Kinh tế Nga ‘thăng hoa’ nhờ chiến sự
(VNF) - Số liệu mới cho thấy người Nga đang ngày càng giàu có bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây và cuộc chiến tốn kém ở Ukraine.
Kể từ khi Nga đưa quân tới Ukraine vào tháng 2/2022, Mỹ và các đồng minh đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt và cấm vận toàn diện lên Nga, nhằm mục đích cản trở quân đội nước này và tạo ra sức ép kinh tế cần thiết để thúc đẩy Moscow rút quân.
Tuy nhiên, một chuyên gia đã nói với Newsweek rằng cuộc chiến ở Ukraine không hề làm suy yếu mà thậm chí còn giúp củng cố nền kinh tế Nga.
Đầu tuần qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố bảng xếp hạng tổng thu nhập quốc dân (GNI) thường niên. Nga, cùng với Palau và Bulgaria, được các nhà kinh tế nâng hạng từ nhóm "thu nhập trung bình khá" lên nhóm "thu nhập cao".
Theo các tác giả, hoạt động kinh tế ở Nga "chịu ảnh hưởng của sự gia tăng mạnh mẽ các hoạt động liên quan đến quân sự". Họ cho biết nền kinh tế Nga cũng "được thúc đẩy bởi sự phục hồi của thương mại" cũng như sự tăng trưởng trong các lĩnh vực tài chính và xây dựng.
Tổng hợp lại, điều này dẫn đến sự gia tăng cả GDP thực tế và danh nghĩa, cũng như mức tăng 11% trong tổng thu nhập bình quân đầu người của đất nước.
Phân loại mới này sẽ đưa Nga ngang hàng với Mỹ và các quốc gia G7 khác, những nước đang cố gắng gây cản trở nền kinh tế của nước này kể từ năm 2022.
Tuy nhiên, dữ liệu của Ngân hàng Thế giới xuất phát từ số liệu thống kê do các quốc gia thành viên cung cấp, và trước đây Nga từng bị cáo buộc làm giả số liệu như một phần trong "cuộc chiến thông tin" đang diễn ra chống lại phương Tây.
Ông Philip Cuncliffe, giáo sư về quan hệ quốc tế tại University College London – người đã viết nhiều về chủ đề trừng phạt Nga, đã trao đổi với Newsweek về báo cáo của Ngân hàng Thế giới và sự đáng ngờ tiềm ẩn trong các số liệu của Moscow.
Ông cho hay: "Mặc dù dữ liệu kinh tế luôn có thể được điều chỉnh, nhưng hầu hết các bằng chứng hiện nay đều chỉ ra rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đã thất bại thảm hại".
Ông Cuncliffe tin rằng các lệnh trừng phạt thậm chí có thể mang lại lợi ích cho đất nước theo một số cách. Theo ông Cuncliffe, những nỗ lực của phương Tây nhằm hạn chế thương mại toàn cầu của nước này có thể "thực sự đã giúp kích thích ngành công nghiệp Nga và buộc nhà nước Nga phải tự chủ hơn, khai thác thị trường mới và thiết lập chuỗi cung ứng mới".
Các đòn trừng phạt gia tăng
Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu nhắm vào cơ sở hạ tầng tài chính, lĩnh vực năng lượng và mạng lưới mua sắm quân sự của Nga vẫn tiếp tục gia tăng.
Vào tháng 6, Mỹ tuyên bố sẽ nhắm mục tiêu vào 300 cá nhân và tổ chức khác bị cáo buộc giúp nước này lách lệnh trừng phạt.
Trong hội nghị thượng đỉnh G7, các quốc gia thành viên đã nhất trí phân bổ 300 tỷ USD tài sản bị đóng băng của Nga để cung cấp thêm vốn cho các nỗ lực kháng cự của Ukraine.
Tuần trước, Liên minh châu Âu đã thông qua gói trừng phạt thứ 14 đối với quốc gia này, đặc biệt nhắm vào hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga.
Trong khi các quan chức Nga lên án những biện pháp này, chúng vẫn không ngăn chặn được việc tái vũ trang của Nga hoặc gây sức ép đủ lớn lên nền kinh tế để khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin phải thay đổi chính sách.
Tuần trước, một báo cáo từ một nhóm nghiên cứu của Anh cho rằng quốc gia này hoàn toàn có khả năng bổ sung kho vũ khí của mình và các lệnh trừng phạt đã chứng minh là "rõ ràng không hiệu quả" trong việc hạn chế cỗ máy chiến sự của Nga.
Một trong những tác giả của bài báo, Gary Somerville, nói với Newsweek rằng các nhà thầu quốc phòng có thể lách lệnh cấm vận, sử dụng "các công ty bình phong" và kênh bí mật để lén đưa các thành phần quân sự vào Nga.
Nếu đúng, dữ liệu mới từ Ngân hàng Thế giới sẽ củng cố thêm bằng chứng cho thấy Nga có khả năng chịu đựng các lệnh trừng phạt của phương Tây và cuộc chiến ở Ukraine chỉ củng cố thêm sức mạnh kinh tế của đất nước này.
Giữa căng thẳng, 1 quốc gia NATO quyết nâng kim ngạch thương mại với Nga lên 100 tỷ USD
Hai cây cầu trăm tỷ kết nối Bình Dương với TP. HCM và Tây Ninh
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.