Hà Nội: Dự án an sinh cấp thiết, tiến độ ì ạch

PV - 12/05/2020 07:50 (GMT+7)

Đã có nhiều dự án xây bệnh viện ở Hà Nội được đưa vào danh mục công trình đầu tư công theo dạng “cấp bách” nhưng do vấp nhiều vướng mắc, trong giải ngân, nhiều công trình đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống. Không ít công trình môi trường, cấp - thoát nước thi công cũng ì ạch.

VNF
Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá hiện vẫn ngổn ngang, chưa biết đến bao giờ hoàn thành. Ảnh Hoàng Mạnh Thắng

Dự án bệnh viện qua nhiều năm vẫn chỉ là bãi đất hoang

Năm 2015, thành phố Hà Nội phê duyệt, triển khai nhiều dự án bệnh viện nhằm cải thiện việc khám chữa bệnh tại Hà Nội. Đơn cử, với quy mô 500 giường bệnh, năm 2015, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt cho triển khai dự án bệnh viện nhi Hà Nội (quận Hà Đông). Dự án được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công với tổng mức dự kiến đầu tư 784,4 tỷ đồng và có tiến độ hoàn thành vào năm 2018. Tuy nhiên, ghi nhận trong ngày 4/5 tại vị trí xây dựng dự án, Bệnh viện Nhi Hà Nội vẫn chỉ là bãi đất bỏ không.

Lý giải nguyên nhân dự án công chậm triển khai để cỏ mọc, đại diện ban quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng công trình văn hóa- xã hội Hà Nội (Ban Văn hóa - xã hội thuộc UBND TP. Hà Nội) - chủ đầu tư cho biết, với dự án bệnh viện nhi Hà Nội, công tác giải phóng mặt bằng đã thực hiện xong từ lâu. Hiện tại, dự án có một số điều chỉnh về thiết kế, vốn nên vẫn chưa thực hiện được.

Cụ thể, BQLDA đã làm việc với đơn vị tư vấn thiết kế để lên phương án điều chỉnh, bổ sung công năng “sản và nhi”. “Thêm công năng nên cần điều chỉnh thiết kế. Phương án điều chỉnh dự án này đang chờ lãnh đạo thành phố chấp thuận. Dự kiến, dự án sẽ khởi công vào quý IV/2020”, đại diện Ban Văn hóa - xã hội thông tin.

Một bệnh viện khác cũng chung số phận là bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh với quy mô 1.000 giường bệnh, được UBND TP phê duyệt từ năm 2013 với kinh phí khoảng 2.700 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Bệnh viện này nhằm phục vụ người dân huyện Mê Linh và khu vực các huyện phía Tây, giảm tải cho các bệnh viện nội đô. Vị trí xây dựng gồm toàn bộ diện tích bệnh viện Đa khoa Mê Linh cũ và một phần diện tích đất vừa thu hồi thêm. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2017.

Vừa qua, mặt bằng dự án bệnh viện này được cải tạo, nâng cấp thành bệnh viện dã chiến. Nếu không có hoạt động này người dân khó có thể hình dung ở đây có một dự án xây bệnh viện.

Dự án chống ngập bị “lụt” tiến độ

Dự án thoát nước Hà Nội cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng đã hoàn thành. Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình mưa ngập tại Hà Nội thời gian qua, khu vực nội thành Hà Nội vẫn còn nhiều điểm đen “ngập úng”.

Đánh giá về số điểm ngập úng ở Hà Nội hiện nay, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thành phố vẫn còn 13 “điểm đen” ngập úng được thống kê trong năm 2019, trong đó có một số điểm ngập sâu như: Ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Cao Bá Quát (đoạn trước Công ty Môi trường đô thị Hà Nội), phố Đội Cấn, Thụy Khuê (đoạn dốc La Pho), Trường Chinh (Bệnh viện Phòng không Không quân)…

Ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát Nước Hà Nội (Công ty Thoát Nước) cho biết, nếu không có các dự án bổ sung, hỗ trợ cho hệ thống thoát nước hiện nay thì tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố khi mưa lớn vẫn sẽ xảy ra thường xuyên.

