'Không thể cứ đi vay tiền để thuê nhà đầu tư nước ngoài xây các tuyến đường sắt đô thị'

Tuệ Lâm - 27/10/2022 17:48 (GMT+7)

(VNF) - Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP. Hà Nội), Việt Nam không thể cứ đi vay tiền để thuê các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng các tuyến đường sắt đô thị riêng lẻ và để lại hậu quả là không đồng bộ, thiếu kết nối mà nên ưu tiên đặt hàng cho các nhà đầu tư trong nước.

VNF
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn TP. Hà Nội).

Tiếp tục chương trình thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, tổ chức chiều 27/10, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP. Hà Nội), nhấn mạnh năm 2023 kinh tế thế giới dự báo phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nguy cơ khủng khoảng kinh tế thế giới xảy ra sẽ trầm trọng hơn.

Theo ông Cường, trước đây khủng hoảng kinh tế thế giới thường bắt nguồn từ khủng hoảng tài chính ở một trung tâm sau đó lan ra nhiều nơi thì nay lại bắt nguồn từ việc đứt gãy chuỗi sản xuất, đồng thời với khủng hoảng tài chính và diễn ra đồng loạt tại nhiều trung tâm lớn trên thế giới. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Vậy làm thế nào để vượt qua được vòng xoáy khủng hoảng của kinh tế thế giới là một bài toán vô cùng khó cần phải tìm ra lời giải.

“Trước bối cảnh đó, chúng ta không nên say sưa với thành công mà phải nhìn thẳng vào khó khăn, thách thức đang đặt ra phía trước", đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Ông Cường cũng bày tỏ đồng tình với Chính phủ khi đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 ở mức khoảng 6,5% trên nền tăng trưởng 8% của năm 2022 là mục tiêu khá cao nhưng vừa đủ để có thể phấn đấu.

Góp ý về giải pháp, ông Cường đánh giá kinh tế Việt Nam là nền kinh tế sản xuất, có sẵn thị trường nội địa sẽ cán mốc 100 triệu dân vào năm 2023. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi cho các doanh nghiệp, ngay cả khi kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, thị trường thế giới thu hẹp.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng ngay từ bây giờ cần phải tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp giữ vững thị trường trong nước. Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hàng tiêu dùng, nếu khủng hoảng kinh tế xảy ra, thị trường sẽ bị thu hẹp nhưng không bị đóng cửa, do vậy phải khai thác thế mạnh để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tiếp theo, ông Cường cho rằng sau 2 năm đại dịch, tổng nợ của các doanh nghiệp đang ở mức thách thức rất lớn, rất may nợ công của Việt Nam đang duy trì ở mức thấp ở mức hơn 43% với trần nợ công là 60%.

Sang năm 2023 thời hạn hỗ trợ chính sách tài khóa kết thúc, các doanh nghiệp vừa phải thực hiện trách nhiệm tài chính hiện tại vừa phải trả nợ các khoản được giãn hoãn trong 2 năm qua, các khoản nợ đến hạn phải trả.

“Trong bối cảnh kinh tế có nguy cơ rơi vào khủng hoảng, thị trường thu hẹp thì với những sức ép tài chính trên sẽ đẩy nhanh doanh nghiệp đi tới bờ vực phá sản. Do vậy, ngay từ bây giờ chúng ta phải tính sẵn các phương án hỗ trợ doanh nghiệp, đối phó với kịch bản xấu nhất khi xảy ra khủng hoảng kinh tế. Chính sách tài khóa ngược là giải pháp phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay”, ông Cường nói.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng bày tỏ sự đồng tình với mục tiêu thu ngân sách năm 2023 không nên đặt cao như thực hiện của năm 2022 để có dư địa thực hành các chính sách tài khóa. Tuy vậy, ông băn khoăn với chỉ tiêu kế hoạch bội chi cân đối ngân sách năm 2023 đặt ra ở mức 2,89% thấp hơn mức 3,75% của năm 2022.

“Đây là điều khó khả thi và là yếu tố làm hạn hẹp chính sách tài khóa. Kiểm soát bội chi thấp là mục tiêu dài hạn nhưng trong bối cảnh cần sử dụng chính sách tài khóa ngược thì việc chấp nhận tăng bội chi để có nguồn lực cho phát triển cũng là giải pháp cần phải tính đến”, ông Cường nói.

Đại biểu đoàn TP. Hà Nội cũng đánh giá Việt Nam đã chuẩn bị nguồn lực đủ lớn để tăng đầu tư công năm 2023 hơn 38% so với năm 2022, trong bối cảnh giải ngân đầu tư công khó và trong bối cảnh khủng hoảng thì đầu tư thường rơi vào khu vực sản xuất cuối cùng.

Ông đề nghị dứt điểm các công trình hạ tầng đang dở dang để hạn chế nợ công, dành một phần đầu tư công để đặt hàng hỗ trợ các tập đoàn kinh tế mạnh phát triển một ngành trụ cột công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ.

Đánh giá 3 lĩnh vực cần ưu tiên đặt hàng, gồm: công nghiệp đường sắt, hậu cần vận tải biển và công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số quốc gia, ông Cường cho rằng "Chúng ta không thể cứ đi vay tiền để thuê các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng các tuyến đường sắt đô thị riêng lẻ và để lại hậu quả là không đồng bộ, thiếu kết nối và mãi mãi phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài".

Ông Cường cho rằng nếu Chính phủ ưu tiên đặt hàng và cam kết dành thị phần cho các nhà đầu tư trong nước, kết hợp với các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các nhà đầu tư sẽ mua lại công nghệ của nước ngoài và xây dựng cho mình được một nền công nghiệp đường sắt độc lập và hiện đại.

"Chính phủ cần đặt hàng để hình thành nên các tổ hợp đầu tư vận tải biển và đây cũng là yếu tố tăng cường sức mạnh tiềm lực quốc phòng, tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chúng ta cũng cần có hạ tầng công nghệ số của riêng mình để kiểm soát quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Nếu được đầu tư đặt hàng, tôi tin rằng đội ngũ kỹ sư công nghệ của Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng để sản xuất ra các sản phẩm công nghệ phục vụ công tác quản trị công và giành lại thị phần thương mại điện tử đang nằm trong tay các nhà cung cấp nước ngoài”, ông Cường nói.

Đại biểu Hoàng Văn Cường khẳng định trên thế giới nhiều cường quốc đều phải dựa vào các trụ cột là các tập đoàn kinh tế mạnh và trong khó khăn thì nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã ra đời nhờ vào sự đặt hàng của Chính phủ. Ông kỳ vọng rằng giải pháp đặt hàng không chỉ giúp nền kinh tế nước ta vượt qua khó khăn mà còn cho ra đời nhiều tập đoàn kinh tế mạnh, tạo thành các trụ cột của nền kinh tế.

Ngoài ra, đại biểu đoàn TP. Hà Nội cũng đề nghị cần nhất quán quan điểm không hình sự hóa các quan hệ kinh tế để nhà đầu tư yên tâm kinh doanh, phát triển sản xuất.

Cùng chuyên mục
Tin khác