HoREA đề nghị Bộ Xây dựng xem xét soạn thảo Luật Chung cư

Tào Minh - 06/03/2019 14:34 (GMT+7)

(VNF) – Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) mới đây đã có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng và các cơ quan của TP. HCM nêu các bất cập và kiến nghị biện pháp đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư. Trong văn bản này, HoREA đã đề xuất xây dựng Luật Chung cư.

VNF
HoREA đề nghị Bộ Xây dựng xem xét soạn thảo Luật Chung cư

Theo HoREA, , toàn thành phố Hồ Chí Minh hiện có 1.367 nhà chung cư với 141.062 căn hộ (tăng gấp 2 lần so với năm 2009 và gấp 5,5 lần so với năm 1975); tổng diện tích sàn xây dựng là 10.645.970 m2, diện tích bình quân căn hộ là 75 m2. Đáng chú ý, thành phố có 474 chung cư cũ với 574 lô được xây dựng trước năm 1975.

Tỷ lệ căn hộ chung cư hiện chiếm tỷ trọng 8,4% tổng số nhà ở trên địa bàn thành phố và đang có xu thế tăng mạnh trong quá trình đô thị hóa. Chỉ trong khoảng 5 năm trở lại đây, căn hộ chung cư chiếm tỷ trọng 24,6% tổng số nhà ở xây dựng mới (trong khi tỷ lệ này ở các giai đoạn trước đây chỉ chiếm từ 3-10%).

Với số lượng chung cư lớn như vậy, tình trạng tranh chấp chung cư cũng diễn ra hết sức phức tạp và đang có dấu hiệu gia tăng. Thống kê của HoREA cho biết có 105 chung cư đang có tranh chấp ở những nội dung khác nhau, trong đó có 9 chung cư có tranh chấp gay gắt.

Theo hiệp hội này, việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư hiện gặp nhiều vướng mắc như: ban quản trị chưa được cấp con dấu, việc đóng góp quỹ bảo trì không đươc quy định rõ ràng, chưa xác định rõ trách nhiệm nộp phạt nếu bị xử phạt…

Đáng chú ý, HoREA cho rằng chủ đầu tư dự án chung cư đang bị đối xử không công bằng trong vấn đề nộp phí bảo trì.

Cụ thể, khoản (1.b) Điều 108 Luật Nhà ở quy định: "Đối với căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư mà chủ đầu tư giữ lại không bán, không cho thuê mua hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua tính đến thời điểm bàn giao đưa nhà chung cư vào sử dụng, trừ phần diện tích thuộc sở hữu chung thì chủ đầu tư phải đóng 2% giá trị căn hộ, phần diện tích giữ lại; phần giá trị này được tính theo giá bán căn hộ có giá cao nhất của nhà chung cư đó". 

HoREA cho rằng quy định này bất hợp lí, bởi lẽ trong phần diện tích chung cư mà chủ đầu tư còn giữ lại có cả những căn hộ lớn hoặc ở vị trí không đẹp, không bán được, hoặc phần thương mại, dịch vụ với giá trị thấp hơn căn hộ thông thường.

Ngoài ra, HoREA cũng đề cập thực trạng nhức nhối về việc bầu ban quản trị nhà chung cư. Cụ thể, có hiện tượng phần tử ngoài xã hội tìm cách chui vào ban quản trị để trục lợi cá nhân, làm thiệt hại đến lợi ích của cư dân.

“Các đối tượng này sử dụng thủ đoạn mua căn hộ nhỏ nhất, vận động để được bầu làm Trưởng ban quản trị, sau đó thực hiện hành vi trục lợi; có cả trường hợp bán lại căn hộ chung cư mà cư dân không hay biết, thậm chí từ bỏ vị trí Trưởng ban quản trị sau khi đã trục lợi xong”, báo cáo của HoREA cho hay.

Do đó, HoREA kiến nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công an để thực hiện công tác cấp con dấu cho ban quản trị chung cư theo quy định của Luật Nhà ở 2014, tạo điều kiện cho ban quản trị thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Đi cùng với đó, hiệp hội cũng kiến nghị có quy định rõ chủ tài khoản của ban quản trị chung cư phải có từ hai người trở lên làm đồng chủ tài khoản để tránh trường hợp lạm quyền, trục lợi.

Ngoài ra, HoREA cũng kiến nghị sửa đổi Khoản (1.b) Điều 108 Luật Nhà ở theo hướng phí bảo trì được tính đúng giá trị của phần diện tích mà chủ đầu tư còn giữ lại hoặc chưa bán được.

Đăc biệt, hiệp hội đề xuất Bộ Xây dung xem xét đề xuất xây dựng Luật Chung cư để đáp ứng yêu cầu phát triển chung cư trong những năm tiếp theo.

Cùng chuyên mục
Tin khác