'Kém miếng khó chịu', tới lượt Anh muốn tăng cường trừng phạt Nga

Nhật Anh - 22/05/2018 13:08 (GMT+7)

(VNF) - Ngoại trưởng Anh Boris Johnson mới đây đã "bóng gió" rằng Anh sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Nga một khi Brexit hoàn thành. Dường như chính phủ nước này đang "ghen tị" với quyền tự do thực hiện các hình thức cấm vận của ông Trump lên Nga.

VNF
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson

Trao đổi với các phóng viên trong chuyến đi tới Bueno Aires ngày 21/5, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho rằng hiệu ứng của một số lệnh trừng phạt đặc biệt từ phía Mỹ đối với một số cá nhân người Nga thật sự đáng chú ý.

"Tuy nhiên, chúng tôi cũng có hệ thống riêng và cách tiếp cận riêng. Câu hỏi đặt ra là nước Anh có thể làm gì để làm giảm bớt ảnh hưởng của những cá nhân gần gũi với ông Putin mà có thể đang sở hữu các tài sản bất hợp pháp", ông nói thêm.

Đồng thời, nhà ngoại giao Anh cũng cho biết ông vẫn đang theo sát việc thực hiện quyết định áp đặt lệnh trừng phạt của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhắm tới hàng loạt doanh nhân, công ty và đồng minh chủ chốt của Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 4. Dường như nước Anh muốn đẩy mạnh hơn các biện pháp trừng phạt đối với Nga, để “trả đũa” cho vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal.

Lý do tại sao nước Anh, dù rất muốn “mạnh tay” với Nga, nhưng vẫn chưa thể tự do thực hiện kế hoạch trừng phạt của mình là bởi hiện nay nước này chưa hoàn toàn tách khỏi Liên minh châu Âu. Vì thế, chính phủ của Thủ tướng Theresa May buộc phải tuân thủ theo quyết định của toàn bộ EU.

Một khi hoàn thành việc rời khỏi khối vào tháng 3/2019, Anh sẽ có khả năng làm điều mình muốn. Johnson cũng lên tiếng chỉ trích EU đã “quá chậm chạp” khi hành động chống lại Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.

Chính phủ Anh cũng đang chịu áp lực trước yêu cầu giải quyết vấn đề dòng tiền mặt bất hợp pháp từ Nga chảy qua London sau vụ đầu độc cựu điệp viên hồi tháng Ba. Quan hệ ngoại giao giữa Vương quốc Anh và điện Kremlin đã xấu đi đáng kể sau khi vụ việc trên xảy ra, tạo ra một làn sóng trục xuất các nhà ngoại giao Nga ở khắp nơi trên thế giới.

Johnson đang tham dự một cuộc họp của Bộ trưởng ngoại giao các nước nhóm G20, người đồng cấp của ông, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, đã quyết định không tham gia. “Tôi không biết tại sao Lavrov không đến,” Johnson nói. “Ông ấy sẽ có cơ hội được nghe quan điểm của tôi. Rõ ràng là nước Nga không muốn nghe từ phía chúng tôi”.

Ngoại trưởng Anh cũng đã từ chối bình luận về trường hợp hoãn gia hạn thị thực nhập cảnh vào Anh đối với chủ sở hữu Câu lạc bộ bóng đá Chelsea Roman Abramovich, một tỷ phú người Nga. Trong trận chung kết FA Cup giữa Chelsea và Manchester United diễn ra vào tối 19/5, người hâm mộ không thấy sự xuất hiện của ông Abramovich trên khán đài.

Theo một nguồn tin thân cận với giới tài phiệt Nga, thị thực đầu tư của ông Abramovich, thường được gia hạn một cách dễ dàng mỗi 2 năm, đã hết hạn vào tháng 4. Vì vậy, nếu nguyên nhân cho sự chậm trễ trong quá trình gia hạn thị thực của ông Abramovich không chỉ dừng ở một trục trặc hành chính thì đây chính là dấu hiệu cho thấy chính phủ Anh muốn nhắm tới toàn bộ những “ông trùm” Nga đang sinh sống, làm việc tại London.

Xem thêm >> Ông Putin kêu gọi rút quân, Iran quyết 'bám trụ' ở Syria

Theo Bloomberg
Cùng chuyên mục
Tin khác