Việc thua trắng nhà thầu có thể đẩy Ban Quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông - Vận tải) đứng trước hàng loạt vụ kiện tiếp theo liên quan đến các khoản nợ đọng kéo dài.
Việc thua trắng nhà thầu trong vụ án tranh chấp hợp đồng tại Gói thầu số 3, Dự án Đầu tư nâng cấp Quốc lộ 4, đoạn nối Hà Giang - Lào Cai có thể đẩy chủ đầu tư đứng trước hàng loạt vụ kiện tiếp theo liên quan đến các khoản nợ đọng kéo dài.
Thắng sự e dè
“Chi cục Thi hành án dân sự quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã có thông báo cưỡng chế thi hành án gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) trong vai trò vừa là cơ quan chủ quản, vừa là cấp quyết định đầu tư, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan thuế, hội sở các ngân hàng để thanh toán cho nhà thầu thắng kiện”, ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 6 - PMU 6 (Bộ GTVT) cho biết.
Trước đó, liên quan đến vụ án “Tranh chấp hợp đồng xây dựng” tại Gói thầu số 3: Km280+00 - Km284+00 thuộc Dự án Đầu tư nâng cấp Quốc lộ 4, đoạn nối Hà Giang - Lào Cai (giai đoạn I) giữa Công ty TNHH MTV Tây Bắc (Công ty Tây Bắc) và PMU 6, vào tháng 6/2019, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã có bản án phúc thẩm số 64/2019/KDTM-PT.
Cụ thể, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội yêu cầu PMU 6 phải thanh toán cho nguyên đơn là Công ty Tây Bắc số tiền chưa thanh toán của Gói thầu số 3 là 6,4 tỷ đồng và số tiền xử lý sụt trượt năm 2011 là 747,621 triệu đồng. Tòa chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn với mức lãi suất của hai khoản tiền phải trả ở trên bằng 0%. PMU 6 phải chịu 115 triệu đồng và Công ty Tây Bắc phải chịu 93,6 triệu đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.
Mặc dù phán quyết trong bản án phúc thẩm được đánh giá là có lợi hơn cho PMU 6 so với bản án sơ thẩm được Tòa tuyên vào tháng 11/2018, khi đại diện chủ đầu tư bị buộc phải thanh toán cho Công ty Tây Bắc số nợ gốc và lãi suất là 9,3 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 6,44 tỷ đồng và lãi từ ngày 1/1/2013 đến ngày 28/11/2018 là 2,857 tỷ đồng.
Trước đó, vào ngày 21/5/2018, Công ty Tây Bắc đã có đơn gửi TAND quận Nam Từ Liêm khởi kiện PMU 6 về việc chậm thanh toán số tiền còn nợ theo hồ sơ quyết toán A-B ký ngày 15/11/2016 thuộc phạm vi Gói thầu số 3, km280+00 - km284+00 và yêu cầu PMU 6 phải thanh toán số tiền gốc và tiền lãi từ ngày 1/1/2013 đến ngày 28/11/2018.
Được biết, Công ty Tây Bắc là nhà thầu chính bên cạnh nhà thầu phụ - Công ty TNHH MTV Hoàng Liên Thanh (Công ty Hoàng Liên Thanh) trúng thầu Gói thầu số 3.
Theo hợp đồng kinh tế số 1680/HĐXD được ký bởi PMU 6 và Công ty Tây Bắc, Gói thầu số 3 có thời gian thi công là 22 tháng, với ngày phát lệnh khởi công thực tế là ngày 6/4/2009. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, Dự án bị đình hoãn, giãn tiến độ theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ - CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ, nên việc bố trí vốn cho công trình liên tục bị hụt và ngắt quãng. Hậu quả là chủ đầu tư - Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải dừng giãn thi công Gói thầu số 3 vào tháng 6/2011. Sau lần tái khởi động hụt vào tháng 9/2012, Gói thầu số 3 mới được chủ đầu tư cho thi công trở lại vào tháng 2/2014. Phải đến tận ngày 31/12/2014, Gói thầu số 3 mới được các bên hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng.
