Khánh Hòa xin Thủ tướng duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch KKT Vân Phong

Lệ Chi - 09/07/2021 16:05 (GMT+7)

(VNF) - UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có tờ trình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

VNF
Một góc vịnh Vân Phong.

Cụ thể, phạm vi, ranh giới, diện tích nghiên cứu lập điều chỉnh quy hoạch khu kinh tế Vân Phong là phần diện tích 150.000ha (diện tích phần mặt nước khoảng 80.000ha, phần đất liền khoảng 70.000ha) thuộc Vạn Ninh và Ninh Hòa.

Ranh giới như sau: phía bắc giáp tỉnh Phú Yên; phía nam giáp phường Ninh Hà, các xã Ninh Quang, Ninh Phú và Ninh Vân của thị xã Ninh Hòa; phía tây giáp tỉnh Phú Yên và các xã Ninh Sơn, Ninh Trung, Ninh Đông, Ninh Bình của thị xã Ninh Hòa; phía đông giáp Biển Đông.

Một trong những mục tiêu để lập điều chỉnh quy hoạch khu kinh tế Vân Phong là xây dựng thành một trung tâm kinh tế, có sức lan tỏa trong vùng và cả nước; trở thành vùng động lực phát triển, đô thị hiện đại, thông minh; khu vực đáng sống với biểu tượng xanh - tri thức - bản sắc; bảo đảm quốc phòng - an ninh góp phần giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Khu kinh tế Vân Phong được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 92/2006/QĐ-TTg ngày 25/4/2006 với tổng diện tích khoảng 150.000ha.

Đến năm 2014, Thủ tướng Chính có Quyết định 380/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong đến năm 2030.

Theo đó, khu kinh tế này mang tính chất là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực; có cảng trung chuyển container quốc tế, công nghiệp lọc hóa dầu, trung chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng hải sản và các ngành kinh tế khác; trung tâm kinh tế của tỉnh Khánh Hòa có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận.

Tính đến nay, khu kinh tế Vân Phong chỉ mới thu hút được 153 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 4 tỷ USD; trong đó có trên 120 dự án đầu tư trong nước và 30 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đã thực hiện chỉ đạt gần 1,4 tỷ USD. Mặc dù đã có 94 dự án đã đi vào hoạt động, nhưng phần lớn là những dự án có quy mô nhỏ, vốn đầu tư không lớn.

Vào tháng 9 năm ngoái, UBND tỉnh Khánh Hòa và Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) đã ký kết hợp tác, xúc tiến đầu tư phát triển khu kinh tế Vân Phong.

Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, thông qua việc ký kết này IPPG sẽ tài trợ 5 triệu USD để làm kinh phí tổ chức lập chiến lược tổng thể phát triển; lập, thẩm định phê duyệt nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong.

“Dự kiến việc lập quy hoạch mất khoảng 2 năm. Đến năm 2022, tỉnh Khánh Hòa sẽ trình đồ án quy hoạch này lên Thủ tướng xin ý kiến, phê duyệt”, ông Tuân nói.

Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn IPPG, việc lập quy hoạch sẽ tạo điều kiện để khu kinh tế Vân Phong trở thành nơi thu hút các nhà đầu tư lớn trên thế giới vào đầu tư.

“Lúc đầu chúng tôi dự kiến thu hút khoảng 40 tỷ USD từ các nhà đầu tư, nhưng đến nay có khoảng 200 nhà đầu tư có ý định rót vốn vào khu kinh tế Vân Phong với số tiền lên đến 60 tỷ USD”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn thông tin.

>>> Xem thêm: Bà Rịa-Vũng Tàu: Liên tiếp sai phạm, DIC Corp bị xử phạt 220 triệu đồng

Cùng chuyên mục
Tin khác