Từ năm 2015 đến nay, UBND TP. Hà Nội đã lần lượt phê duyệt triển khai các dự án thoát nước. Trong đó có: Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa (Hà Đông), Cụm công trình đầu mối Liên Mạc (Bắc Từ Liêm)…

Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa được đầu tư với tổng kinh phí hơn 7.400 tỷ đồng và có công suất 120m3/s bơm nước từ lưu vực sông Nhuệ ra sông Đáy, giảm ngập úng cho Hà Đông, Thanh Xuân. Trao đổi với phóng viên mới đây, ông Đinh Công Sơn, Giám đốc ban duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội) - chủ đầu tư cho rằng, hiện tại trạm bơm tiêu Yên Nghĩa đã xây dựng xong, tuy nhiên kênh dẫn nước từ sông Nhuệ (đoạn Hà Đông) chảy về nhà máy do vướng mặt bằng nên hiện chưa thi công xong. Theo ông Sơn, ban đang tích cực phối hợp với quận Hà Đông để di dời công trình nhà của hơn 600 hộ dân còn lại để hoàn thành dự án trong năm 2021.

Dự án trạm bơm tiêu thoát nước cho khu vực phía Tây Hà Nội có tổng mức đầu tư: 3.635 tỷ đồng, trong đó có phần vốn đầu tư công, theo tiến độ công trình thi công và hoàn thành trong giai đoạn 2018-2020 nhưng đến nay, tại phạm vi dự án vẫn chỉ là bãi đất trống. Do chưa có hệ thống thoát nước theo quy hoạch nên toàn bộ khu vực phía Tây Nam thủ đô từ đường vành đai 2 trở ra, việc thoát nước tại đây vẫn là tự chảy. Sau nhiều trận mưa nước sông Nhuệ dâng cao, đã chảy ngược vào các khu dân cư, gây ngập úng trên diện rộng.

Nhiều dự án môi trường khó về đích năm 2020

Để thu gom, xử lý toàn bộ nước thải và giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời cứu dòng sông Tô Lịch, năm 2013 TP. Hà Nội đã phê duyệt triển khai dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (Thanh Trì, Hà Nội). Dự án được đưa vào danh mục các công trình trọng điểm của thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015 với tổng mức đầu tư 16.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư từ ngân sách là hơn 2.500 tỷ đồng (phần còn lại dùng vốn ODA). 

Sau nhiều lần điều chỉnh, dự án dự kiến hoàn thành năm 2018. Thế nhưng, đến nay dự án vẫn chưa thể đưa vào sử dụng, dòng sông Tô Lịch vẫn là “dòng sông chết” và đang là chủ đề tranh cãi của nhiều tổ chức, chuyên gia môi trường khi đề cập việc xử lý ô nhiễm. Vừa qua, dự án tiếp tục được điều chỉnh tiến độ đến năm 2021. Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đến kiểm tra tiến độ nhà máy, ông Chung khẳng định: thành phố kiên quyết không gia hạn tiến độ thi công nhà máy, bởi người dân thủ đô đang chờ đợi, mong mỏi hồi sinh dòng sông này.

Các dự án xử lý môi trường được triển khai bằng vốn đầu tư công (như: xây dựng khu xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 2 với mức đầu tư 1.487 tỷ đồng, tiến độ hoàn thành năm 2020; dự án  xây dựng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp tại Nam Sơn có mức đầu tư 173 tỷ đồng, tiến độ hoàn thành 2017; dự án xây dựng trạm quan trắc môi trường Hà Nội có mức tổng đầu tư 709 tỷ đồng, tiến độ hoàn thành 2020…) cũng đang bị vỡ tiến độ. Do vậy, các chuyên gia quy hoạch cho rằng, việc giải ngân gói đầu tư công hàng nghìn tỷ cho các dự án môi trường nói trên trong năm 2020 là không tưởng.

Dự án trạm bơm tiêu thoát nước cho khu vực phía Tây Hà Nội có tổng mức đầu tư: 3.635 tỷ đồng, trong đó có phần vốn đầu tư công, theo tiến độ công trình thi công và hoàn thành trong giai đoạn 2018-2020 nhưng đến nay, tại phạm vi dự án vẫn chỉ là bãi đất trống. Do chưa có hệ thống thoát nước theo quy hoạch nên toàn bộ khu vực phía Tây Nam Thủ đô từ đường vành đai 2 trở ra, hiện việc thoát nước tại đây vẫn là tự chảy. Sau nhiều trận mưa nước sông Nhuệ dâng cao, đã chảy ngược vào các khu dân cư, gây ngập úng trên diện rộng. 

 

Theo TPO
Cùng chuyên mục
Tin khác