiệu quả hơn cơ chế thị trường.

Tin mới lên