Tính đến giữa tháng 5/2018 - thời điểm Công ty Tây Bắc phát đơn kiện, tổng giá trị hoàn thành theo Quyết toán A - B tại Gói thầu số 3 là 53,3 tỷ đồng; trong đó Công ty Tây Bắc là 31,42 tỷ đồng, Công ty Hoàng Liên Thanh là 21,875 tỷ đồng. Do vốn cấp không đủ nên tại Gói thầu số 3, tổng giá trị thanh toán tính đến đầu năm 2018 mới đạt 33,83 tỷ đồng. Chủ đầu tư còn nợ nhà thầu khoảng 19 tỷ đồng, trong đó nợ Công ty Tây Bắc là 6,448 tỷ đồng và Công ty Hoàng Liên Thanh là 12,52 tỷ đồng.
Có tiền mà không trả nổi nợ
Công ty Tây Bắc là trường hợp hiếm hoi trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông, một nhà thầu nội vượt qua những e ngại, nể nang, đã kiện chủ đầu tư là một cơ quan nhà nước ra tòa để đòi thanh toán các khối lượng hoàn thành.
“Xưa nay, các nhà thầu thường tự mặc định là ở cửa dưới so với chủ đầu tư, chấp nhận nhiều thiệt thòi, ít dám khởi kiện dù bị nợ đọng hàng trăm tỷ đồng trong nhiều năm. Trong đó, quan trọng nhất là lo ngại mối quan hệ bị sứt mẻ, ảnh hưởng đến khả năng nhận thầu sau này”, lãnh đạo một tổng công ty lớn từng thuộc Bộ GTVT lý giải và cho biết thêm là ông “ủng hộ cách làm văn minh” của Công ty Tây Bắc.
Trên thực tế, có thể thông cảm với quyết định khởi kiện PMU 6 của Công ty Tây Bắc. Tính từ năm 2014 đến nay, cả nhà thầu chính và thầu phụ chưa một lần nhận thêm được đợt thanh toán nào cho khoản công nợ gần 19 tỷ đồng. Trong khi đó, để làm ra được khối lượng nói trên, họ đều phải vay vốn ngân hàng hoặc tạm ứng vật tư từ các nhà cung cấp.
Chỉ tính riêng từ giữa năm 2017 - thời điểm PMU 6 đối chiếu xác nhận nợ và cam kết thanh toán trước tháng 10/2017, cho đến đầu tháng 3/2018, Công ty Tây Bắc đã 5 lần gửi văn bản thúc nợ PMU 6 và nhiều lần gửi đơn kêu cứu tới Bộ GTVT và các cơ quan chức năng của Chính phủ, Quốc hội, nhưng đều không nhận được khoản tiền nợ.
Công ty Tây Bắc không phải là nhà thầu duy nhất bị nợ đọng kéo dài tại dự án này. Tính đến cuối năm 2019, PMU 6 vẫn còn nợ đọng tại 7 gói thầu đã hoàn thành, có quyết toán A - B và tại 3 gói thầu đang thi công dang dở, có phiếu thanh toán đến điểm dừng kỹ thuật với số tiền 136 tỷ đồng. Nhiều nhà thầu có khoản nợ lên tới 30 - 40 tỷ đồng, chậm thanh toán kéo dài.
“Chúng tôi lo ngại rằng, vụ án của Công ty Tây Bắc sẽ kích hoạt hàng loạt các nhà thầu khác tại Dự án cùng đâm đơn khởi kiện đòi quyền lợi”, lãnh đạo PMU 6 lo ngại.
Cái khó của PMU 6 là họ chỉ là đơn vị đại diện chủ đầu tư, hưởng chi phí quản lý dự án để nuôi bộ máy. Từ nay đến hết năm 2022, PMU 6 chỉ còn hơn chục tỷ đồng để trả lương, chi phí vận hành của hơn 100 cán bộ, kỹ sư trong đơn vị. Trong trường hợp cơ quan thi hành án dân sự không siết được phần ngân sách bố trí cho Dự án đang nằm tại kho bạc, khả năng rất cao là đại diện chủ đầu tư sẽ bị cưỡng chế toàn bộ “nguồn sống” trong vài năm tới.
