Khó vào EU, Thổ Nhĩ Kỳ nộp đơn xin gia nhập BRICS cùng Trung Quốc và Nga
(VNF) - Một quan chức cấp cao của Điện Kremlin ngày 5/9 cho biết Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã nộp đơn xin gia nhập khối BRICS gồm các nền kinh tế đang phát triển, trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đang tìm cách chống lại ảnh hưởng toàn cầu của phương Tây.
Quốc gia NATO đầu tiên tìm cách gia nhập BRICS
Ông Yuri Ushakov, trợ lý đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ngày 4/9 nói với các phóng viên rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã nộp đơn xin "làm thành viên chính thức" trong khối mà Nga là nước chủ tịch năm nay và đơn này sẽ được xem xét.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhiều lần tuyên bố rằng đất nước này mong muốn trở thành thành viên của liên minh BRICS, theo ông Omer Celik, người phát ngôn của đảng cầm quyền của ông Erdogan.
Liên minh BRICS được thành lập vào năm 2006 bởi Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, với sự tham gia của Nam Phi vào năm 2010. Gần đây, liên minh này đã mở rộng và hiện bao gồm Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Ả Rập Xê Út đã tuyên bố đang cân nhắc tham gia, và Azerbaijan và Malaysia đã chính thức nộp đơn.
BRICS có mục tiêu được nêu rõ là khuếch đại tiếng nói của các nền kinh tế mới nổi lớn để cân bằng lại trật tự toàn cầu do phương Tây dẫn đầu. Các thành viên sáng lập của BRICS đã kêu gọi một trật tự thế giới công bằng hơn và cải cách các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.
Ông Erdogan, người đã nắm quyền trong hơn hai thập kỷ, đã tìm cách tạo ra một chính sách đối ngoại độc lập hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ và tăng cường ảnh hưởng toàn cầu của mình. Đất nước này cũng thất vọng vì không có tiến triển trong các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Tuần trước, Tổng thống Erdogan khẳng định rằng Thổ Nhĩ Kỳ nên "đồng thời" phát triển quan hệ với cả phương Đông và phương Tây.
BRICS dự kiến sẽ thảo luận về việc kết nạp thành viên mới trong cuộc họp tại Nga vào tháng tới.
Đầu năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hoan nghênh sự quan tâm của Thổ Nhĩ Kỳ đối với khối này và hứa rằng Moscow “sẽ ủng hộ nguyện vọng và mong muốn được cùng các quốc gia trong liên minh này đoàn kết, gần gũi hơn để giải quyết các vấn đề chung”.
Theo ông Ushakov, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã chấp nhận lời mời của Điện Kremlin tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS tại thành phố Kazan của Nga, dự kiến diễn ra từ ngày 22-24/10.
“Chật vật” gia nhập EU
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia nằm giữa châu Âu và châu Á, đã gia nhập liên minh quân sự NATO vào năm 1952. Nước này đã trở thành ứng cử viên gia nhập EU từ năm 1999 và bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập khối này từ năm 2005. Tuy nhiên, quá trình này đã bị đóng băng nhiều năm do hai bên bất đồng quan điểm trong một số vấn đề nhạy cảm, từ nhân quyền đến chính sách đối ngoại khác biệt với một số nước EU.
Một nguồn tin ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Ngoại trưởng nước này Hakan Fidan sẽ tham dự cuộc họp không chính thức của EU tại Brussels (Bỉ) vào ngày 29/8, lần đầu tiên trong 5 năm qua.
Theo nguồn tin trên, Thổ Nhĩ Kỳ coi lời mời tham dự cuộc họp của EU là động thái tìm kiếm đối thoại liên quan đến lời kêu gọi của Ankara về việc khôi phục quan hệ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng hy vọng cuộc họp ngày 29/8 tới sẽ giúp mở ra các kênh đối thoại giữa hai bên.
Dự kiến, Ngoại trưởng Fidan sẽ gặp các quan chức cấp cao của EU tại Brussels, trong đó có Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell, Ủy viên phụ trách vấn đề mở rộng EU Oliver Varhelyi.
Đơn xin gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã gây ra mối lo ngại trong EU. Người phát ngôn của khối Peter Stano được cho là đã phát biểu trong một cuộc họp báo tại Brussels vào ngày 4/9 rằng với tư cách là ứng cử viên gia nhập EU, Ankara phải tôn trọng các giá trị và chính sách đối ngoại của EU, mặc dù có quyền lựa chọn tổ chức quốc tế nào để gia nhập.
Hungary tuyên bố không thể tồn tại nếu thiếu dầu Nga, EU ‘dội gáo nước lạnh’
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.