Hàng loạt quan chức bị khởi tố vì Việt Á: Sai phạm mang tính hệ thống

Võ Nam - 24/02/2022 07:48 (GMT+7)

Theo Tiến sĩ Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an, sai phạm trong vụ Việt Á mang tính chất hệ thống, vì không một cá nhân hay cơ quan đơn nhất nào có thể đủ sức thực hiện.

Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt quan chức từ Trung ương đến địa phương của Bộ Y tế và Bộ Khoa học Công nghệ đã bị khởi tố, hoặc bị bắt vì liên quan đến vụ “nâng khống” giá kit của Công ty Việt Á.

Trong đó có các cán bộ như: Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế; Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Vụ trưởng vụ Trang thiết bị và Công trình y tế; Trịnh Thanh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ; Giám đốc CDC 5 tỉnh Hải Dương, Nghệ An, Bình Dương, Bắc Giang, Thừa Thiên Huế...

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế và ông Trịnh Thanh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ bị khởi tố vì liên quan đến vụ kit xét  nghiệm Việt Á.

Dư luận đặt ra câu hỏi: Việt Á “tầm cỡ” như thế nào mà có thể liên kết hàng loạt quan chức từ Trung ương đến địa phương, cũng như khiến nhiều lãnh đạo bị khởi tố đến như vậy? Theo thông tin từ Bộ Công an, Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỉ đồng. Tiền "hoa hồng" Việt Á chung chi khoảng 800 tỷ đồng. Khám xét và điều tra các bị can thuộc công ty Việt Á, lực lượng chức năng đã phong tỏa, kê biên nhiều tài khoản, sổ tiết kiệm của Phan Quốc Việt và các đối tượng trị giá trên 320 tỉ đồng, 100.000 USD, 20 bất động sản...

Được thành lập từ năm 2007 với vốn đăng ký chỉ 80 triệu đồng, công ty Việt Á do bị can Phan Quốc Việt làm chủ tịch. Sau 6 lần đăng ký thay đổi thông tin doanh nghiệp, Công ty Việt Á đã có vốn điều lệ lên tới 1.000 tỉ đồng vào tháng 10/2017. Tuy nhiên, bị can Phan Quốc Việt chỉ nắm giữ 10,2% cổ phần của công ty.

Một mình Phan Quốc Việt không thể “hô biến” đề án sử dụng 19 tỷ đồng tiền ngân sách (Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus Corona) thành một tài nguyên để kinh doanh, đội giá lên nhiều lần. Một mình Phan Quốc Việt cũng không thể gây sức ép để hàng loạt CDC các tỉnh phải ký hợp đồng với Việt Á, để rồi nhiều Giám đốc CDC vướng vòng lao lý.

Kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Á.

Mức giá một kit xét nghiệm PCR mà Việt Á đưa ra là 470.000 đồng/kít, thậm chí còn cao hơn. Cùng thời điểm, các sản phẩm kit xét nghiệm tương tự được Công ty Cổ phần Sao Thái Dương niêm yết giá 300.000 đồng/kít; Công ty Ampharco USA có giá 179.800 đồng/kít... 

Tuy nhiên, sản phẩm của Việt Á vẫn được phân phối và bán trực tiếp, hoặc gián tiếp đến 62 tỉnh thành trên cả nước. Đến cuối tháng 1 vừa qua, Tổng Cục Hải quan công bố Việt Á đã nhập 3 triệu que thử xét nghiệm từ Trung Quốc, với giá khoảng 21.000 đồng/ kít (0,955 USD). Và thật khó để biết có bao nhiêu que xét nghiệm trong số đó đã được “tẩy trắng” để gắn mác Made in Vietnam, rồi bán với giá cao ngất ngưởng.

Bình luận về vụ việc trên, Tiến sĩ Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an cho rằng, đây là một vụ sai phạm mang tính chất hệ thống. Trong việc này không có một cá nhân đơn nhất nào có thể thực hiện được. Muốn biến của công thành của tư trên phạm vi cả nước thì phải có một hệ thống, không chỉ trong cơ quan của một Bộ mà còn các Bộ khác.

Theo Tiến sĩ Lê Văn Cương, từ vụ việc này thấy được hệ thống giám sát việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế còn rất nhiều sơ hở: “Một hoạt động liên quan đến tính mạng con người, nhưng hệ thống giám sát ở đâu? Đúng ra tất cả những việc này phải được thực hiện công khai, minh bạch. Nhưng tất cả đều diễn ra trong "bóng tối". Trên đời này, người ta ăn vụng trong bóng tối, chứ không ai ăn vụng dưới bóng đèn neon cả. Nếu hoạt động này được làm công khai, minh bạch thì không ai làm việc khuất tất.”

Các loại tham nhũng, trục lợi dưới bất kỳ hình thức nào đều xấu và là mục tiêu để Đảng ta chặn đứng, đẩy lùi, xử lý các sai phạm. Nhưng việc tham nhũng, trục lợi trong lĩnh vực y tế, liên quan trực tiếp đến sinh mạng của hàng triệu người dân thì là tội ác tột cùng.

Tiến sĩ Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an.

“Tham nhũng về xây dựng, về làm đường giao thông cũng có lúc gây ra những hậu quả nghiêm trọng, nhưng chỉ là gián tiếp thôi. Riêng tham nhũng liên quan đến sinh mạng con người thì tôi nói những người chủ mưu không còn nhân tính nữa. Họ đã đặt lợi ích, vụ lợi cá nhân lên trên sinh mạng của hàng triệu người. Không thể đưa sinh mạng của người dân ra buôn bán được", Tiến sĩ Lê Văn Cương cho biết.

Cũng theo Tiến sĩ Lê Văn Cương, thời gian tới, các cơ quan chức năng có liên quan, đặc biệt là Bộ Y tế cần tổng kiểm kê, rà soát lại văn bản pháp luật liên quan đến mua sắm vật tư, thiết bị y tế; xốc lại bộ máy, kiểm tra tất cả những người liên quan. Việc điều tra, truy tố, xét xử cần được tiến hành đối với những cá nhân đã sai phạm, trục lợi trong vụ việc Việt Á để củng cố niềm tin của nhân dân.

Theo VOV
Cùng chuyên mục
Tin khác