Hệ sinh thái FTA và cơ hội bứt tốc thu chục tỷ USD của thủy sản
(VNF) - Xuất khẩu thuỷ sản tăng mạnh ở các thị trường có các FTA. Việc xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA đang được kỳ vọng tạo cơ hội bứt tốc cho ngành này trong thời gian tới.
9 tháng, thu về hơn 7 tỷ USD
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trong 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của nước ta đạt gần 7,16 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, trong 9 tháng, tôm mang về kim ngạch xuất khẩu cao nhất cho ngành thuỷ sản, với gần 2,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023. Còn xuất khẩu cá tra đạt kim ngạch 1,46 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mỹ và EU là hai thị trường xuất khẩu thủy sản chủ lực của Việt Nam.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, đánh giá, mặt hàng "ngôi sao" của chúng ta là tôm vì chúng ta có lợi thế về nuôi trồng, chất lượng, tăng trưởng. Tôm sú và chân trắng là 2 nguồn chủ lực và dòng tôm mã HF16 (chế biến sâu) đang có vị thế cạnh tranh.
Theo ông Nam, trong các thị trường đều có tăng trưởng nhưng đặc biệt là các thị trường có các Hiệp định Thương mại tự do (FTA).
Cụ thể, ở thị trường có CPTPP chiếm 25%, EVFTA chiếm 10%, VKFTA chiếm khoảng 9%... Đây đều là các thị trưởng tỷ USD của Việt Nam.
Cà Mau là địa phương xuất khẩu chủ lực về thuỷ sản. Ông Trần Hoàng Khởi, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Cà Mau, khẳng định, xuất khẩu thủy sản Cà Mau tăng mạnh sau khi các FTA có hiệu lực.
Có thể kể đến thị trường châu Âu tăng gấp 3 lần sau khi EVFTA có hiệu lực, trong khi xuất khẩu sang Anh tăng tới 40% khi UKVFTA có hiệu lực.
Từ dẫn chứng trên, ông Khởi cho rằng, ngành thuỷ sản còn nhiều cơ hội bứt tốc nếu nhiều doanh nghiệp hơn nữa đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường này.
Nhiều lợi ích từ FTA
Tới nay, Việt Nam đã ký kết và cơ bản kết thúc đàm phán 17 hiệp định FTA với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ; đang đàm phán, chuẩn bị khởi động đàm phán 3 hiệp định và 1 khung khổ.
Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhận định, các FTA đã tác động đến ngành thủy sản Việt Nam, ngoài lợi thế về ưu đãi thuế quan thì các FTA còn tạo sức ép thay đổi cho ngành thuỷ sản.
Nhờ đó, đã thúc đẩy sự chuyển biến tích cực trong hoạt động của ngành thủy sản; nâng cao năng lực quản trị trên toàn chuỗi giá trị thủy sản; tăng chất lượng sản phẩm thủy sản Việt Nam; đẩy nhanh hiện đại hóa ngành thủy sản, áp dụng công nghệ tiên tiến… để tiến tới một ngành thuỷ sản bền vững.
Dù vậy, qua quá trình thực thi FTA, đại diện Sở Công Thương Cà Mau nhìn nhận vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ như khó khăn về nguồn vốn, khó khăn về con giống khiến cho chi phí bị đội lên cao, làm giảm khả năng cạnh tranh hay việc thiếu định hướng một số thời điểm làm ngành nuôi trồng thuỷ sản điêu đứng…
Vì vậy, đại diện tỉnh Cà Mau mong muốn những khó khăn trên được giải quyết khi có hệ sinh thái FTA cho ngành thuỷ sản.
Bộ Công Thương đang được giao thực hiện xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương, phân tích, khi tham gia FTA, chúng ta có nhiều thách thức cần giải quyết, có những việc không thể tự giải quyết một mình thì có thể dựa vào hệ sinh thái.
Ông Khanh cho biết, hiện chúng ta đã có nhiều mô hình như chuỗi cung ứng, chuỗi ngành hàng, chuỗi giá trị, song đang giới hạn ở phạm vi doanh nghiệp trong một chủ thể.
Trong khi đó, hệ sinh thái FTA cần kết hợp thêm các chủ thể khác như đơn vị logistics, tư vấn, cơ quan địa phương.
Điểm khác biệt của mô hình này là có 2 cấu phần. Cấu phần đầu tiên gồm cơ quan quản lý có đại diện của bộ, ngành, địa phương, được nhóm lại thành tổ công tác. Còn cấu phần thứ 2 là cấu phần doanh nghiệp. Đây là cấu phần "linh hồn" giúp cụ thể hoá các cụ thể hóa các ý tưởng, các kế hoạch.
Các cấu phần này sẽ có một ban vận hành, để hàng ngày, hàng tháng thúc đẩy toàn bộ kế hoạch được thực thi. Trong ban này sẽ có các uỷ ban theo ngành hàng như uỷ ban thuỷ sản, cà phê, dệt may, ngân hàng…
Ví dụ, trong uỷ ban thuỷ sản có người nông dân, thu mua, chế biến, xuất khẩu, hiệp hội… Nếu người nông dân đang muốn vay vốn nhưng ra ngân hàng chưa vay được tiền thì trong trường hợp này, uỷ ban thuỷ sản với vai trò điều phối sẽ thông báo cho uỷ ban ngân hàng và uỷ ban ngân hàng sẽ ra thông báo đến ngân hàng tạo điều kiện cho vay.
"Khi doanh nghiệp tham gia hệ sinh thái này phải đáp ứng những tiêu chí nhất định nên ngân hàng yên tâm hơn", ông Khanh nói.
Ông Khanh cũng cho biết hệ sinh thái giống như một dạng tín chấp cho ngân hàng và có trách nhiệm với ngân hàng khi có những vấn đề phát sinh.
Ông Khanh kỳ vọng với cách vận hành như vậy sẽ giúp nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản có nhiều cơ hội xuất khẩu sang các thị trường FTA.
Xây hệ sinh thái khai thác FTA: Đưa da giày thoát gia công, tăng giá trị
- Xuất khẩu da giày 27 tỷ USD: Vẫn chưa khai thác hết lợi thế các FTA 10/10/2024 12:30
- FTA Index: Kỳ vọng một cú hích mới như chỉ số PCI 01/10/2024 12:30
- Xây dựng hệ sinh thái tận dụng các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản 21/08/2024 05:36
Toàn cảnh khu phức hợp 26 tầng của Daewoo E&C tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.