Hơn 5.200 tỷ làm 35km đường vành đai 4 - vùng Thủ đô đoạn qua Bắc Ninh
Chí Bình -
25/03/2022 16:46 (GMT+7)
(VNF) - Dự án đường vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh, có tổng chiều dài tuyến là 35,3km, đi qua 3 huyện Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và TP. Bắc Ninh.
UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có tờ trình gửi HĐND tỉnh Bắc Ninh về việc chấp thuận chủ trương triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội (đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh).
Theo đó, dự án đường vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh có tổng chiều dài tuyến là 35,3km, đi qua 3 huyện Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và TP. Bắc Ninh. Trong đó, đoạn tuyến vành đai 4 dài khoảng 25,6km; tuyến nối từ cuối dự án theo hướng quy hoạch đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long đến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang dài khoảng 9,7km.
Quy mô đầu tư đường vành đai 4 với phần đường cao tốc giai đoạn đầu là 4 làn xe và hệ thống đường đô thị, đường song hành 2 bên; tuyến nối từ cuối dự án theo hướng quy hoạch đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long đến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang sẽ phân kỳ đầu tư đồng bộ toàn tuyến đảm bảo quy mô 4 làn xe.
Nội dung đầu tư thuộc trách nhiệm của tỉnh Bắc Ninh đối với đoạn qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh sẽ bao gồm việc thực hiện giải phóng mặt bằng thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh và đầu tư hệ thống đường đô thị, đường song hành thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh.
Tổng vốn đầu tư của dự án vành đai 4 - vùng Thủ đô đoạn tỉnh Bắc Ninh dự kiến khoảng 5.210 tỷ đồng, trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng toàn tuyến thuộc địa phận Bắc Ninh khoảng 2.480 tỷ đồng; đầu tư đường 2 bên khoảng 2.730 tỷ đồng.
Dự kiến nguồn vốn theo đề xuất của dự án gồm ngân sách trung ương hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng là 2.110 tỷ đồng; ngân sách địa phương tỉnh Bắc Ninh là 3.100 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ 2022 - 2027, phân kỳ đầu tư giai đoạn trung hạn 2021-2025 khoảng 2.000 tỷ đồng. Bắc Ninh đề nghị Chính phủ cho tỉnh vay lại vốn trái phiếu chính phủ, ODA, nguồn hợp pháp khác và cam kết trả nợ theo đúng quy định). Giai đoạn trung hạn 2026 - 2030 khoảng 1.100 tỷ đồng.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã có tờ trình gửi Chính phủ về việc thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô, đồng thời kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án dầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô ngay trong kỳ họp Quốc hội tháng 5/2022.
Theo tờ trình của UBND TP. Hà Nội, dự án có chiều dài 112,8km (gồm 103,1km đường vành đai 4 và 9,7km tuyến nối cao tốc theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long), được chia thành 7 dự án thành phần vận hành độc lập và triển khai theo hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư PPP.
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.341ha (trong đó, đất trồng lúa khoảng 816ha); tiến hành giải phóng mặt bằng theo quy hoạch gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành 2 bên, với chiều rộng mặt cắt ngang 120m. Tổng mức đầu tư dự án là 87.098 tỷ đồng.
Về tiến độ, dự án tiến hành chuẩn bị đầu tư từ năm 2021 và dự kiến hoàn thành vào năm 2027, rút ngắn khoảng 1 năm so với đề xuất trước đó. UBND TP. Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù dành riêng cho công trình, tương tự các cơ chế đã được Quốc hội thông qua đối với dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025.
Đáng chú ý, UBND TP. Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu trong giai đoạn triển khai đến khi hoàn thành dự án đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án thành phần chỉ sử dụng nguồn vốn đầu tư công.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone