Ký kết hợp đồng tín dụng dự án đầu tư xây dựng cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo

Lan Thu - 07/12/2021 13:31 (GMT+7)

(VNF) - Ngày 7/12 tại Hà Nội, liên danh nhà đầu tư Đèo Cả - 194 cùng doanh nghiệp dự án đã tổ chức ký kết hợp đồng tín dụng và hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) dự án xây dựng cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo theo hình thức hợp đồng BOT.

Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có tổng mức đầu tư khoảng 8.925 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 5.139 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu 1.030 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cam kết cấp khoản tín dụng với hạn mức là 1.700 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả và Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (UPCoM: HHV) cam kết đầu tư phần còn lại là 1.056 tỷ đồng thông qua hình thức hợp đồng BCC.

Cơ cấu nguồn vốn của dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo

Tại dự án này, nhà đầu tư đã đưa ra mô hình 3P trong việc huy động vốn, đến nay việc thu xếp vốn đã hoàn thành, đồng thời chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực tại công trường để triển khai dự án theo đúng các nội dung hợp đồng đã ký kết.

Như vậy, mặc dù là dự án có thời gian đàm phán hợp đồng BOT kéo dài nhất trong 3 dự án cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo hình thức PPP, Cam Lâm - Vĩnh Hảo lại được coi là “điểm sáng” khi thu xếp xong nguồn vốn. Hai dự án còn lại là Diễn Châu - Bãi Vọt và Nha Trang - Cam Lâm vẫn chưa gỡ được nút thắt về vốn và có nguy cơ phải hủy hợp đồng BOT vì quá thời hạn ký hợp đồng tín dụng.

“Sau một thời gian nghiên cứu về việc tài trợ dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, ngoài việc thấy được dự án có khả thi cao, TPBank cũng đánh giá cao năng lực của nhà đầu tư Tập đoàn Đèo Cả khi triển khai thành công một loạt các dự án Đèo cả , Cù Mông , Hải vân , cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn và đặc biệt ở dự án Trung Lương – Mỹ Thuận khi đã chủ động công khai lập đồng hồ đếm ngược kiểm soát tiến độ. Chúng tôi tin tưởng rằng với tiềm lực tài chính, kinh nghiệm của nhà đầu tư cùng với ủng hộ của Bộ Giao thông Vận tải, dự án sẽ triển khai, hoàn thành đảm bảo tiến độ đồng thơi mô hình 3P là sự vận dụng và chọn lựa tốt nhất hiện nay”, ông Đinh Tiến Đức - Giám đốc chi nhánh Thăng Long - đại diện ngân hàng tài trợ vốn khẳng định.

Với năng lực và uy tín của TPBank và liên danh nhà đầu tư do Tập đoàn Đèo Cả dẫn đầu là điều kiện quan trọng mở ra niềm tin rất lớn để mang lại thành công của dự án. Việc ký hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) cho thấy sự đa dạng về nguồn vốn và liên danh nhà đầu tư huy động nguồn lực trong nước, xác lập quyền lợi cho cổ đông.

Ở một dự khác là cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, ngày 1/12 Tập đoàn Đèo Cả và Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) đã thực hiện việc bắt tay cùng các nhà đầu tư Thành Lợi, Phú Mỹ, Văn Phú đề xuất mô hình huy động vốn thực hiện dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo 319/TB-VPCP.

Tham gia buổi ký kết ngoài TPBank còn có các quỹ như Lotus Capital xác định  đa dạng hóa nguồn vốn thực hiện dự án để không phụ thuộc hoàn toàn vào vốn tín dụng. Thành công bước đầu của phương thức huy động dự án đã khẳng định hướng đi đúng đắn và khẳng định uy tín, năng lực của nhà đầu tư Tập đoàn Đèo Cả, tạo niềm tin cho Chính phủ, đối tác là ngân hàng và hơn 30.000 cổ đông đã ủng hộ chiến lược đầu tư của HHV cho các dự án của tập đoàn (99,97% cổ đông đồng thuận).

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ Đối tác công – tư cho rằng các nhà đầu tư tham gia 3 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, mà mấu chốt là phải thu xếp được vốn và ký hợp đồng tín dụng trong 6 tháng kể từ ngày ký hợp đồng BOT.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo là dự án duy nhất và đầu tiên ký được hợp đồng tín dụng và hợp đồng BCC

“Trong 3 dự án, chúng tôi rất bất ngờ và vui mừng khi Cam Lâm – Vĩnh Hảo của liên danh do Đèo Cả đứng đầu ngoài giảm giá gần 800 tỷ khi tự tin vào năng lực tổ chức thi công, đây cũng là dự án duy nhất và đầu tiên ký được hợp đồng tín dụng và hợp đồng góp vốn BCC, đánh dấu bước biến chuyển từ cam kết tín dụng thành hợp đồng tín dụng, đầy đủ các điều kiện để thực hiện công trình. Bộ Giao thông vận tải tin tưởng vào sự thành công của dự án”.

Trước đó, ngày 31/7/2021, dự án này đã được Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư ký kết hợp đồng BOT. Việc đàm phán hợp đồng của dự án này kéo dài hơn các dự án khác bởi 2 bên cùng thương thảo chi tiết để đi đến thống nhất tháo gỡ những vấn đề vướng mắc như cơ chế huy động vốn, trách nhiệm giải ngân nguồn vốn nhà nước, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền… Đây đều là những bài học được đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn các dự án PPP lớn trong thời gian vừa qua.

Ông Phan Văn Thắng – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, chia sẻ: “Thời gian qua, dù chịu nhiều tác động của dịch Covid-19 nhưng được sự hỗ trợ tích cực của các địa phương nơi dự án đi qua và nỗ lực của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, đến nay ban điều hành dự án đã huy động hơn 1.000 cán bộ, công nhân và hơn 300 máy móc, thiết bị; các khu sản xuất vật liệu; nhà điều hành, khu văn phòng, khu ăn ở của cán bộ nhân viên cũng đã được chuẩn bị đầy đủ phục vụ công tác thi công các hạng mục chính của dự án”.

"Chúng tôi đã biết đến Đèo Cả từ các công trình chất lượng, mang đến giá trị rất lớn cho người dân Việt Nam như hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân,... Chúng tôi có đề xuất với ông Hồ Minh Hoàng để tham gia đầu tư quỹ với mức 20 triệu USD trong vòng 5 năm. Đối với quỹ, đây là cơ hội đầu tư rất tốt và phù hợp với nhu cầu của quỹ với tiêu chí dòng tiền và doanh thu lâu dài, ổn định. Quỹ đầu tư có bộ phận nghiên cứu phân tích, tìm những kênh đầu tư tiền sao cho tăng trưởng bền vững và làm hài lòng các nhà đầu tư của chúng tôi” - Ông Huỳnh Thanh Hải – Phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư Lotus Capital.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.