Trên thực tế, PMU 6 cũng là nạn nhân của vấn nạn bố trí vốn đầu tư công dàn trải trong những năm trước đây. Đại diện chủ đầu tư cho biết, Dự án Đầu tư nâng cấp Quốc lộ 4, đoạn nối Hà Giang - Lào Cai (giai đoạn I) được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư năm 2005, điều chỉnh Dự án vào tháng 1/2011 với tổng mức đầu tư là 1.565,228 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ, được chia thành 17 gói thầu xây lắp, trong đó đã lựa chọn và ký hợp đồng được 14/17 gói thầu xây lắp (còn các gói 11, 12, 14 chưa đấu thầu).
Dự án Đầu tư nâng cấp Quốc lộ 4, đoạn nối Hà Giang - Lào Cai (giai đoạn I) do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, đoạn khó khăn theo tiêu chuẩn đường cấp V miền núi.
Tổng chiều dài Dự án khoảng 95 km, trong đó địa phận tỉnh Lào Cai là 28,2 km (đã thi công xong năm 2014); địa phận tỉnh Hà Giang là 66,8 km (trong đó 20,6 km đã thi công xong từ trước năm 2014).
Công trình được triển khai thi công từ năm 2008. Tuy nhiên, đến tháng 2/2011, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Dự án bị đưa vào danh mục các công trình phải dừng giãn tiến độ đến sau năm 2015. Vì vậy, từ năm 2011 đến hết năm 2014, Dự án chỉ bố trí vốn (theo giá hợp đồng gốc, chưa tính trượt giá và phát sinh) để ưu tiên thi công hoàn thành 48,8 km (gồm cả giải phóng mặt bằng) đưa vào khai thác sử dụng thuộc 6 gói thầu xây lắp số 1, 2, 3 (Lào Cai), 15, 16, 17 (Vị Xuyên, Hà Giang) và 2 km Gói thầu số 4 đoạn qua thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần, Hà Giang; tạm dừng thi công, chỉ làm đảm bảo giao thông 24,5 km thuộc 5 gói thầu xây lắp số 5, 6, 7, 8, 9 (đã cơ bản xong nền).
Do bị tạm dừng giãn tiến độ, nên vốn bố trí cho Dự án đến hết năm 2015 (gồm cả giải phóng mặt bằng) là 688,865 tỷ đồng. Bước sang giai đoạn 2012 - 2015, Dự án được Chính phủ bố trí thêm 283,6 tỷ đồng để thi công hoàn thành 7 gói thầu số 1, 2, 3, 4, 15, 16, 17 theo giá trị còn lại của hợp đồng gốc chưa tính đến phát sinh, trượt giá; thi công đến điểm dừng kỹ thuật và đảm bảo giao thông cho 5 gói thầu số 5, 6, 7, 8, 9.
Điều đáng nói là, trong suốt các năm 2016, 2017, 2018, Dự án không được bố trí vốn, dẫn đến việc đại diện chủ đầu tư lâm vào cảnh nợ nần với các nhà thầu.
Trong giai đoạn từ năm 2019 đến nay, Dự án được bố trí 77,4 tỷ đồng (năm 2019) và 235,2 tỷ đồng (năm 2020) trong tổng số 430 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu thi công hoàn thành 24,5 km thuộc các gói thầu số 5, 6, 7, 8, 9 bị dừng giãn từ năm 2011.
PMU 6 cho biết, để thi công hoàn thành các gói thầu số 5, 6, 7, 8 và 9 (nay là gói 9A) sẽ cần khoảng 293,2 tỷ đồng, còn lại khoảng 136,8 tỷ đồng. Để giảm bớt áp lực nợ nần, PMU 6 đề xuất chưa đầu tư thi công đoạn km368 - km371 (thuộc gói thầu số 10) và cho phép sử dụng phần kinh phí còn lại này để trả nợ đọng xây dựng cơ bản cho các nhà thầu. Điều đáng nói là, cho đến thời điểm này, PMU 6 vẫn chưa nhận được hướng dẫn cần thiết của các cơ quan chức năng cho đề xuất được đánh giá là hợp tình, hợp lý này.
“Nếu không kịp xử lý trong năm 2020, toàn bộ phần nợ đọng sẽ phải chuyển sang sử dụng vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, khi đó, nguy cơ chúng tôi tiếp tục phải ra tòa còn lớn hơn nữa”, lãnh đạo PMU 6 lo lắng.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone